(It’s Time for South Korea to Acknowledge Its Atrocities in Vietnam)
(Lời người dịch: Trong phim Hàn "Little Women", cựu binh khoe cứ 1 lính Hàn chết thì 20 du kích bị giết. Hà Nội nói bộ phim bóp méo sự thật. Tôi cho con số là đúng. Chỉ sai: không những du kích mà có cả thường dân. Ở Thanh Hà (sát Hội AN) nơi đóng quân của sư đoàn Thanh Long. Tôi ở gần nơi này suốt cuộc chiến và thấy du kích không bao giờ dám tấn công vào đây, vì một lính Hàn bị giết sẽ có rất nhiều người ở trong khu vực họ kiểm soát bị đền mạng tập thể. Nhưng tác giả bảo Hàn Quốc cần xin lỗi thảm sát 1968 thì những người Việt thảm sát đồng bào mình tại Huế năm Mậu Thân có ai xin lỗi đâu?)
Chuyến thăm 3 ngày cấp nhà nước của chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc tại Hàn Quốc hôm đầu tháng bắt đầu bằng 21 phát đại bác chào đón, và chấm dứt đáng nhớ trong một ngày nắng ấm. Ông Phúc và đồng cấp Yoon Suk Yeol quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên “đối tác chiến lược toàn diện”- đỉnh cao trong cấp bậc ngoại giao của Việt Nam, trước đó họ chỉ dành cho 3 nước: Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.
Tuy nhiên, sự hào nhoáng và hoàn cảnh như thế làm nhòa đi cách đối phó khó khó khăn với một phần lịch sử giữa hai nước: Sự can dự của quân đội Nam Hàn trong chiến tranh Việt Nam chấm dứt vào năm 1975. Dù cho số thường dân bị họ giết chết có số liệu rõ ràng, Seoul luôn leo lẻo những tội ác như thế chưa từng có bằng chứng. Trong lúc đó, chính phủ Việt Nam chưa bao giờ công khai yêu cầu Nam Hàn xin lỗi chính thức, bồi thường cũng chẳng. Lời nhắc nhở gần đây về thực tế này – và cách hai nước không giải quyết gánh nặng lịch sử ấy – đến từ bộ phim nhiều tập ở Nam Hàn từng dấy lên tranh cãi tại Việt Nam.
Quãng tháng 10, giới chức Việt Nam yêu cầu gã khổng lồ phát trực tiếp (streamline) Netflix (Mỹ) gỡ bỏ phim Hàn Little Women (những Phụ nữ bé), nói về ba phụ nữ sống ở Seoul hiện đại. Lý do có thể tóm lại vài dòng trong tập 8 của bộ phim 12 tập, đề cập lời khoe khoang chiến công của một cựu chiến binh: “Trong các trận đánh hay nhất, tỷ lệ chết trong lính Hàn là 20: 1. Hai chục mạng du kích đổi lấy một mạng lính Hàn”. Anh ta muốn nhắc tới đội quân du kích do Bắc Việt chỉ đạo trong chiến tranh VN; anh ta còn nói, tỷ lệ ấy còn cao hơn đối với binh sĩ thiện chiến nhất nước mình.
Giới chức VN cho rằng, loạt phim này bóp méo sự thật, nhưng dường như, trong con mắt của họ, loạt phim bị cắt vì những lời thoại nhẫn tâm khơi lại những vết thương chiến tranh.
Từ 1964 đến 1973, Nam Hàn điều 320 ngàn quân tới VN chiến đấu bên quân đội Hoa Kỳ, để đổi lấy viện trợ Mỹ nhằm vực dậy nền kinh tế còn èo uột của Hàn Quốc. Trên chiến địa, như đồng minh Mỹ, Nam Hàn khẳng định mình là một lực lượng chiến đấu ác liệt. Họ bị cáo buộc thảm sát thường dân, ước tính 9000 người bị giết tập thể khắp cả nước, theo báo cáo của một nhà nghiên cứu Nam Hàn (*) từng phỏng vấn nhân chứng và những người sống sót.
Tuy nhiên, chưa có tổng thống Hàn Quốc nào thừa nhận bất kỳ vụ thảm sát nào như vậy ở Việt Nam. Trong chuyến thăm Hà Nội năm 2018, tổng thống Hàn Quốc khi đó là Moon Jae-in chỉ bày tỏ “sự tiếc nuối về một quá khứ không mấy tốt đẹp”. Trong khi đó, bộ quốc phòng và cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc nhiều lần ngăn cản nỗ lực của các nhà hoạt động, các học giả muốn tiếp cận hồ sơ, không cho mở cuộc điều tra toàn diện.
Năm 2018, chính quyền Nam Hàn bác bỏ phán quyết của một tòa án mô phỏng (mock tribunal) kết án họ phạm tội ác chiến tranh ở Việt Nam. (Phán quyết không bó buộc pháp lý vì tòa do một phong trào dân sự triệu tập). Tháng 8 rồi, hai công dân người Việt lần đầu tiên xuất hiện trong một tòa án Hàn Quốc để điều trần về các tội ác quân đội Nam Hàn phạm trong chiến tranh (VN). Tại phiên tòa, các đại diện Seoul cố tình bác bỏ các lời điều trần liên quan đến cuộc thảm sát năm 1968 ở làng Phong Nhị và Phong Nhất. Họ lặp lại luận điệu kết tội lính Việt Nam (cộng hòa), giả dạng lính Nam Hàn, thực hiện cuộc thảm sát – một luận điệu do chỉ huy quân Nam Hàn đưa ra ngay trong năm 1968 khi cuộc thảm sát bị báo chí soi rọi.
Những người sống sót (sau thảm sát-ND) cố tìm trách nhiệm giải trình nhưng không mấy thành công. Trong một thư thỉnh nguyện gởi lên tổng thống Moon, 103 nạn nhân người Việt yêu cầu điều tra toàn diện thảm sát do quân đội Hàn gây ra và yêu cầu lời xin lỗi công khai của Seoul. Những người sống sót than thở, chẳng một quan chức Hàn nào để tâm tới một lời nào xin lỗi họ.
Vị trí “mặc định” của Hàn Quốc trong chiến tranh càng củng cố bởi thái độ e dè của chính quyền VN. Lý do không khó hiểu mấy ở giai đoạn mà địa chính trị và sự giao thương là hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Ngoài việc là một đối tác gần gũi nhất ở Đông Á, Hàn Quốc giữ nguồn lực đầu tư trục tiếp to lớn nhất ở Việt Nam. Hai nước dự định đẩy mạnh giao thương 100 tỷ đô la trong năm tới, 150 tỷ vào năm 2030, tăng hơn năm 2021 80,7 tỷ đô.
Công ty đa quốc gia Hàn Quốc, Samsung, là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, chi phối khủng khiếp đất nước chuyên xuất khẩu này. Samsung vừa bơm 18 tỷ đô cho 6 nhà máy tại VN, hai trong số đó sản xuất điện thoại thông minh, chiếm 1/5 tổng giá trị xuất khẩu của đất nước. Như một hệ quả tất yếu, thu hẹp sản xuất của Samsung gần đây gây thiệt hại cho việc xuất khẩu điện thoại của VN.
Đành là, có thể hơi quá để nói rằng, đầu tư của Hàn Quốc tạo ảnh hưởng lớn lên cách hành xử của VN đối với gánh nặng chiến tranh đè lên hai nước. Nhưng thật ra, các quan chức Hà Nội muốn ‘hạ nhiệt’ câu chuyện chiến tranh để đổi lấy sự hào phóng của Seoul từ trước tới nay.
Năm 2000, một đài kỷ niệm chuẩn bị khánh thành ở Hà My, một ngôi làng ở Quảng Nam có 135 thường dân bị lính Hàn giết chết năm 1968. Báo Guardian tường thuật, trước khi tượng đài thảm sát mở cửa, quan chức địa phương giải thích với người dân, có một số chỉnh sửa thiết kế theo yêu cầu của các nhà ngoại giao Hàn Quốc.
Các giới chức Hàn Quốc phản ứng một bài thơ khắc sau bia tưởng niệm, mô tả sinh động những gì xảy ra trong cuộc thảm sát năm 1968. Những năm sau 2000, Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư chính ở VN, cũng theo Guardian, các quan chức Hàn đề xuất sẽ tài trợ xây một bệnh viện địa phương nếu bài thơ ấy được giấu đi. Phía Việt Nam nhượng bộ. Không có bài thơ, du khách chẳng hiểu chuyện gì xảy ra cho người lớn và trẻ em có tên khắc trong một bia mộ thật to. Nhà nhân chủng học nổi tiếng Hàn Quốc, ông Heonik Kwon, viết một cuốn sách về thảm sát Hà My, nhắc lại lời một người dân làng, sự che giấu đó “giết chết ký ức về những người bị giết”.
Chắc chắn chẳng có gì sai đối với một “Việt Nam nhìn về phía trước” khi giữ chặt quan hệ với Hàn Quốc mặc cho một quá khứ rối rắm. VN cũng thành công như thế khi quan hệ với Hoa Kỳ. Nhưng thúc đẩy quan hệ song phương bằng cách “phủ đường” (sugarcoat) lịch sử sẽ đi ngược lại bản chất “toàn diện” của một đối tác chiến lược mới, làm cho nền móng (quan hệ đó) thiếu bền vững.
Thực sự, hai quốc gia đang chuẩn bị cho 30 năm kỷ niệm ngày thành lập quan hệ ngoại giao, thời điểm chưa bao giờ chín muồi hơn cho một sự hòa giải.
Về phía Hàn Quốc, một điều đã quá trễ khi thừa nhận tội ác chiến tranh, một lời xin lỗi chính thức với nạn nhân người Việt Nam, bồi thường tài chánh mất mát cho những người còn sống sót, xây dựng đài kỷ niệm ở những vùng xảy ra thảm sát. Thành thật mà nói, không dễ dàng gì đối với Hàn Quốc phải thừa nhận mặt này – đặc biệt họ tự coi mình như người không được thừa nhận, hay thừa nhận chưa đúng, là nạn nhân của Nhật xâm lăng trong thời gian bị Nhật đô hộ. Nhưng, như Nam Hàn buộc Nhật Bản giải quyết tội ác chiến tranh, Hàn Quốc nên thừa nhận nạn nhân của họ ở Việt Nam.
Về phía Việt Nam, một đất nước mà giới trẻ phần đông không hiểu sự can dự của Nam Hàn trong tội ác chiến tranh – đây là lúc Hà Nội cần minh bạch hơn về một lịch sử chung, và tìm kiếm công bằng cho những nạn nhân còn sống. Nếu Hà Nội không áp lực hơn với Nam Hàn, bề ngoài cứng rắn đòi cắt bỏ loạt phim Little Women chỉ là sáo rỗng đối với quần chúng nhân dân. Ít nhất, nó cũng mang lại nỗ lực phần nào đòi hỏi sự hòa giải chính thức của Hàn Quốc. Còn không, nó được coi là một trò chính trị nhằm tránh trớ một sự thật rành rành mà Hà Nội không có khả năng đối mặt.
Bài đăng trên FOREIGN POLICY ((Mỹ) của Dien Luong (Lương Diễn?), nghiên cứu viên thỉnh giảng, viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore.