Monday, January 1, 2024

ĐÀ LẠT 2019:

Năm 1973, tôi có dịp đến đây lần đầu tiên vào các ngày sau Tết. Buổi sáng phải dùng nước ấm để rửa mặt. Và buổi sáng đầy hoa: bên đường, trong vườn nhà, trong các villa sang trọng. Thật nhiều ấn tượng. Thành phố rất vắng người, càng về chiều, đường phố càng vắng hoe. Sương mù che khuất những con  đường uốn lượn theo chân những ngọn đồi thông hàng hàng cao vút. Nhà cửa thưa thớt, đa phần như biệt thự sơn màu hồng, màu trắng, nhô lên những ống khói, trên những con đường trung tâm thành phố. Nhà cửa ở những vùng xa hơn, thường nằm nép bên những con dốc, lên xuống qua những bậc thang, lát đá, ít xây bằng xi măng. Lưu thông trên đường chỉ thi thoảng vài chiếc xe con, xe công vụ, và người đi bộ, không có xe đạp, rất ít xe máy.

Người Đà Lạt đa phần thanh lịch, ăn nói nhỏ nhẹ, từ tốn. Không thấy sự giàu nghèo bày ra bên ngoài, ai cũng mặc những bộ đồ ấm nhiều màu sắc, da mặt hồng hào, có thấy ai mặc áo quần rách rưới đâu, nhìn người Đà Lạt ai cũng...như nhau. Đời sống "quý phái" của người Đà Lạt có lẽ nhờ sự giàu có sẵn từ cha ông họ, hoặc họ là công chức, và những người sinh nghiệp với những vườn rau xanh mướt, hay những vườn hoa hé nở quanh năm. Số còn lại, đa phần người lao động, với mảnh đất nhỏ của mình, đủ sống.

Thành phần "bất hảo" có lẽ không có. Đường này nối đường kia xa ngát có nhiều quãng đường dài không một ngôi nhà nhưng chẳng có những vụ cướp giật nào được biết, và điều này, sự an bình duy trì đến tận ngày nay: buổi tối, những chiếc xe máy còn mới để la liệt trong những con hẻm, không sợ mất trộm. Cuộc sống thanh lịch phát sinh từ một vùng đất thanh lịch? Đà Lạt hiện nay bề bộn, đông người hơn, nhiều du khách hơn, xưa kia giàu mới du lịch lên Đà Lạt, giờ không nhất thiết như thế, người nghèo cũng vẫn đi.

Đường phố ngoằn ngoèo, lên xuống những đồi dốc, các ngã tư không thấy đèn đỏ, người lái xe, người đi bộ, luôn nhường nhau khi lưu thông, không ùn đẩy, hối hả, bươn tới như ở Sài Gòn.

Nhường nhau trên đường xuất phát từ sự từ tốn điềm đạm của người Đà Lạt? Nhưng năm mười năm nữa, Đà Lạt còn giữ sự từ tốn như thế khi giao thông ngày càng nhộn nhịp vì cuộc sống bề bộn hơn?

Tôi nghĩ sẽ tồi tệ hơn khi không giữ được bản chất của Đà Lạt. Nhiều resort mọc lên, nhà bê tông, biệt thự nguy nga, chen chúc, những cây thông già, đặc trưng thành phố núi, bị đốn hạ mặc tình giành đất cho công trình xây dựng. Quan trọng nhất, con người Đà Lạt và những du khách đến đây, họ có giữ cho thành phố không khí trong lành, rừng thông xanh ngát, như câu hát nằm lòng "Đà Lạt mộng, Đà Lạt mơ"?

E ngại của tôi có cơ sở khi tôi quan sát chợ Đà Lạt: nhếch nhác, luộm thuộm, bừa bộn, mất vệ sinh... Xe hơi đậu choáng lối đi, khoảng sân rộng trước chợ, mạnh ai nấy đậu, chặn cả người, xe máy của người muốn vô chợ. Trong khi xe máy giữ 5000 đồng một chiếc thì xe hơi miễn phí, đậu đâu cũng được. Sao không quy hoạch nơi nào, hoặc không dừng đậu thời gian nhất định như ở sân bay? Chỗ vệ sinh công cộng không ở vị trí dễ thấy, bảng chỉ dẫn  nằm lọt thỏm vào cửa hiệu to đùng, hoành tráng, không ai nghĩ bên trong có nhà vệ sinh công cộng.

Không cần xét tiêu chí "văn hóa" qua những hạng mục cao vời, chỉ cần nhìn chợ, nơi đi vệ sinh, người ta đánh giá nơi ấy có văn hóa hay không. Đà Lạt cần quản trị bởi những người có đầu óc biết yêu mến thiên nhiên, hiểu thiên nhiên, hiểu con người phố núi, đau đớn khi có một cây thông già bị gãy đổ, biết xót xa khi thấy những phụ nữ gầy yếu với đôi quang gánh, ngồi trước mặt chợ, khẩn cầu nhìn những du khách giàu có, mua giúp họ lọn rau, quả cà, trái mướp trong khi du khách vô tình ấy đang hướng mắt vào những cửa hàng to lớn, bày hàng hóa tràn ra hè chợ.

Biết bao giờ có được những người như ‘bọn thực dân’, dày công gầy dựng Đà Lạt, để rồi ngậm ngùi cuốn gói về nước, bỏ lại một di sản thiên nhiên, cho những người lúc nào cũng hô hào yêu nước nhưng thiếu năng lực giữ được một thành phố không cần "quá" văn minh như tôi thấy ở những năm 70 khi đất nước còn chiến tranh. Đà Lạt sẽ kẹt xe như Sài Gòn, đó sẽ là viễn cảnh, nếu bây giờ không ai coi nó là một thắng cảnh có một không hai ở miền Nam. Tôi vừa thấy hôm qua, trên một con đường lớn, đoàn xe dài tít tắp nối đuôi nhau, cảnh sát giao thông vất vả lắm mới giải quyết thông xe sau gần 20 phút. Đà Lạt thơ mộng trở thành Sài Gòn khói bụi, thì hỡi ôi...

Related Posts:

  • LOA KẸO KÉO Không ngờ loa kéo được “tham dự” cuộc họp hội đồng nhân nhân thành phố HCM. “Loa kéo” thành "loa kẹo kéo”, vì nó phát âm thanh kéo dài, dai nhách, còn hơn kẹo kéo; cách gọi bỉ bôi sự xuất hiện của một loại amply có loa thùng...… Xem thêm
  • ỐC SINH VIÊNTôi thấy một quán nhậu bán các loại ốc lại ghi ốc sinh viên. Tôi nghĩ có một loại ốc mới ngoài ốc hương, ốc đá, ốc bươu… Sinh viên chắc là một loại ốc mới được phát hiện sau này. Nhưng không phải, quán bán ốc giá thấp, sinh v...… Xem thêm