Friday, January 5, 2024

CHỨNG NHÂN THẦM LẶNG

Một người bạn cũng là đàn em của tôi hãnh diện cho tôi biết có một “cây duối gần làng” bị ngã vì bão được giới chức địa phương cho “dựng” lên bằng những cây tre chống đỡ. Ở thành phố hay đô thị khắp miền Trung, trước mùa mưa bão, những cây lớn dọc đường phố được cắt tỉa, có khi gần như trụi, để khỏi bị bão đánh ngã. Ông trời không thương khúc ruột miền Trung nên năm nào dải đất nghèo luôn luôn hứng bão tố, lũ lụt.

Vì không tỉa cành, nhánh trước bão, cây "duối lịch sử" bị ngã.

Cây duối cổ tỉa cành sau bão. Tương truyền, người Hời và cây duối dường như gắn bó nhau.

Ở  vùng quê ngày càng bê tông cốt thép để “đô thị hóa”, những cây “cổ thụ” trở thành “vật quý hiếm”. Cuộc sống dần cải thiện, hay cải thiện lên cao, người ta mới để ý đến thiên nhiên. Trễ còn hơn không.

Vùng quê của tôi (Tây Quảng Nam) nổi tiếng với những cái tên “cổ thụ”. Cây gạo Hà Tân. Cây gạo Trúc Hà. Cây gạo ông Tuân…Gạo là loài cây sống khỏe, sống lâu, gần gũi với nông dân. Những buổi trưa hè nắng nóng, bóng mát phủ cả một khu vực rộng lớn nhờ những cành cây tỏa ra quanh thân cây cao vút, gạo như một căn nhà lớn, “nuôi đủ trăm con”.  Cả một bãi đất bồi ven sông không biết bao nhiêu là cây gạo của không biết bao nhiêu thế hệ. Ông tôi, cha tôi, và tôi cùng “thấy” những cây gạo khi vừa bước vào tuổi 9, 10 - lứa tuổi nhận biết. Gạo có hàng trăm năm tuổi. Mùa hoa gạo không phải chỉ có trong văn học. Cả một vùng trời đỏ rực những buổi trưa gần hè cuối tháng 3. Gạo vừa cao vừa tỏa ra nhiều nhánh. Nó là nhà của những tổ chim cu, chim cưỡng, chim sáo, chim nhồng – những loài chim yêu thích chiều cao của bao la đất trời.

Ngày xưa, người ít, đất nhiều. Cái ăn không dằn xé tâm can. Chỉ đủ ăn hay “hằng ngày dùng đủ”, nên người ta không phải “cải tạo” thiên nhiên như sau này: “bắt núi phải quỳ, bắt sông phải lạy”. Hay “nghiêng sông đổ nước lên đồng”. “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Hàng trăm cây gạo mọc trên bãi bồi ven sông, như tôi nói, có lẽ sẽ không bị con người đốn hạ để lấy đất trồng cây…cứu đói.

Cây cổ thụ quê tôi - đa phần là gạo – gần như tuyệt diệt trong một thời gian không dài. Cũng vì cái ăn ám ảnh.

Số phận cây cổ thụ không hẳn bi đát như nhau. Ngày nay, quê tôi vẫn còn một số cây sót lại. Không phải là ý muốn bảo tồn. Nhưng là những “kỷ niệm”. “Cây duối bên làng” là một ví dụ. Một cụ ông 93 tuổi còn minh mẫn nói với tôi, cây duối Trúc Hà (tên của một làng) xuất hiện khi ông còn nhỏ năm ba tuổi. Cha ông cũng nói từng thấy cây duối ấy.

Giữa đồng lúa mênh mông, cây duối đứng  trên một vạt đất hình chữ nhật, bao quanh bằng những khối đá có tảng dài 2 mét, chiều  cao 6,7 tấc, chồng sát lên nhau như tường thành của một ngôi mộ cổ, có chiều rộng hơn 4 mét, chiều dài gần 8 mét. Dân làng nghe kể lại đây là ngôi mộ Hời, không có bia, cây duối là dấu tích thay bia mộ. Một lịch sử hình thành tại vùng đất này, lịch sử của những cư dân Chàm (người quê tôi gọi là Hời)?

Tôi không rõ có đúng thế không. Nhưng có một cây “cổ thụ” khác, tôi biết chắc, là chứng nhân của lịch sử: Cây sung bên cầu gãy. Người Pháp để ý quê tôi rất sớm khi họ đặt xong nền cai trị thực dân ở Việt Nam. Huyện Hiên (nay gồm huyện Đông Giang và Tây Giang, giáp Lào) có đồn Hiên với sự cai quản của một vị quan hai (trung úy). Thời Ngô Đình Diệm thì có căn cứ quân sự An Điềm (gọi là đồn An Điềm, nay có trại giam cùng tên).

Chiếc cầu, có cây sung phía hạ nguồn, xây dựng từ thời Tây, rất kiên cố. Xe nhà binh của Pháp rồi của Mỹ đều sử dụng chiếc cầu này cho chiến tranh. Khi người Mỹ “lùa” dân vào các khu định cư, chiếc cầu bị "cách mạng" đánh sập. Hiện vẫn còn mấy nhịp cầu chìm một phần trong nước (như trong ảnh). Không rõ có người nào chết ở chiếc cầu này nhưng cây sung vẫn còn sống từ thời Tây qua thời Mỹ, từ chiến tranh đến hòa bình. Cây sung có trên 100 năm tuổi.

Ảnh tác giả: Cây sung bên chiếc cầu đã gãy.

Gần cây sung chừng hai trăm mét là một cây đa (chỗ tôi gọi là cây gia – hoặc da). Theo lời kể của cụ ông 93 tuổi của làng Trúc Hà (có nhắc ở trên), cây đa này là phần “nhánh” của cây đa bên ngôi chùa và ngôi đình trung (nơi hội họp) năm 1947.

Tháng 4 năm 1947, theo tin tình báo do Việt Minh thu thập, quân Pháp ở đồn Ái Nghĩa (cách đó 20 km) có lính tăng cường từ tỉnh lỵ Hội An,với máy bay phối hợp, sẽ tấn công vùng “tự do” trong đó có ngôi làng tôi đang nói tới. Chúng tấn công ồ ạt thật. Dưới bộ binh, trên máy bay khu trục. Ngôi chợ gần chùa và đình trung bị ném bom. Hơn hai chục người đi chợ bị mảnh bom hoặc bị súng máy trên máy bay giết chết. Một số khác bị thương. Người ta kể thịt heo, thịt trâu (ngày đó không có bò) lẫn với thịt người. Kỷ niệm đau đớn không chỉ của người dân nơi đây. Chị ruột tôi sắp đẻ chết cùng mẹ và em chồng ở một làng khác cũng ngày này vì bom Pháp.

Cây đa chết không phải vì bom đạn địch. Nó chết vì “ta” với chính sách “tiêu thổ kháng chiến”. Mỗi người dân là một bó chà rang (loại cây dùng để tằm vầy kén). Tất cả kiến trúc Tây có thể dùng đóng quân như chùa, đình trung, miếu ông, miếu bà bị đốt sạch trước khi Pháp tấn công. Dân chúng vào rừng trú ẩn, sau khi đưa lúa thóc vào cất giấu nơi hiểm hóc.

Một nhánh rễ còn lại nay trở thành một cây đa sum suê cả một vạt đất lớn.

Ảnh tác giả: Vừa rồi, cây đa được công nhận là “Cây di sản”.

Ngày nay, không còn dằn vặt bởi cái ăn, không còn lo sợ ngọn lửa chiến tranh, không còn chống Tây, không còn đánh Mỹ, người ta mới để ý đến những cây cao bóng cả hay gần gũi như cây duối lâu đời. Việc “dựng” lại cây duối ngã vì bão, bảo vệ cây đa có tàng rộng “chiếm” cả mấy sào đất canh tác biểu hiện một tư duy: mọi cái đều có thể đổi thay theo thời thế nhưng những cây cổ thụ chính là những chứng nhân lịch sử không hề thay đổi, nó vẫn sống mãi trong lòng những người thuộc thế hệ tôi và thế hệ mai sau. Hãy trân quý chứng nhân thầm lặng.