Sunday, January 7, 2024

TRÂU

Ngày xưa, ‘con trâu là đầu cơ nghiệp ‘. Người làm nông sống nhờ cây lúa. Cơ nghiệp của họ là đất ruộng. Trâu giúp họ cày, bừa, ‘đạp’ lúa (lúa bó chất sát nhau, thành hình tròn, trong nhà hoặc trên sân , trâu lùa đi quanh, chân nó dẫm lên lúa cho đến khi hạt rụng hết, thân lúa gọi là rơm). Trâu đực khỏe còn kéo gỗ từ rừng về nhà.

Trâu không bao giờ quên lối về nhà. “Lạc đường ‘nắm’ đuôi chó, lạc ngõ ‘nắm’ đuôi trâu. Trâu sống thành bầy luôn có ‘trâu đầu đàn ‘. Đầu đàn nên trâu không cần người vịn, kẻ dắt; nó rất khỏe mạnh.

Ngày xưa chưa có máy móc nên trâu là máy móc. Nhưng chúng chẳng “máy móc” chút nào. Khi đồng ruộng mênh mông nước lụt, không còn chỗ gặm cỏ, trâu từng nhà được thả rông lên núi. Lúc này tố chất lãnh đạo của trâu mới thể hiện. Ví dụ, mỗi đêm, kết thúc một ngày tản lạc, từng con kiếm ăn từng khu vực, trên những đồi cỏ ven chân núi; trâu tập trung lại một chỗ rộng, trống, và bằng phẳng. Trâu đầu đàn (luôn luôn là con đực vạm vỡ, dũng mãnh), chỉ đạo bằng cách nào không rõ, tất cả các con khác trong bầy nằm thành vòng tròn rất lớn, có khi lên đến trăm gồm cả nghé con. Tất cả trâu đều quay đầu với hai sừng nhọn ra ngoài. Bên trong vòng tròn dành chỗ cho các chú nghé thiếu niên, thiếu nhi, chạy nhảy đùa nghịch nếu chưa tới giờ ngủ.

Sau khi đi một vòng ‘giám sát’, trâu đầu đàn xếp mình vào vòng tròn; các anh trâu biết ý không nằm sát lãnh đạo. Có lẽ quy chế trâu dành cho nhau chăng. Trâu đầu đàn cần yên tĩnh, không bị mấy ‘thằng trâu ‘ nằm sát, quất đuôi đuổi muỗi quá mạnh, có khi bùn văng vào trâu ‘lãnh đạo’ thì sao. Và trâu đầu đàn cần khoảng rộng để dễ dàng “chiến đấu “ nếu bất ngờ có kẻ địch tấn công. Ở rừng, chỉ có cọp, tức ông Hổ, mới có khả năng uy hiếp trâu. Nhưng trâu bầy thì cọp cũng “kiêng dè” lắm.

Ảnh tác giả: Trâu ‘đằm’ trong nước sông.

Cha tôi (1902) kể lại câu chuyện trâu giết cọp.

Dù sống ‘có tổ chức ‘ như thế, trâu bầy vẫn sợ cọp, chỉ trừ con đầu đàn. Ai không sợ ‘cọp beo’  cơ chứ? Nhưng là ‘lãnh đạo ‘, sợ thì có sợ, tôi nghĩ vậy, nhưng trâu đầu đàn không bao giờ khiếp nhược, bắt chước những con khác, bỏ chạy tán loạn khi cả bầy trâu đang  mơ màng nhai lại cỏ chợt nghe tiếng gầm thị uy của chúa tể sơn lâm, núi rừng tĩnh mịch, thâm u như rúng động.

Mỗi sáng dân làng cử một số người khỏe mạnh thay phiên nhau chống ghe vào rừng nơi trâu “tránh lụt” để thăm chừng. Cả bầy trâu không thấy tăm dạng. Một điều chưa từng có. Nhóm ba người bèn đi vào rừng có cây lớn trên cao.

Một cảnh tượng hãi hùng diễn ra trước mắt họ: gần vực đá đứng sát con suối lớn, một con cọp bất động, thân mình bị gí sát vào vách; chiếc sừng to, nhọn của trâu đầu đàn như cọc sắt đâm thủng bụng cọp, dí chặt như đinh đóng vào vách đá.

Máu của cọp và trâu vung vãi một vạt đất rộng; máu nhuộm đẫm bộ lông cọp; hình hài oai hùng của hổ nhầy nhụa màu máu đỏ lúc ấy đã thẫm đen. Thê thảm không kém, trâu đầu đàn chỉ còn hai chiếc sừng nguyên vẹn. Mắt, mũi, miệng, cả chiếc cổ vạm vỡ nhìn như khối  loang lỗ, thịt, xương, máu: móng vuốt tàn nhẫn của con cọp chính là thủ phạm.

Nếu không nghe tiếng thở phì phò của trâu, với thân hình rách nát, bất động, ba người chứng kiến cứ nghĩ nó đã chết. Và nó chết thật sau đó mấy tiếng: mất máu và kiệt sức. Có thể cả một đêm quần thảo với chúa Sơn Lâm, trâu đầu đàn hy sinh anh dũng. Điều lạ lùng không thấy con trâu đực nào nhảy vào tiếp sức. Chúng không lấy thịt đè người? Hay chúng nghĩa hiệp “một chọi một”? Và ở cách đó không xa, một số trâu trong bầy lặng lẽ quan sát trận ác chiến cả đêm hôm qua? Người ta ngạc nhiên khi thấy chúng hướng về vị anh cả của mình, tất cả yên lặng, có lẽ chúng cũng biết buồn mà truy điệu chăng?

Không cách nào khiến trâu rút sừng ra khỏi thân cọp, người ta chỉ biết đứng bên ngoài và nhìn; lòng họ xót xa. Con trâu yêu quý, niềm hãnh diện của dân làng chọn lấy cái chết oai hùng. Mạng con cọp không làm họ sung sướng; nỗi sợ miên viễn của dân làng sống ở vùng heo hút, núi rừng trùng điệp vây quanh làng mạc, cái thời cách nay cả 100 năm, cái thời mà cọp thỉnh thoảng xuống làng bắt heo, bắt cả người. Nỗi đau mất một con trâu anh dũng lấn át nỗi mừng rỡ một con cọp, một con beo phải “trả giá”.

Ảnh tác giả: Trâu gặm cỏ.

Một người chống ghe về báo cho dân làng tiếp cứu khi con trâu đầu đàn trút hơi thở cuối cùng, nặng nề, nhưng dứt khoát.

Con trâu đi vào lòng người nông dân không phải bằng hình ảnh gần gũi, yêu thương, giúp đỡ. Chúng đi vào tâm hồn người dân quê có lẽ hàng mấy nghìn năm nay; có nó mới có cuộc sống no ấm trên cánh đồng lúa ngàn đời.

Nhưng ngày nay, hình ảnh con trâu dần dần phai nhạt. Hầu như tất cả vùng nông nghiệp, máy móc thật sự thay thế những con trâu ngày xưa. Con trâu không còn là ‘đầu cơ nghiệp ‘ . Trâu trở thành “đặc sản”: trâu nhúng mẻ, lẩu thịt trâu, trâu nướng lá lốt…Không hẳn người dân tộc thiểu số mới có tục giết trâu, gọi là lễ đâm trâu. Con trâu đối với người không sống bằng lúa nước chẳng có giá trị gì. Nhưng với người ‘kinh’ (ở đồng bằng, phân biệt với ‘thượng’ ở vùng cao) có nền văn minh lúa nước, trâu chỉ là trâu.

Có hội chọi trâu nổi tiếng ở Hải Phòng mỗi năm. Thịt mổ ra của con vật “đầu cơ nghiệp” có giá đắt gấp mấy lần giá chợ, người người tranh nhau mua, sau khi trâu hoàn thành sứ mạng thoả mãn lòng kiêu hãnh, tính hiếu sát của con người.

Mỗi nửa tháng nghe đâu người ta mổ thịt một con trâu cho một vùng. Thịt trâu là “đặc sản”. Tôi cảm thấy bùi ngùi. Câu chuyện cha tôi kể thật cảm động. Nhìn những chú trâu đang gặm cỏ, tôi nghĩ tới, ngày nào đó, thịt của nó biết đâu là niềm vui hớn hở, tung hô bằng những tiếng “zô zô” trăm phần trăm.

Điều an ủi cho tôi, trâu vẫn còn có người “đồng cảm”, những bạn cò áo trắng lặng lẽ tìm mồi bên những chú trâu cũng lặng lẽ tìm cỏ, trên cánh đồng gặt đã lâu.  Nếu về thôn quê, tôi chắc chắn quý vị sẽ thấy chỉ có cánh cò “lặn lội” mới nhắc lại hình ảnh nên thơ của con trâu ngày xưa.