Có người cho chạp mả là tảo mộ. Tảo mộ thường nhỏ, như trong gia đình hay chi phái; chạp mả lớn hơn, như trong cả tộc. Vì sao có chạp mả? Và vì sao chỉ một số tỉnh miền trung duy trì phong tục này? Chạp mả: là “làm mới” mồ mả; con cháu dòng tộc tụ về, cúng tế và “ăn cỗ”. Khác với bên Tàu, chạp mả hay tảo mộ xảy ra vào tháng ba (âm lịch). Ở miền Trung, cụ thể là Quảng Nam, Huế…chạp mả thường xảy ra vào tháng chạp – chạp mả. “Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. (*)
Hội Đạp thanh bên Trung Hoa xưa và nay.
Tháng chạp ở Trung Hoa xưa thường giá lạnh, có khi tuyết rơi. Tảo mộ hay chạp mả diễn ra không thuận lợi như ở VN tổ chức vào trước Tết một tháng. Không khí phảng phất dấu hiệu của mùa xuân: “Đã nghe rét mướt luồn trong gió” (**); mưa phùn bắt đầu lất phất. Mùa màng không phải lo nữa vì mùa gặt đã xong, mùa Đông-Xuân lúa trên đồng phủ màu xanh non “đương thì con gái”. Tảo mộ hay chạp mả là dịp làm sạch cỏ mộ đất, quét lại vôi, có người dùng nước “lau” mộ đá cho ông bà; tất cả cho những ngày Tết. “Sống cái nhà, già cái mồ”. Nhà sửa soạn đón Xuân thì mồ mả cũng sẵn sàng đón Tết.
Đạp thanh (đạp lên cỏ non) không có trong tục lệ Việt Nam; có lẽ mùa xuân vùng nhiệt đới cây cỏ không xanh tươi mơn mởn bằng mùa xuân vùng ôn đới “Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” (*). Điều này cho thấy, tổ tiên chúng ta tiếp thu văn hóa có chọn lọc. Không hẳn Tàu có gì ta có nấy. Không có hội đạp thanh nhưng chạp mả (ở miền Trung) có nhộn nhịp không? Tôi muốn nói thời xưa.
Làng quê miền Trung hình thành do những người di dân theo Nguyễn Hoàng thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Họ đi theo đơn vị gia đình và thường là dòng tộc. Do đó, ở một số làng Quảng Nam, mỗi làng có mỗi dòng tộc ‘thống lĩnh’ số dân. Ở Thường Đức quê tôi, làng Mậu Lâm nhiều nhất là người tộc Võ; Trung Đạo có tộc Nguyễn; Trước Hà (không phải Trúc Hà) có tộc Tăng; Hoằng Phước Bắc có tộc Lê…Mỗi làng do đó có rất nhiều người cùng họ. Và nhờ thế chạp mả luôn luôn đông người, nếu không muốn nói là “nhộn nhịp”.
Giẫy mả ở Huế.
Đầu những ngày tháng chạp, không gian miền quê yên bình, màu xanh lá mạ phủ khắp ruộng đồng. Khí trời se lạnh, thỉnh thoảng có vài đợt mưa phùn không làm ướt áo, những người làm ăn xa trở về nơi ‘chôn nhau cắt rốn’, cùng với những bà con nội ngoại trong làng, hay các làng kế cận, chạp mả khởi đầu. Ngày xưa, mộ chưa xây kiên cố, chạp mả gần như là “giẫy mả”, làm sạch cỏ mồ mả. Mỗi năm một lần chạp mả, ngôi mộ cần đắp thêm vài lát cuốc. Người đi giẫy mả hoàn toàn là ‘tráng đinh’, những chàng trai. Các cụ có đi theo cũng làm nhiệm vụ đưa đường dẫn lối. Năm bảy chục năm trước, mồ mả thường không có bia mộ, trừ một số ít nhà giàu làm bia bằng đá. Con cháu sẽ chia nhau ra tùy số người mà giẫy cỏ hay sửa sang những ngôi mộ của gia tộc mình.
Mỗi làng đều có nghĩa địa (giờ thành nghĩa trang). Đó là những nơi cao ráo, nước lụt ít tới. Một năm là thời gian cỏ mọc um tùm không kể những bụi cây nho nhỏ chung quanh. Giẫy mả cần tới cả rựa phát. Ở xa nhìn vào nghĩa trang, người ta sẽ thấy lô nhô người là người. Ở gần, âm thanh chuyện trò ơi ới nhau. Nhộn nhịp là chỗ đó. Những bụi cỏ lớn, những bụi gai chất thành đống nhỏ và châm lửa đốt. Không khí yên lành vùng quê càng yên lành hơn khi có những làn khói trắng như mây bay lơ lửng vào không gian cao vời vợi. Tổ tiên có lẽ vui lòng nếu họ có mặt từ trên cao nhìn xuống. Những năm có pháo, thi thoảng chúng ta sẽ nghe một vài chỗ nơi mồ mả có tiếng nổ giòn của những tràng pháo tiểu. Mừng ông bà có ‘nhà mới” giẫy cỏ sạch tinh tươm.
Giẫy mả trong ngày chạp mả.
Ngày nay, tôi không thấy người ta đi “giẫy mả” nữa. Tất cả mồ mả đều được xây ‘kiên cố’; nghèo thì xây xi-măng quét vôi (rất hiếm); khá thì dán thêm gạch men (số ít, số mộ cũ); đa phần là mộ đá làm rất sắc sảo. Không “giẫy mả” thì làm gì ngày chạp mả? Con cháu sẽ đến mộ trong gia đình, trong gia tộc, “quan sát” xem có bụi cỏ ‘ngoan cố’ nào chen vô nền mộ chỗ nứt nẻ hay các kẽ hở giữa những miếng gạch men lát nền. Có người đọc văn bia để biết người nằm dưới mộ có quan hệ với người sống như thế nào. Và khấn vái gì đó rồi thắp nhang, rồi về nhà. Những bà con ở nhà sẽ dọn bàn cỗ và bàn cúng. Gia chủ hay tộc trưởng sẽ đứng ra cúng. Giữa trưa thì tiệc bắt đầu. Trước đó, có tộc lấy gia phả ra để ghi thêm những thành viên mới ra đời hay thêm vợ, thêm chồng.
Mỗi năm sẽ có thêm người tìm về chạp mả. Đó là dịp để “nhìn” bà con và thứ lớp (đời). Trong tiệc, có người cụng ly và nói với người đối diện “như rứa, mi là bác tau rồi. Vậy mà lâu nay mình không biết?”. Chính dịp chạp mả, con cháu những bà con sinh sống xa nhau nhiều đời mới nhìn ra nhau.
Theo thông lệ, con cháu ngoại ngồi vào mâm trước con cháu nội. Có đủ bàn, họ sẽ được ngồi trên. Ngày xưa, bàn ghế không có. Những chiếc nong lúa lót lá chuối là những chiếc bàn tiệc cho con cháu, nhất là bên nội. Xong tiệc sẽ là phần ‘cúng hương’- đóng góp tài chính cho ngày chạp mả. Cháu ngoại ‘tùy hỷ’, nghĩa là đóng bao nhiêu cũng được. Tuy nhiên, tôi quan sát, chính ‘cháu ngoại’, có người rất ‘rộng tay’ trong vấn đề đóng góp. Kế đến là những người nữ của dòng họ. Họ là những người quyến luyến dòng tộc rất nhiều vì họ có chồng xa, và trong lòng tâm tư với quan điểm “nữ sinh ngoại tộc”. Đóng góp tài chánh không phải là việc khó trong chạp mả. Mỗi năm một lần bà con dòng tộc họp mặt, ít ai phải gặp khó khăn trong khâu tổ chức.
Ngày nay, việc chạp mả duy trì như một tục lệ đẹp trong văn hóa người Việt Nam- nhất là những người ở các tỉnh miền Trung. Có thể tục lệ này có từ thời “mở nước” của những cư dân từ Nghệ An, Thanh Hóa, và Hà Tĩnh. Chạp mả để tưởng nhớ tổ tiên nơi đất khách. Sau vài thế hệ, chạp mả để tưởng nhớ nơi an nghỉ của tổ tiên. Có thể vì vậy, tục lệ chạp mả chỉ rõ nét ở các tỉnh nằm trong “Quảng Nam quốc” ngày xưa khi Chiêm Thành nhường hai châu cho Đại Việt?
Giẫy mả vùng quê sát biển ở Quảng Nam.
Những cư dân đầu tiên vào Quảng Nam lập ‘đình trung’ (nơi hội họp) rồi sau đó là ‘nhà thờ tộc’ (gọi là từ đường) rất dễ dàng nhờ sự sung túc từ đất đai ở nơi lập nghiệp. Cây thì có sẵn ngay trên đất nay là ruộng đồng. Những thửa ruộng khi chưa có ‘hợp tác hóa’ có tục danh như Gò Mùn, Bằng Lăng, Cây Sanh…chắc chắn là chỗ mọc của những loài cây cùng tên. Gạch nung xây tường bằng vôi trộn “mật mía” (đường mía) với nhớt cây “bời lời” (trên rừng ê hề) giúp những bức tường các công trình văn hóa như nhà thờ tộc, đình, chùa, miếu mạo của họ tộc bền vững theo thời gian mấy trăm năm cho đến khi xảy ra chiến tranh với chính sách “tiêu thổ kháng chiến’.
Quê tôi không còn một di tích nào cả từ thời “phong kiến” ngoại trừ những đống gạch đổ nát thi thoảng có dính lại vài cái rễ của các cây đa cổ thụ bị đốt cháy năm 1946.
Những ngôi nhà thờ tộc mỗi làng ngày nay mọc lên quy mô và kiên cố hơn xưa rất nhiều. Chính ngày chạp mả làm cho ý nghĩa của việc tri ân công đức tổ tiên được duy trì bằng sự hiện diện của những ngôi từ đường này trong mỗi dòng họ ở thôn quê VN. Chạp mả là dịp tìm hiểu nguồn cội. Chạp mả là dịp gặp gỡ nhau của những người cùng mang dòng máu một năm tha hương sinh sống. Chạp mả quan trọng không khác chi ngày Tết: Kính nhớ tổ tiên và đoàn viên họ tộc.
Ghi chú:
(*) Kiều.
(**) Xuân Diệu.