Tuesday, January 23, 2024

BÓNG ĐÁ HỘI AN

Những năm tháng chiến tranh, thành phố Hội An nhỏ bé, già nua, và cổ kính, thỉnh thoảng hứng chịu đôi ba quả đạn pháo kích lạc đích. Hoạt động bóng đá không vì thế mà thiếu sôi nổi. Đôi ba tháng, học sinh chúng tôi được xem không vé các trận bóng “quốc tế”. Thường thì đội của ty Cảnh sát quốc gia đấu với đội bóng Đại Hàn, Hoa Kỳ, Tây Đức.

Hội An vốn là thương cảng nổi tiếng quá khứ. Văn minh các nước đều có mặt nơi này, kể cả thời ác liệt trong chiến tranh. Các đơn vị quân đội nước ngoài có mặt ở tỉnh lỵ Quảng Nam. Ngoài toán cố vấn Mỹ đóng ở “tiểu khu” (giống như tỉnh đội bây giờ) còn có lữ đoàn Thanh Long của Nam Triều Tiên đóng cách xa thành phố chừng 2 cây số. Ở bệnh viện Hội An còn có nhiều các bác sĩ, điều dưỡng, y tá người Tây Đức.

Đấu với đội Đại Hàn, đội ty cảnh sát ăn ít thua nhiều vì người Hàn cao lớn, cầu thủ nào cũng có võ nghệ. Ty thanh niên Quảng Nam thỉnh thoảng mời đôi bóng Không đoàn 41 đóng ở sân bay Đà Nẵng vào đấu với đội bóng xứ Kim Chi để “phục thù”, chúng tôi hay đùa là “trả thù dân tộc”. Không làm khán giả chúng tôi thất vọng, đội bóng binh chủng không quân thắng nhiều hơn thua. Các cầu thủ thường là phi công cao ráo, sức khỏe dồi dào, lại am tường kỹ thuật đi bóng. Khi đối mặt với đối thủ, họ không còn “loắt choắt” như các cầu thủ của ty cảnh sát, đa phần thủng lưới.

Tuy nhiên, đội bóng này có cầu thủ xuất sắc nhất, anh Nguyễn Mạnh Kim thì tình huống thắng đối phương có thể xảy ra. Người anh cao to, nước da đen chắc chắn, có cú sút bóng cực mạnh, từ điểm phát bóng, anh có thể sút bóng rơi gần cầu môn đối phương vài chục thước. Cách đi bóng của anh thần tốc không kém gì Lê Huỳnh Đức sau này. Tài năng túc cầu giúp anh rút ngắn thời gian đi cải tạo sau 1975 nhờ đội bóng Hội An can thiệp cho anh ra tù sớm để dẫn dắt đội bóng – một huấn luyện viên “Ngụy” tài năng.

Tuy hay thua đội Đại Hàn nhưng đội ty cảnh sát hầu như thắng đội bóng Hoa Kỳ. Người Mỹ đá bóng khá vụng về dù họ cao hơn hẳn cầu thủ người Việt Nam một cái đầu. Hầu như họ không bao giờ thắng trong bất kỳ trận đấu giao hữu nào, ngoại trừ, bên đối phương “an ủi” thả cho họ thắng một đôi quả. Dù thua nhưng họ đấu rất vui vẻ, không bao giờ chơi xấu, khác hẳn đội Nam Hàn.

Người Triều Tiên rất háo thắng, tôi nhận xét, trong các trận đấu bóng dù là giao hữu. Họ có võ nghệ nên các pha “chơi xấu” của họ cũng rất điệu nghệ, chơi xấu ít khi trọng tài phát hiện. Khi bị dẫn trước, họ chơi xấu càng hăng. Các cầu thủ VN ngã lăn lóc, khán giả chúng tôi đứng ngoài mà xót xa cả ruột gan. Thế là thành ngữ “Đại Hàn chơi xấu” hay “Chơi xấu như Đại Hàn” xuất hiện trong ngôn ngữ của người dân Hội An thời ấy.

Đội bóng người Đức đá có kỹ thuật hơn đội bóng người Mỹ. Đội học sinh trung học Trần Quý Cáp của chúng tôi thỉnh thoảng có đá với họ vì trường chúng tôi học và bệnh viện họ công tác đều nằm sát sân vận động Hội An.

Chúng tôi nhớ mãi trận đấu giao hữu nhân ngày quốc khánh nước (Tây) Đức. Qua 90 phút thi đấu, tỷ số ghi bàn là 11-1, thật không may, lại “nghiêng về” phía “bạn”. Con số 1 kia chỉ là số an ủi. Người châu Âu rất lịch sự không để đội bóng học sinh chúng tôi ăn…zero (không điểm) như trả bài ở lớp.

Học và chơi, chơi và học, lớp học sinh chúng tôi thời ấy. So với các em bây giờ, chúng tôi thời trước “lè phè” quá, học không nhiệt liệt như họ.

Hội An - những ngày đi học và bóng đá - vẫn còn vang vọng đâu đó trong hồi tưởng của chúng tôi, dù hiện nay tuổi ở ngưỡng 70, kẻ còn người mất, kẻ trong nước, người phương trời xa, như các bạn tôi trong bức ảnh này.

Ảnh (từ trái qua, hàng đứng): Châu Toàn Hội (Mỹ), Nguyễn Khánh (bỏ Mỹ về VN), Dương Tấn Hồng (Vũng Tàu; anh ta rùn vai cho thấp xuống), tôi, Phạm Gia Tuấn (Sài Gòn, mất). Hàng ngồi: Phạm Ngọc Nhi (mất), Nguyễn Giới (mất), Lý Hiền Dư (Hội An). Cám ơn Doctor Khánh lưu giữ bức ảnh chụp chúng tôi năm đệ nhị (lớp 11, năm 1971).