Monday, January 22, 2024

BẮT HỌC SINH QUỲ

Chúng ta đang chứng kiến thảm trạng như thế ngày càng nhiều trong giáo dục. Cô giáo bị đình chỉ 1 tuần vì bắt học sinh "cá biệt" quỳ gối trước lớp.

Phản ứng chia 2 hướng. Một, lên án việc làm nhục trẻ em. Hai, ủng hộ việc "trừng phạt" học sinh cá biệt, quậy phá. Người ta viện dẫn lúc nhỏ, họ từng bị thầy đánh, phạt, thậm chí bắt quỳ trên gai mít, hai tay giang với 2 cục đá, hay nằm chồng lên nhau, thầy đánh roi vào mông. Và kết luận "nhờ vậy họ đã nên người".

"Thương cho roi cho vọt" là "triết lý" giáo dục thịnh hành có thể là cả ngàn năm nay ở  VN. Có ai tự suy gẫm triết lý ấy đơm hoa kết trái thế nào chưa? Trẻ con bị nhục hình giáo dục(như phạt quỳ) nhận 2 hậu quả: lòng oán hận và "trút oán hận" lên người khác khi có cơ hội. Cả hai hậu quả đều không phải là yêu cầu của giáo dục. Nhưng nếu không phạt bằng nhục hình, trẻ con sẽ...hư hỏng sao?

Các nước tôn trọng trẻ con, không hề có trẻ bị đánh, bị phạt nhục hình, nền giáo dục họ kém sút cả à? "Không trị học sinh cá biệt, quậy phá, có mà loạn". Câu nói ngắn này biểu hiện bất lực của giáo dục. Nhà trường sinh ra để làm gì, nếu mục đích không phải biến những học sinh quậy phá, cá biệt này thành những học sinh tốt, học sinh gương mẫu? Phạt nhục hình học sinh nói lên sự bất lực của thầy, cô. Hãy bàn thêm hệ quả của "thương cho roi, cho vọt".

Thế hệ này tiếp thế hệ kia, hàng trăm thế hệ, trong lịch sử, đào tạo con người thế nào? Lúc nào con người cũng bị buộc khuất phục kẻ có sức mạnh, dẫu là sức mạnh "bá đạo". Có vị vua đáng kính của chúng ta chẳng từng quỳ gối "nhận làm cha" kẻ xâm lược giết hại dân mình trong lịch sử? Nhiều vị vua hằng năm phải đúc tượng vàng mà triều cống. Mỗi lần lên ngôi đều phải "báo cáo" xin thừa nhận của Thiên triều, luôn coi mình là nước chư hầu không phải chỉ có ở thời xưa.

Cũng không khó hiểu nhiều nước phương Tây có nền dân chủ tiên tiến mà các nước châu Á bị đè nặng ảnh hưởng tai hại của Nho giáo (quân-sư -phụ) lẹt đẹt rất lâu trong tiến trình dân chủ (ngoại trừ Nhật Bản sớm thoát Á, Hàn Quốc, và vài nước sớm từ bỏ Khổng giáo, tiếp nhận văn minh phương Tây hết sức dứt khoát).

Tất cả thật ra là hậu quả của giáo dục "quỳ gối" do đòn roi khuất phục. Trẻ con luôn được tạo dựng theo hình mẫu người lớn, không được tạo dựng theo hình mẫu của chính chúng, tự do phát triển theo lứa tuổi, tư chất khác biệt cá nhân, tư tưởng của chúng phải...giống tư tưởng người lớn. "Tử viết...Tử viết"( tên gọi Khổng Tử), cái gì " lãnh tụ" phán ra cũng đều là ánh sáng, là khuông vàng thước ngọc, ai cưỡng lại sẽ bị "đòn roi".

"Bắt học sinh quỳ" (buộc khuất phục, "cho biết thế nào là nhục"), khiến chúng phải như người lớn "ngoan ngoãn", là hình thái giáo dục hình thành một xã hội luôn luôn cam phận, luôn luôn cam chịu,  luôn luôn tự  bằng lòng, dù có phải bị tước đi những quyền lợi cơ bản như tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt...

Chúng ta cũng sẽ không ngạc nhiên khi VN có những con người thông tuệ, giỏi giang (nhất là trong nước) nhưng chẳng ai có những phát kiến vĩ đại làm thay đổi xã hội đang sống  chứ chưa nói đến thay đổi thế giới, tầm cỡ Samsung, Apple...

Tư tưởng cũng phải được định hướng, lấy đâu ra tư tưởng tự do, để có những tư tưởng vĩ đại, những phát minh vĩ đại? Người ta sẽ viện dẫn Huawei để phản bác quan điểm của tôi rằng TQ định hướng "tư tưởng" mà sản phẩm công nghệ của họ đang chi phối thế giới. Xin thưa, bí quyết phát triển "thần kỳ" của họ là...ăn cắp, ăn cắp sở hữu trí tuệ, thế giới đang lên án, tẩy chay.

Bắt học sinh quỳ là hành vi bị phản ứng nhưng việc đó nói lên cái gì? Dùng sức mạnh (của thầy) khống chế kẻ dưới cơ (học trò) để biện minh lối giáo dục buộc mọi người chấp nhận khi vào đời nếu "sai phạm" sẽ bị " trừng phạt, bị bắt cảm nhận sự nhục nhã, để trở thành người tốt. Công an, cảnh sát,  tòa án, nhà tù...quan trọng hơn nhà trường hay sao? Nhốt tù càng nhiều, trừng phạt càng khắt khe, sẽ khiến xã hội tốt đẹp hơn à? Chúng ta không từng đọc báo thấy vài nước "tư bản giãy chết" như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hà Lan... nhà tù đang..."ế ẩm" là gì?

 Bắt quỳ học sinh cho chúng tốt hơn, tuy cá biệt, nói lên trong tâm thức của một số người suy nghĩ chỉ có trừng phạt, chỉ có làm nhục, những người xấu sẽ thành người tốt, xã hội cần hình phạt nặng nề hơn mới yên bình hơn. Như vậy, giáo dục sinh ra để làm gì?

Vấn đề lớn hiện nay không phải dẹp bỏ việc làm nhục học sinh bằng cách bắt nó quỳ mà là làm sao gột bỏ khỏi đầu óc con người làm giáo dục cái tư duy "bắt thế hệ sau phải như thế hệ trước", ngoan ngoãn, dễ bảo, theo một định hướng tư tưởng nào đó.

Nếu không có những suy nghĩ đột phá (out-of- the- box thinking) trong giáo dục hiện nay thì học sinh, thế hệ rường cột nước nhà, sẽ bị..."bắt quỳ" mãi mãi, không phải bằng đầu gối, mà bằng... đầu óc, từ trong trứng nước. Đó mới cần phản ứng, chứ không phải chỉ phản ứng cô giáo bắt học sinh quỳ.