Những năm "Phật giáo đấu tranh" (1966) ở miền trung, thành phố Hội An, tôi chứng kiến nhiều buổi mít tinh biểu tình do tỉnh hội tổ chức. Một lần mít tinh có tham dự của tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh vùng I chiến thuật và tỉnh trưởng Quảng Nam Nguyễn Ngọc Chi. Những học sinh đệ lục chúng tôi rất khoái cảnh đi theo đoàn biểu tình la hét khẩu hiệu" đả đảo Thiệu, Kỳ, Có"(lãnh đạo miền Nam thời đó).
Phật giáo Quảng Nam đóng vai trò khá mạnh mẽ phong trào chống chính quyền Sài Gòn. Phật giáo có lẽ " đồng hành cùng dân tộc" rất sớm.
Sáng nay, khẩu hiệu ấy cũng nằm chễm chệ trên chánh điện 1 ngôi chùa bề thế của quận nơi tôi ở. Chùa tổ chức lễ Vesak. Nghe phần giới thiệu, biết nhiều chư tăng hòa thượng, và nhất là sự có mặt của các cấp đại diện chính quyền. Mở đầu lễ là "quốc ca", Đoàn quân VN đi...Kế đến là "đạo ca", Phật giáo VN...
Tôi chỉ nghe, không được nhìn, lúc cử nhạc quốc ca, đạo ca, cờ có được kéo lên, cờ đỏ sao vàng trước rồi cờ Phật giáo sau, từ từ như hồi nhỏ còn đi học, hát dứt bài, cờ vừa tới đỉnh cột. Sau những màn giới thiệu lê thê, "dâng hoa" cho hòa thượng, các cấp cán bộ chính quyền, phần đọc thư ông tổng thư ký Liên hợp quốc chúc mừng đại lễ, thư đức pháp chủ, là phần giới thiệu, tối nay trình diễn văn nghệ trong sân chùa, với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, bảng quảng cáo ngay cổng chùa có cả Phương Dung ở hải ngoại về. Hấp dẫn, nha.
Tôi là người công giáo nhưng có "lương duyên" với phật giáo. Thời niên thiếu, tôi thỉnh thoảng được ở một thời gian trong chùa, theo các bạn là các " chú tiểu " lúc bấy giờ (nay hầu hết họ đã thành hòa thượng) để có chỗ học bài...cho nó yên tĩnh. Gác chuông là chỗ tôi được "phân công" ở đó, mỗi đêm. Không khí tĩnh lặng trong chùa là niềm phúc hạnh, đối với tôi.
Tất nhiên "phật giáo đấu tranh" sau đó chấm dứt, ngôi chùa Pháp Bảo trở về an bình như trước, chỉ có tiếng chuông mỗi sáng tinh mơ, và những buổi "công phu" (tụng kinh, thì phải) với những âm thanh ngân nga phát ra những lời kinh kệ nhẹ nhàng, bắt nhịp bằng những tiếng mõ trong veo, ngắt hồi bằng những tiếng khánh thánh thót. Hương, trầm thoang thoảng, đức Phật ngồi trên tòa sen, tĩnh mịch, nét mặt Ngài từ bi, nhân hậu, với nụ cười an lạc đang cứu độ chúng sinh.
Tôi có dịp theo các chú tiểu ra thăm chùa Phước Lâm, chùa Chúc Thánh, chùa Long Tuyền xa tít tắp, rất thú vị đối với cậu bé gầy còm vì mụ mị học như tôi. Các ngôi chùa này có không khí, không gian, còn yên tĩnh hơn nhiều ở chùa tỉnh hội, chúng nằm xa thành phố, ngoại ô Hội An thanh vắng.
Những cây cổ thụ ríu rít tiếng chim không làm cho ngôi chùa bớt đi tĩnh mịch. Sự xa cách chốn "phồn hoa" là có thật ở những ngôi chùa này. Bóng cả, cây cao, tiếng mõ đều đều, tiếng chuông thanh thoát, các bước đi của sư thầy, chú tiểu, nhẹ nhàng như gió thoảng, lá rơi, những cái nhìn độ lượng, những cái xá tay chào nhau lặng lẽ, những nụ cười đơn sơ, chan chứa đạo hạnh, tràn đầy yêu thương. Những ngôi chùa này có lẽ chưa "đồng hành cùng dân tộc" nên chưa hồ hởi, tưng bừng như mấy chục năm sau. Nghe đâu chùa Chúc Thánh sẽ được "hạ giải"(đập bỏ) để xây chùa mấy chục tỉ trong tương lai.
Đời thay đổi, đạo cũng phải đổi thay!
Ngôi nhà thờ 134 tuổi ở Bùi Chu (hình) cũng sẽ bị đập bỏ xây mới (nghe đâu được ngưng, cầu trời nó được giữ lại). Sự đổi thay ngoài đời là lẽ tự nhiên trong đà tiến hóa. Sự thay đổi nơi chốn linh thiêng của tôn giáo, có cái gì đó làm cho chúng ta, vốn yêu quý sự cổ kính, sự tĩnh mịch, những ngôi nhà thờ, những ngôi chùa mang lại, cảm thấy bồi hồi, tiếc nuối, khi có ngôi chùa, có nhà thờ cổ xưa nào đó bị đập bỏ để xây lại cho nguy nga, hoành tráng.
Con người càng tiến bộ, càng muốn đập bỏ quá khứ để mau chóng chia tay nó hay sao?
Quá khứ ở đây là sự tĩnh mịch chốn thiền môn, nơi đã từng có "cô Lan" giả trai đi tu, thầm yêu Ngọc, trong Hồn bướm mơ tiên; một ngôi chùa hiện ra ở lưng chừng đồi, có sư cụ tụng kinh mỗi chiều, những chiếc lá vàng rơi rụng, rơi rụng, như tiễn biệt Lan, Ngọc...chấm dứt trong đau khổ mối tình đầu dưới bóng Từ Bi, một mối tình trong trắng, nên thơ, và lãng mạn.
Những ngôi chùa của tôi trong quá khứ không còn. Tiếng chuông chùa chỉ vang vọng trong hồn tôi, trong "Hồn bướm mơ tiên".
Vesak, tối nay sẽ rất vui, ca nhạc kịch, những tiếng vỗ tay, cổ vũ, sẽ nhộn nhịp ồn ào cả sân chùa bề thế. Tôi yêu giọng ca Phương Dung từ lúc thanh niên và mong được tận mắt nhìn nữ danh ca.
Nhưng, thôi, tôi sẽ không đi xem văn nghệ mừng Vesak. Tôi sẽ ở nhà ao ước thành bướm để... mơ tiên.
Nhà thờ Phát Diệm.