Người ta cho sáng tạo cần tưởng tượng. Nhìn bức hình bên dưới, (Tam Kỳ, Quảng Nam), nhiều người tưởng tượng ra một dương vật giương phần đầu lên cao. Đây là mô- típ quen thuộc: một lu nước đang nghiêng cho nước chảy xuống, ở đây lu chứa đầy hoa, và cho chảy thành suối hoa.
Người chụp bức hình này đứng ở góc chụp ngang, hơi chếch lên, nên hình ảnh một dương vật hiện ra. Nếu đứng ở nhiều góc chụp khác nhau, chưa hẳn có hình ảnh mà nhiều cư dân mạng cho là “phản cảm”.
Người phụ trách vườn hoa này tức tốc thay cái lu “như đầu buồi” bằng một cái lu thật, đáy bằng, và cái lu mới cho người nhìn không còn cảm tưởng đang nhìn một nòng súng “vươn lên trời cao”.
Có rất nhiều nhận xét phê phán nặng nề người sáng tạo ra hình ảnh này trong công viên; có người còn đi xa hơn, gọi dân Quảng Nam kỳ này chơi nổi, chơi bạo. Sự việc nhỏ nhưng tạo thay đổi lớn trong nhận thức của người phụ trách công viên.
Sức mạnh của mạng xã hội thật uy vũ. Tôi không nói về điều này. Tôi nói về tư duy cư dân mạng (tất nhiên một số, chỉ trong trường hợp có hình ảnh này ).
Sự tưởng tượng con người phong phú nhưng không thể phong phú đến độ nhìn bức ảnh chụp duy nhất ở một góc độ, rồi kết luận đây là “công trình” phản cảm. Nếu quan sát “tác phẩm cho hoa chảy thành suối” này ở nhiều góc nhìn khác nhau, có ai chắc là góc nào tác phẩm cũng nhìn như dương vật? Thế thì tại sao chỉ một góc nhìn, một tác phẩm nghệ thuật trở thành phản nghệ thuật?
Sinh thực khí Nam – Nữ đâu phải là cấm kỵ. Nhiều bức tượng ở nước ngoài còn "phơi" ra cả chim của giống đực và bướm của giống cái. Nếu ở Việt Nam, tượng sẽ bị đập vỡ vì vi phạm thuần phong mỹ tục? Trong khi lu nước đổ hoa thành dòng này đâu hẳn là cách điệu của một sinh thực khí của người nam?
Mục đích người tạo ra tác phẩm này, tôi nghĩ, rất vô tư. Nhưng họ không còn vô tư nữa khi trên mạng người ta phê phán không tiếc lời.
Khi đổi lu cũ thành lu mới, để tránh phản cảm, người làm ra tác phẩm đổ hoa thành suối này mới nghĩ tới sự “tục tĩu” mà một số cư dân mạng sốt sắng chụp hình và sốt sắng chỉ ra “khuyết điểm”. Có phải là tội nghiệp cho anh ta (hay chị ta) hay không?
Tôi đoan chắc khi làm ra tác phẩm này, không ai nghĩ tới đó là một dương vật. Cái mà người chụp bức hình này nghĩ tới đầu tiên mới là dương vật. Đó là sự tưởng tượng của anh ta (hay chị ta). Một sự tưởng tượng phong phú, nguồn gốc cho sáng tạo sao? Tôi chỉ hơi băn khoăn ở chỗ ai ai cũng nghĩ theo, hay nghĩ như hình ảnh, góc chụp tác phẩm mà anh ta muốn diễn đạt hoặc lôi kéo người khác phê phán nó.
Ý muốn của tôi là, khi nhìn một sự vật, hãy nhìn nhiều góc cạnh, nhiều hướng khác nhau. “Tác phẩm” quan sát sẽ có hình dạng khác nhau nếu quý vị đứng nhìn ở nhiều góc nhìn khác nhau.
Không vì một bức ảnh, ở một góc chụp cố định, “gợi cảm” (hình ảnh một dương vật ngỏng cao) mà chúng ta phê phán không tiếc lời người tạo ra tác phẩm trong một công viên ở Quảng Nam.
Quảng Nam có nhiều cái hãnh diện, đáng nói, chứ không chỉ vì cái ảnh chụp có dụng ý gợi dục này đâu.