Tôi tình cờ đọc, trên tờ một báo lớn thuộc top của VN, một bài báo tựa đề "Ăn to nói lớn" là truyền thống văn hóa của người Việt! Mào đầu bài viết tác giả lại thêm: “Ông bà ta có câu ‘đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại’, ấy là văn hoá người Việt Nam”.
Văn hóa là hai từ hiện nay rất “đại trà”: gia đình văn hóa, làng văn hóa, văn hóa phong bì, văn hóa giao thông, thậm chí văn hóa…nhậu. Mỗi ấp, mỗi làng khắp nước này đều có “nhà văn hóa”.
Nhưng nói “ăn to nói lớn” là truyền thống văn hóa có cái gì đó ngường ngượng. Giữa đám đông nhiều người đang ngồi thừ ra chờ chuyến bay bị hoãn giờ thì có một ông áo quần bảnh bao, mày râu nhẵn nhụi, móc điện thoại ra oang oang như chốn không người. Trong lúc chờ nhau xếp hàng đến phiên lấy thức ăn tự chọn (buffet), có cô nom đẹp còn hơn hoa hậu, toe toét cười khoe hàm răng trắng lóa, bô bô khoe với bạn chuyện đại gia theo tán tỉnh mình lủ khủ như quân Nguyên.
Ở Việt Nam, vào trong các quán nhậu, nghe “ăn to nói lớn” có thể châm chước được, vì bù khú quá, rượu vào lời phải ra, và nói nhỏ không nghe được đành phải “nói lớn” cho bình đẳng với các bàn bên, cũng đang to tiếng nói cười, dzô dzô 100%.
Nhưng giữa những chỗ người đông đúc, cần sự yên lặng để người khác có phút giây yên tĩnh, lắng nghe những câu thông báo của những người trách nhiệm như ở các bãi đợi xe, đợi tàu, hay trong nhà chờ sân bay, các ông các bà thi nhau nói oang oang, chuyện trên trời dưới đất, chuyện con cái, chuyện làm ăn, chuyện vợ chồng, như đang giữa chợ; ăn to nói lớn là “văn hóa”… chi ác rứa trời.
Có người phê phán những hành vi như thế thì nghe lời giáo huấn tương tự như câu trích từ bài báo “Ông bà ta có câu “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại", ấy là văn hoá người Việt Nam”. Ý nói có ăn to nói lớn thì cũng nên che đậy đi vì nó là truyền thống của người Việt “cao quý”.
“Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”, một lối sĩ diện tưởng đâu lịch lãm, khôn ngoan, té ra tai hại vô cùng.
Thế giới đọc “Người Trung Quốc xấu xí” rất thán phục tác giả, đã can đảm nói lên cái xấu xa của dân tộc mình, dám vạch áo cho người xem lưng, từ đó sửa chữa để dân tộc vươn lên, trong lúc những “ hồng vệ binh yêu nước” Trung Quốc chửi bới thậm tệ người viết, muốn ăn tươi nuốt sống ông ta.
Xấu che, tốt khoe đã khiến con người giả dối lẫn nhau. Tại sao xấu không khoe ra như tốt để cùng nhau sửa chữa, xấu sẽ thành tốt nhưng lại muốn che giấu nó? “Xấu che, tốt khoe” đã khiến người dân Việt Nam trong một ngàn năm đô hộ, trong hàng mấy trăm năm đánh giặc rồi đánh nhau (cộng gộp lại) lúc nào dân ta cũng anh hùng, địch thua, ta thắng, địch hàng vạn người bỏ mạng, ta chẳng mất mống nào.
Những kinh nghiệm của thất bại, của thua trận, của tổn thất có giá trị gấp mấy ngàn lần thành công, thắng trận, và thắng lợi. “Xấu che tốt khoe” nên giặc cứ xâm lược nước ta "lai rai", hết triều đại này qua triều đại khác; người Việt không học được cái xấu, cái yếu, cái “yếu” cái “xấu” bị đời trước vì bệnh sĩ đã giấu nhẹm với đời sau, đời sau cứ lấy oai hùng là chính mà không tận dụng sự khôn ngoan đẻ ra từ cái xấu, cái yếu đó.
Nếu xấu trưng ra nhiều như tốt, thành tâm rút kinh nghiệm, biết đâu giặc sẽ bị ta đánh bại chỉ một hai tháng chứ không phải chục, vài chục năm, mới thành công, với biết bao xương máu?
Truyền thống mọi cái đều tốt hết sao? "Truyền thống" đốt vàng mã, đến chùa cúng tiền dâng sao giải hạn, đốt nhang nghi ngút, ô nhiễm những ngôi chùa cần trong lành tĩnh lặng; ma chay rình rang, tốn kém; cưới hỏi phô trương đua đòi; thi nhau xây mồ mả như dinh thự; phóng sinh chim chóc ngày lễ lớn (vô tình khuyến khích bắt nhiều chim); giẫm đạp nhau giựt lộc thánh, đánh nhau cướp ấn đền Trần, chém lợn lấy huyết, đâm trâu lấy máu, giết chết con vật gần gũi yêu mến nhất của nhà nông…những “truyền thống” ấy có nên duy trì hay không?
“Ăn to nói lớn” là truyền thống ư? Tôi thấy người Trung Quốc cũng giống người Việt Nam. Trên xe, trên tàu, trong quán cơm, nhà hàng, hễ có họ là không khí nơi đó nhao nhao lên như ong vỡ tổ. Có lẽ hai dân tộc này cũng nhờ “vận mệnh tương thông” ,“lý tưởng tương đồng” chăng?
Trước đây hơn 50 năm, người Việt chúng ta có như người Trung Quốc bây giờ không - ở miền Nam cũng như ở miền Bắc? Tôi ở Sài Gòn khi là thanh niên 20 tuổi; tôi có đến những nơi đông người như rạp chiếu bóng, rạp hát, hay dạ hội, trong lúc chờ khai mạc, tuyệt nhiên tôi không nghe ai nói oang oang như bây giờ; ví dụ có thật, trong một tổ chức sự kiện (event), có ông nhìn giống đại gia hay quan chức chi đó, móc điện thoại xịn ra quát ầm ào, thao thao, như nói vào loa phóng thanh.
Tôi chưa biết người Đài Loan thế nào chứ người Hoa ở Singapore nói năng với nhau chỗ đông người rất nhỏ nhẹ cũng như người Hoa ở Hồng Kông. Họ cũng là người Hoa, cùng một văn hóa lâu đời, chỉ khác thể chế, sao “truyền thống” của họ lại không giống nhau? Truyền thống tốt nên duy trì, truyền thống không tốt nên bỏ đi, ấy mới là trí.
“Ăn to nói lớn” là truyền thống không bỏ được hay sao, những nhà “truyền thống” của tôi?