Tôi không rõ, ngôn ngữ nước nào diễn tả sự kiện trọng đại trong một đời người bắt đầu từ chữ ăn. Việt Nam tôi rất rõ ràng, ăn là trên hết. Dân dĩ thực vi tiên (hay vi thiên?). Ăn cưới, ăn giỗ, ăn thôi nôi, ăn đầy tháng, ăn mừng chiến thắng. Đất nước tôi giàu ngôn từ. Chỉ mang màu đen thôi, con mèo sẽ là mèo mun; con chó sẽ là chó mực; con ngựa sẽ là ngựa ô. Thế thì, các dịp trọng đại trong cuộc sống, tại sao lại phải bắt đầu bằng chữ ăn ‘tồi tàn’? (Miếng ăn là miếng tồi tàn/ Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu – ca dao).
Tôi không rành chữ Hán. Chỉ lom lem tiếng Anh, tiếng Pháp. Nhưng tôi không thấy có từ hay ngữ nào bắt đầu bằng chữ ăn để diễn tả những việc trọng đại cuộc đời. Tôi có biết “Il faut manger pour vivre, et non pas vivre pour manger". Ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Ăn là phương tiện. Ăn không phải là mục đích. Sống để ăn có thể là mấy chú lợn (bây giờ không nên gọi là heo, đấy nhá).
Ngày xưa, hay là nửa thế kỷ trước, Tết là dịp để ăn. Không ăn thì ai làm các loại bánh làm gì. Bánh tét (nếu là miền Nam), bánh chưng (nếu là miền Bắc). Bên cạnh là bánh in, bánh cốm, bánh ít, bánh nổ (nếp rang bung lấy nhân trộn đường có gừng, in thành khối, cắt thành miếng), bánh giò (hay dò, rò) bánh tổ (hay bánh ổ) bánh da (ở Quảng Nam làm bằng bột nếp rang chín, trộn với đậu phộng rang, ngào với đường, quấn tròn thành đòn, xắt ra lát cho vào đĩa để ăn từng lát) …
Câu hát ân tình ngày Tết: “Trông bánh chưng chờ trời sáng, đỏ hây hây những đôi má đào”… Trông bánh chưng chín để ăn đó quý vị. Ở miền Nam thì nồi bánh tét sẽ là dịp con cháu cha mẹ ông bà tụ họp để đun lửa cho nồi bánh chín chờ đón giao thừa.
Ngoài bánh còn gì nữa để…ăn Tết? Làm heo. Ý quên ‘mổ lợn’. Những ngày cuối cùng trong năm, bắt đầu sau ngày ‘đưa ông Táo về trời’, tiếng heo kêu ét ét từ đầu làng cuối xóm. Thịt heo tất niên. Ba bốn nhà huồng nhau mổ một con heo. Mọi thứ từ lòng, thịt, xương được chia đều. Cúng tất niên không thể thiếu miếng lòng, miếng thịt, cục xương. Chết cũng như sống. Con cháu ăn gì ông bà ăn nấy.
Thịt heo là món chính cho ngày Tết, chứ không phải gà, vịt, ngan, ngỗng. Mấy thứ này chẳng qua là để ‘bổ sung’ cho món thịt heo.
Cái ăn ám ảnh con người Việt Nam đến nỗi, trẻ con xem miếng thịt heo, miếng bánh, cây kẹo là niềm mơ ước của thời thơ ấu. Những ngày giáp tết, khí trời se lạnh (miền Trung và miền Bắc) trẻ con thường ngồi bên mẹ khi bà làm bánh, nhất là bánh in. Trời ẩm ướt, bánh in ra không thể phơi; một lò than đỏ hồng, bên trên là miếng thùng thiết, bánh in ra xếp ngay ngắn, khi khô, tức đã cứng, mẹ sẽ sắp những chiếc bánh ấy vào một hộp hay một thúng tròn có nắp: để dành cho Tết. Cho ăn Tết. Bánh in ra sắc sảo là niềm vui cho mẹ. Nhưng có những cái không sắc sảo, dễ bể không sấy được, nhất là bể đôi, chính là niềm vui cho con, những cô bé, cậu bé, ngồi bên ‘xem’ mẹ làm bánh. Ăn chực, ăn chờ…có thể gọi thẳng thừng như thế. Cái bánh ngon lành sẽ dành cho ngày trọng đại: mồng một, mồng hai, mồng ba. Thi thoảng, có đôi cái bể (vỡ) chính là dịp Tết cho những cô những cậu bé như tôi hồi năm bảy tuổi.
Ngày nay, trẻ con không thể hình dung tại sao cha mẹ chúng, có khi ông bà chúng, lại thèm…bánh như thế. Có ba cái làm nên bữa ăn: tinh bột, chất đạm, chất béo. Mấy chục năm trước hay một thế kỷ trước, ba cái cơ bản ấy làm chi có đủ. Trẻ con bây giờ từ chối ăn kẹo nếu đó không phải là chocolate nhập ngoại. Ông bà chúng – chúng tôi ngày xưa- từng nôn nóng cả buổi sáng để trông mẹ đi chợ về. Chắc chắn bà sẽ mua cho con mình những chiếc kẹo ú làm bằng bột nếp trộn đường, rải một lớp bột bên ngoài cho cây kẹo không dính vào nhau. Ngày thường đã vậy, huống hồ ngày Tết.
Cơm nếp, bánh ngọt, thịt heo trong những ngày Xuân… không còn là thiết yếu. Chúng trở thành niềm mơ ước:
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Chúng ta có lịch sử nghe đâu tới “4000 năm văn hiến”. Hai ngàn năm từ thuở hai bà Trưng tuẫn tiết là có ghi chép rõ ràng. Vậy, ăn Tết có từ thuở nào? Tôi chắc chắn ăn Tết bắt đầu từ khi người Tàu đô hộ, ngót 1000 năm.
Ngôn ngữ Hán – Việt Nam bị ảnh hưởng rất sâu nặng, có tới hơn 70 % chữ Việt có gốc Hán - có dành từ “ăn” nào cho ngày Tết? Tôi chưa rõ. Và tôi cũng không rõ. Thế thì tại sao dân tộc Việt lại dùng “ăn Tết” để diễn tả một sự kiện trọng đại nhất của cuộc sống con người trong một năm?
Tết là dịp con cháu trở về tụ họp cùng gia đình khi họ làm ăn hay sinh sống nơi xa. Tết là dịp rảnh rỗi thăm viếng nhau giữa bà con, chòm xóm, láng giềng. Tết là dịp con cháu ra thăm viếng mồ mả những người đã khuất. Tết là dịp hội tụ đông đảo những người thân yêu. Tết là dịp con cháu đến nơi trang nghiêm như nhà thờ tộc họ, thắp nhang mừng tuổi ông bà. Tết là dịp nhỉ ngơi. Tết là thời gian giúp con người tổng kết với tâm thế bình an những việc làm trong năm, vui buồn, sướng khổ, thành công, thất bại…
Thế thì tại sao lại phải ăn…Tết? Ăn không nên là nỗi ám ảnh cho mỗi người Việt Nam ngày nay. Ăn không còn là “ăn trên, ngồi trốc”. “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. Ăn không còn là “một miếng thịt làng bằng một sàng thịt chợ”. Ăn không còn là “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. Ăn không còn là "ăn hối lộ", “ăn chẳng chừa thứ gì”…
Hãy bỏ tục ăn…(Tết). Mà nên thưởng thức Tết, hưởng Tết (như hưởng nhàn), chơi Tết, nghỉ Tết. Nếu là tiếng Anh, sẽ là “enjoy your Tết”. “Tết Holiday”. Không còn “Holiday for eating” (ăn tết).