Lợn khác heo thế nào? Lợn thì ăn ngô còn heo ăn bắp. Vì vậy mới có "chỉ đạo" sửa ‘tinh bột bắp’ thành ‘tinh bột ngô’ gây sóng cười dư luận.
Vì sao như vậy? Ngô và bắp là tên gọi cùng một nông phẩm; người Bắc gọi ngô, người Nam gọi bắp. Phật giáo VN thống nhất cũng đang ‘đánh’ với Phật giáo VN thống nhứt. Tân Sơn Nhứt trở thành Tân Sơn Nhất cũng là câu chuyện. ‘Vòng xuyến’ dùng để chỉ ‘bùng binh’ (vòng xoay) cũng là "nỗi ấm ức" của những người Sài Gòn (không phải người thành phố Hồ Chí Minh đâu nghe).
Tiếng Bắc, tiếng Nam (gọi nôm na như vậy) cũng đều là tiếng Việt. Nhưng cách nói – và cách đặt địa danh - gây chia rẽ, vì sao? Nói tự đáy lòng, hầu hết người VN sống bên này vĩ tuyến 17 đều không thích được “giải phóng” bằng chiến tranh. Do đó, họ không thích bên "thắng cuộc" (chữ dùng của Huy Đức) hành xử như người chiến thắng "muốn nói gì, làm gì" cũng được. Đang ăn cơm chuyển qua ăn sắn. Đang ở phố chuyển về nông thôn. Đang tự do mua bán thì chuyển qua tem phiếu. Đang no chuyển thành đói. Đang học hành có học sinh phải nghỉ vì lý lịch của cha mẹ (trong khi học là quyền của mọi người dân).
Từ thực tế lịch sử ấy hiển hiện sự “bất mãn” trong văn hóa. Sài Gòn có tên hằng mấy trăm năm tại sao lại đổi thành thành phố Hồ Chí Minh? Để tri ân một lãnh tụ ư? Như vậy, nước Việt Nam nên đổi tên thành nước Ngô Quyền. Chính Ngô Quyền là người có công tái khai sinh ra đất nước “một ngàn năm nô lệ”. Hình thành dải đất này đâu có bắt đầu từ năm 1945. Việt Nam có từ mấy ngàn năm nay kia mà.
Thế thì ‘bắp’, ‘nhứt’, ‘chánh’…(chứ không phải ngô, nhất, chính) là "văn hóa" của người miền Nam. Vậy là Tân Sơn Nhứt thì phải giữ nguyên Tân Sơn Nhứt. Sửa lại một địa danh cho kêu hơn, cho đúng hơn, nhứt phải thành nhất? Vậy, tại sao quý ngài không sửa lại cái tên Nhổn đi? (trung tâm huấn luyện quốc gia Nhổn). Tiện thể sửa luôn tên “Bố Cái đại vương”. Tên quê tôi là Thường Đức cũng bị sửa thành Thượng Đức bởi tại đây có tới hai tượng đài chiến thắng.
Tên gọi theo tôi nên giữ đúng theo văn hóa địa phương trừ trường hợp tên ấy nhiều người không hiểu. Tiếng nói cũng vậy. Đố có ai nghe người Sài Gòn gọi ‘vòng xuyến’ thay ‘bùng binh’ hay ‘vòng xoay’ dù rành rành cái tên "vòng xuyến A, B, C" ?
Người Nam thật ra là người Bắc di cư vào qua nhiều giai đoạn lịch sử. ("Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long"). Tiếng Bắc cũng là tiếng Nam nếu người hai miền hiểu nhau. Hoàn cảnh lịch sử Nam Bắc cắt chia (từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh) khiến cho sự hòa giải dân tộc không thể một sớm một chiều mà hiển hiện . Cần cả hằng thế kỷ nữa để người ta không xem thường ‘bắp’ mà quý trọng ‘ngô’.
Cả người hai miền cần "tiếng nói chung", thì tiếng nói đó bắt đầu từ đâu? Từ ngôn ngữ. Đậu phộng (đậu phụng) tức là lạc. Lợn tức là heo. Không thể buộc heo phải ăn ngô, lợn phải ăn bắp. Cạc-vi -zit hay danh thiếp chứ không phải "thẻ thăm viếng xã giao" (trong bài báo của VN Express).
Khi buộc phải gọi tinh bột bắp là tinh bột ngô, người ta vô tình (hay cố ý) buộc người Nam phải nói tiếng của người Bắc. Tôn trọng bản sắc vùng miền (trong đó có ngôn ngữ) là tôn trọng nhau. ‘Nhất’ từ đây sẽ không uýnh lộn với ‘nhứt’ nữa. Việt Nam sẽ thật sự là một: Nam Bắc một nhà.