Wednesday, January 17, 2024

XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG CHUI – vấn đề còn bỏ ngỏ.

Từ 39 cái chết thương tâm trong container, báo chí nước ngoài tập trung tìm hiểu vì sao những người Việt mạo hiểm đánh đổi cả mạng sống để đến nước Anh. Tờ Guardian (30/10) “Người di dân VN không bị bọn buôn người “dụ dỗ”, họ chỉ muốn một tương lai tốt hơn” (Vietnamese migrants are not ‘lured’ by traffickers. They just want a better future ). RFA (30/10): “Nghèo nàn và ước vọng đưa đẩy những “lao động hạng thấp” tìm đến phương Tây – theo các học giả” (Poverty, Ambition Drive Vietnam’s ‘Underground Labor’ Movement to West, Scholars Say). BBC(31/10): Người Việt làm lậu ở Anh: Ra đi có phải vì nghèo? . VOA (31/10) có “định hướng tuyên giáo” hơn: Việt Nam đang phát triển, tại sao người lao động tìm đường xuất ngoại?"

James Pearson của Reuters (30/10) viết hẳn một bài nhan đề  “In Vietnam’s ‘Billionaire Village’, migrant cash can buy a palace (Trong ngôi ‘Làng tỷ phú’ ở VN, tiền người đi lao động có thể mua một dinh thự”).

Phóng viên viết: “Một tỷ đồng tương đương 43 nghìn đô la Mỹ, nhưng ở xã  Đô Thành phía bắc Trung bộ VN, tiền làm được khối chuyện, ngay cả những nông dân cũng sống trong những biệt thự lộng lẫy, xây bằng tiền của thân nhân chuyển về từ lao động ở nước ngoài. Vị chủ tịch xã nông thôn trồng lúa Nguyễn Văn Hà, địa phương thuộc tỉnh Nghệ An phát biểu: ‘70-80% những vi-la ở đây đều xây nhà nhờ tiền gửi về’ (“70-80% of the villas here have been built with remittances,” said Nguyen Van Ha, chairman of the rural, rice-farming commune in Nghe An province). Ông chỉ những ngôi nhà cao nhiều tầng, quanh trụ sở ủy ban rồi tiếp: ‘Nếu bạn làm việc ở VN để kiếm tiền đồng (không phải tiền đô -ND), không biết đến bao giờ có thể làm một vi-la như thế”.

Nhiều ái ngại cho hoàn cảnh những người phải vay mượn tiền với số lớn để xuất khẩu lao động chui, mạo hiểm đánh đổi cả cuộc đời, thấy qua 39 cái chết đau đớn trong xe đông lạnh vì không thở được. Tôi muốn nói một khía cạnh khác về khát vọng làm giàu của con người nông dân, và không nói đến những người đã khuất. Nghĩa tử là nghĩa tận. Hãy thắp cho họ một nén nhang lòng: những đồng bào chẳng may gặp nạn của chúng ta.

Nếu đúng như mô tả của phóng viên Reuters, hãng thông tấn thường đưa tin khá cẩn trọng, thì những căn nhà hoành tráng được xây gần như bằng tiền lao động làm thuê xứ người gửi về.

Khát vọng làm giàu: mua xe sang, xây nhà lớn, con cái có nơi học hành tử tế, cuộc sống không “thua chị kém em” là khát vọng chân chính. Nhưng có nhất thiết người lao động phải đánh đổi khát vọng ấy bằng con đường đi làm việc chui, qua sự tiếp tay của bọn buôn người, không lường trước hành trình nơi muốn đến, muôn vàn hiểm nguy, chưa kể đến nước Anh để tham gia trồng cần sa mới có nhiều tiền, dễ gặp rắc rối pháp lý, và chưa chắc được sống đàng hoàng, đối xử hẳn hoi, trong các nơi trồng cần sa, vì đó là hoạt động trái pháp luật.

Ở nông thôn, ý tưởng người dân “không muốn thua kém ai” là khá phổ biến. Hàng xóm có người sắm chiếc xe máy đời mới mấy chục triệu, lập tức vài tuần, có khi vài hôm, nhà bên cạnh chơi ngay một con xe “xịn hơn”, cho hàng xóm lác mắt. Khốn nỗi, người ta thừa tiền mua xe, nhà anh này “thừa nợ” để sắm. Người trong làng có con đi lao động nước ngoài gửi tiền về xây một ngôi nhà mấy tầng, hàng xóm cũng không muốn kém cạnh, vay mượn tứ bề, cầm cố cả sổ đỏ, sổ hồng, cho con mình ra đi, với ao ước một ngày sẽ “bằng chị bằng anh”.

Đồng tiền là huyết mạch nhưng đồng tiền thời buổi bây giờ được đẩy lên quá cao so với nhiệm vụ chính của nó là “trao đổi thành quả và giá trị lao động”. Trên những phương tiện truyền thông, ta thấy rất nhiều sự kiện liên quan tới tiền. Một ngôi chùa bình dị, những người tu hành bình dị, ở một khung cảnh bình dị, chưa nói đến hoằng pháp là mục đích của tín hữu đến chùa, không còn là cách thông thường để phát triển một tín ngưỡng có giáo lý sâu xa, giúp con người giải thoát lụy trần, khổ não. Hàng chục “mạnh thường quân” bỏ ra hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ, để đất nước này sẽ có những ngôi chùa “lớn nhất Đông Nam Á, lớn nhất Châu Á” có cả nơi nghỉ ngơi như khách sạn, trong khi số tiền ấy có thể xây bao nhiêu ngôi trường, bao nhiêu bệnh viện, làm được bao nhiêu con đường, thanh toán bao nhiêu cái cầu khỉ ở miền sông nước miền Nam. Du lịch tâm linh, một cái tên rất kêu, rất “đậm đà bản sắc dân tộc” thực ra là một cách kinh doanh. Nơi linh thiêng, sự có mặt của đồng tiền là quan trọng, không phải phần tâm hồn, phần trái tim, phần sâu lắng, cần thể hiện ở những nơi thiêng liêng ấy.

Bà bộ trưởng y tế hãnh diện trao những tấm bảng ghi to con số 15 triệu đồng cho những sinh viên xuất sắc trong một lễ khai giảng trân trọng ở một đại học lớn, thay vì việc ấy nên thể hiện nơi kín đáo đối với cá nhân được khen thưởng vì trong đó có em nghèo nhưng học giỏi. Người ta hồ hởi vô tư sẽ trao thưởng 100 triệu cho cầu thủ quốc gia sút thắng vào lưới đối phương (không mất tiền nếu không có trái nào). Trong khi đá đâu thắng đó, “thế nước đang lên” cùng bóng đá, người ta quên đi nhiệm vụ của cầu thủ đá bóng mang màu cờ sắc áo, ngoài tinh thần thể thao, nhiệm vụ hàng triệu người hâm mộ mong đợi, là đem vinh quang về cho đất nước (dù chỉ là một trận bóng), vinh quang ấy được kích thích và đem lại bằng tiền hay sao?

Khi xã hội từ dân thường, quan chức đến tôn giáo đều tôn vinh vật chất  và vật chất là động lực tinh thần, việc người dân ra đi lao động không theo “chính ngạch”, đầy hiểm nguy, bất trắc, đặng kiếm nhiều tiền, để gia đình mình "không thua chị kém em" sẽ không thể nào chấm dứt, và một khi ở trong nước, người lao động bình thường cần mẫn, cả đời dành dụm, lương thiện làm ăn, tích cóp chắt chiu từng đồng, liệu có làm nổi một căn nhà hoành tráng như ở thị trấn Đô Thanh hay không?

Ảnh: Bố anh Lê Văn Hà cùng đứa cháu nội mất cha