Friday, January 19, 2024

VÚ MỘNG

Mượn chữ của nhà thơ Xuân Diệu. Xin tặng Hạ Quốc Huy.

Chính trị, hay chính chị, nói miết cũng ngán, nay nói chính em, không chính trị (chị) một bữa.

Tính dục hay sex là đề tài nhạy cảm đúng nghĩa, không phải nhạy cảm trong chính trị, dễ dẫn đến mất…nhạy cảm (hay tục hơn) mất hứng. Phương Tây có quan niệm phóng khoáng về tính dục do ảnh hưởng từ Kitô giáo. Ông chúa Jesus đóng đinh trên thập tự giá,  mặc có mỗi chiếc khăn quấn ngang lưng, ngực tay chân ở trần nằm chính diện đền lễ, trong nhà thờ hằng ngày được ngắm, không một tín đồ nữ nào nhìn ngài …ở trần mà nảy ý nọ kia. Một câu chuyện trong kinh thánh cho thấy Jesus rất tự do trong tư tưởng của ngài về…chuyện sex.

Nhiều tín hữu biết câu chuyện ném đá. Một phụ nữ bị bắt vì tội thông dâm, sắp bị trừng phạt bằng cách ném đá cho đến chết thì  chúa Jesus đi đến. Để cứu người phụ nữ tội lỗi, ngài hỏi ai trong đám người sắp ném đá không phạm tội lần nào, tiến lên trước để ném viên đá đầu tiên. Đám đông yên lặng suy nghĩ. Ai mà không phạm tội dẫu một lần và họ bỏ đá xuống lặng lẽ rời khỏi nơi “xử án”. Jesus bảo người đàn bà: hãy đi đi và đừng tái phạm. Một tội xấu xa nhất thời đó là lấy trai vẫn được vị chủ chiên thánh thiện xem…chẳng có gì.

Còn ông Khổng Tử, thủ lĩnh truyền thống Nho giáo thì sao? Nam nữ thọ thọ bất thân. Phụ nhân nan hóa (khó dạy). Người quân tử nên xa nơi bếp núc (chỉ đàn bà mới vào đó). Phụ nữ “đái”(xin lỗi, hơi tục) không qua ngọn cỏ. Không biết đây có phải xuất phát từ “Tử viết” của Trọng Ni hay không nhưng đúng là câu của mấy cụ đồ Nho đệ tử của ổng ở ta ngày xưa hay nói.

Cấm kỵ nhưng có cấm được không, những cái “nhạy cảm” trên cơ thể phụ nữ, hôm nay nói tới là…cặp vú? “Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm/ Một lạch Đào Nguyên nước chửa thông/ Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở, ở không xong”. Ông quân tử này đang say sưa nhìn trộm  một thiếu nữ ngủ trưa, yếm trễ sâu xuống dưới, làn da trắng muốt hiện ra, bị bà Xuân Hương rắn mắt bắt được, bèn viết mấy câu thơ diễu cợt trên.

Gò bồng đảo và lạch đào nguyên, cái nào đẹp hơn, dù lạch đào nguyên là cửa dẫn đến…Thiên đường (Đào Nguyên, như Lưu Nguyễn nhập thiên thai) nhưng gò bồng đảo luôn được ngợi ca nhiều hơn. Những đấng mày râu, triệu người như một, lần đầu tiên tiếp xúc “nửa hồn” kia đều…đều sáp vô gò bồng đảo, úp mặt vào đó, giỡn đùa thỏa chí, sau đó mới ghé…lạch đào nguyên.

Nói về thẩm mỹ, đàn ông cũng có như phụ nữ nhưng phải nói thật, tôi cũng đàn ông, "gò bồng đảo" của mấy đấng trượng phu nhìn…quá xấu, trơ trẽn như hai đồng tiền cổ, rỉ sét, “có cũng như không”. Nhưng gò bồng đảo của giai nhân thì sao? Có ai muốn rời mắt ngắm vì nó đẹp, nó cuốn hút, nó hấp dẫn (còn hơn Huế - "không nơi nào có được")? “Trăng vú mộng suốt muôn đời thi sĩ/ Giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy”. Xuân Diệu đã có một sự so sánh tuyệt vời. Trăng là hình ảnh nên thơ đi vào văn học, vào giấc mộng của con người hàng ngàn năm nay, con người luôn ước mơ lên đó. “Cung quế đã ai ngồi đó chửa. Gian trần xin chị nhắc lên chơi” (Tản Đà).

Trăng xinh đẹp như thế được thi sĩ so sánh với gò bồng đảo đủ biết vị trí chứa hai gò này trên thân thể phụ nữ xinh đẹp xiết bao. “Giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy”. Tròn và đầy đọc lên thật là hình tượng, lại còn mơn trớn vẻ tròn đầy nữa chớ.

Tao nhân mặc khách - cả Tàu lần ta -  làm thơ, uống rượu, ngắm nguyệt, xem hoa nhưng ít ông nào mô tả đẹp đẽ về…gò bồng đảo như thi sĩ phụ nữ Việt Nam. Họ ý thức được cái tinh hoa xinh đẹp của cơ thể người con gái, và chỉ có Nguyễn Du, một người rất yêu phụ nữ, thán phục trước thân thể của họ: “ Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” .

Trong ngọc, trắng ngà là tả nước da người phụ nữ. Dày dày sẵn đúc là thân thể của họ, ba vòng lý tưởng của những hoa hậu ngày nay chưa chắc bằng “dày dày sẵn đúc” này. Tòa thiên nhiên, thi hào ý nói, chỉ có thượng đế mới tạo ra được một tuyệt tác cho nhân loại, nàng Eva của vườn Eden  huyền thoại.

Nhiều tác phẩm nghệ thuật hàng trăm năm nay vẽ về phụ nữ, hình ảnh dày dày sẵn đúc với đôi gò bồng đảo, to như quả bưởi nhỏ như quả trám, nhưng cái nào cũng tuyệt mỹ. Những họa sĩ tài ba ấy phải yêu cái đẹp ghê gớm lắm họ mới tạo nên những bức tranh khỏa thân, hàng trăm năm vẫn còn người ngắm: Cái đẹp ảo diệu của đôi gò bồng đảo.

Nhưng đối với những phụ nữ không có được đôi gò bồng đảo đẹp như trong tranh thì sao? Tôi nói ngay: bầu vú nào cũng đẹp vì bầu vú ấy hy sinh cho con, từ lúc nó lọt lòng cho đến khi ngưng bú, gò bồng đảo ấy đã tạo dựng một con người, đã vắt cạn những tinh túy của người mẹ cho một người con; không có tranh nào, tượng nào, được nhà họa sĩ, nhà điêu khắc tài hoa nào, làm được mà có thể đẹp bằng hay sánh bằng; tranh hay tượng chỉ để ngắm nhìn mà không thể cho con người một dòng sữa mẹ như suối nguồn lai láng.

Nhưng có chắc là gò bồng đảo ấy không đẹp, không hấp dẫn như tranh đối với người yêu của người phụ nữ? Cái này phải hỏi mấy "người trong cuộc" (không hỏi "bên thắng cuộc"); không đẹp, không hấp dẫn, không “dày dày sẵn đúc”, tại sao lần đầu tiên mới nhớn nhác thấy, gò bồng đảo đang còn thấp thoáng, nửa che nửa mở, như e ấp đợi chờ, mấy ổng đã say mê xáp lá cà, áp má vào ngay, rồi ghé môi thưởng thức, hạnh phúc còn hơn Xuân Diệu “giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy”.