Friday, January 19, 2024

CHỮ HIẾU

Lúc nhỏ ở miền Nam (tôi không rõ ở miền Bắc) ai cũng có học câu ca dao trong sách giáo khoa nói về hiếu thảo:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho trọn chữ hiếu mới là đạo con.

Lớn lên một chút vào trung học, trẻ được học đâu lớp đệ thất (lớp 6) những bài thơ giản dị gọi là Nhị Thập Tứ Hiếu, kể những tấm gương hiếu thảo đâu bên Tàu xa lắc, xa lơ, có câu chuyện cảm động chân thật nhưng cũng có câu chuyện khó tin và quá đáng như con róc thịt tay mình để làm thức ăn cứu cho mẹ khỏi chết đói.

Những bài học về đạo lý được giảng dạy từ nhỏ chắc hẳn có những tác dụng trong cuộc sống khi người ta lớn lên, chẳng hạn ở đây, nói về lòng hiếu đạo.

Quan niệm hiếu đạo phương Đông có lẽ không giống phương Tây, càng không giống những nơi khác trên quả đất này. Có câu chuyện về một bộ lạc châu Phi, ở đó con cái cư xử với người chết là cha hay mẹ khác hẳn, đối lập hẳn, cư xử của người VN với cha mẹ mình. Trong khi cha mẹ sẽ được chôn cất tử tế, với nghi thức thiêng liêng, mồ mả được xây dựng đường hoàng thì cha mẹ của những người bộ tộc này bị các con cháu họ…ăn thịt. Người cha hoặc mẹ già sắp chết được đưa lên một cành cây thật cao, họ phải bám vào đó cho đến khi rơi xuống, những người thân bên dưới đang ngóng chờ giây phút…làm thịt cha mẹ, trống chiêng gõ liên tục, các ché rượu kê la liệt gần chỗ ngồi.

Một giáo sĩ phương Tây đi giảng đạo đến đó, nói với tù trưởng, tập tục ăn thịt người thật dã man, ăn thịt cha mẹ càng dã man hơn, và ông khuyên bộ lạc này nên chấm dứt tập tục đó. “Thế ở xứ văn minh của ông người ta làm thế nào với cha mẹ gần chết?”. “Chôn, chúng tôi chôn cất họ khi chết trong lòng đất, để thể hiện lòng hiếu đạo”. Viên tù trưởng cười to, lắc đầu: “Như thế mà hiếu đạo à? Chôn cha mẹ xuống đất, bị những con mối đáng ghét kia ăn thịt, trong khi chúng tôi ăn thịt cha mẹ, họ trở thành máu thịt trong thân thể chúng tôi, sống mãi cùng con cháu. Các ông bỏ cha mẹ xuống đất, chúng tôi cất cha mẹ trong lòng, ai hiếu đạo hơn?”.

Câu chuyện có hoặc có thể không có, nhưng nó nói lên một điều: hiếu kính với cha mẹ không ai có thể quy định hay dạy cho nhau nếu trong lòng con cái không sẵn lòng yêu thương; giáo dục giúp con người hiểu biết hành vi hiếu kính chứ không biến cải, hay buộc phải có, hành vi này hay hành vi kia để chứng tỏ con người hiếu đạo.

Thật ra, dạy con người yêu thương, dẫu không biến họ thành yêu thương vẫn hơn hẳn dạy con người căm thù, rất dễ biến con người chất chứa căm thù, vì hiện diện trong con người luôn là con vật, không khéo giáo dục, vật sẽ lấn người trong đầu óc, con tim.

Ở xã hội ngày nay, con người tất bật với nhiều lo toan cuộc sống, có những cái được quan tâm nhiều trong khi có cái, ví dụ việc khảo sát tâm lý về lòng hiếu đạo, chưa được thực hiện - chúng ta chưa làm hay chưa nghe tới -  trong khi hiếu đạo với cha mẹ là phần quan trọng trong đạo đức con người Việt Nam.

Vì không ai dạy ai hiếu đạo, do đó, nói thế này mới hiếu, thế kia là bất hiếu là điều rất khó, không khéo sẽ bị phê phán “ông đã hiếu đạo chưa mà lên lớp hiếu đạo?”.

Trong quan hệ con người, nhất là người Việt Nam, hiếu đạo xưa kia chiếm bậc cao nhất, chỉ sau vua. “Trai thời trung hiếu làm đầu” (Nguyễn Đình Chiểu). Trung là trung với vua (hiền, không trung với độc tài,  bạo chúa), hiếu là hiếu với cha mẹ. Làm thế nào để tỏ ra hiếu đạo với cha mẹ không phải là khả năng chỉ dẫn của tôi cũng như tôi không có quyền dạy dỗ ai hiếu đạo. Tôi chỉ quan sát hiếu đạo trong hiểu biết của mình, với suy nghĩ cá nhân.

Tôi có quen và biết hai người tôi rất nể phục mỗi lần nhắc đến họ. Một người hiện ở Đà Nẵng, năm nay trên 80 tuổi nhưng sức khỏe vẫn tốt. Cha ông đã mất, nhưng lúc còn sống, những năm cuối đời đau yếu, được ông chăm sóc khi cha ông từ trại cải tạo về sau những năm giam giữ ăn uống kham khổ. Người cha yếu đuối chẳng may ngã té, không chết nhưng liệt toàn thân. Thân hình ông rất to lớn, việc chăm sóc người bất động thật nhiêu khê, phức tạp; ăn uống, vệ sinh, thay áo quần là những việc lặp đi lặp lại hằng ngày, đòi hỏi người chăm một sự nhẫn nại và chịu đựng vô vàn.

Không phải lúc nào cũng vừa lòng người bệnh vẫn còn ăn được, nói được dù nói khó, và vẫn còn bực dọc quở mắng con (vì bệnh và nằm quá lâu). Hai mươi năm như vậy, chúng ta có ai làm được như người con này không, có nhưng có lẽ không nhiều. Không một lần nào người con để việc chăm sóc cho vợ, cho con, ông muốn đích thân làm, để cha mình vui lòng. Khi đến thăm những người bệnh liệt giường, chúng ta thường nhận thấy có một mùi gì đó không rõ nhưng hơi khó chịu nếu ngồi lâu trong phòng người bệnh. Nhưng tôi không hề thấy có “mùi gì” trong căn phòng có người cha bệnh, người con kế bên chăm sóc, ngay những khi ghé thăm ông cụ bất chợt. Người con chăm sóc cha tuyệt vời trong việc vệ sinh của một người đại tiểu tiện một chỗ, không kiểm soát.

Một người nữa, người này là một phụ nữ, bà con gần trong họ Nguyễn tôi, hiện còn sống ở quê, tuổi năm nay là 70. Trường hợp nuôi mẹ bệnh của cô là một trường hợp quá đặc biệt. Thập niên 60, khi cô chỉ mới tầm 13,14 tuổi đang đi học, gương mặt dễ nhìn, rồi mẹ cô ngã bệnh, bán thân bất toại, không đi lại được, nằm liệt giường, việc chăm sóc mẹ chỉ duy nhất do cô. Người chồng không bỏ bê vợ nhưng lập gia đình khác khi mẹ cô bệnh mấy năm. Người mẹ vừa qua đời cách đây gần hai năm, như vậy, bà sống bất động cả thảy là 57 năm. Người bà con của tôi đã bỏ gần cả cuộc đời và cả tuổi thanh xuân để chăm sóc mẹ mình: cô không lập gia đình từ lúc nuôi mẹ cho đến khi bà mất, một quãng thời gian dài đằng đẵng. Niềm vui của cô bây giờ là vẫn sống một mình, mỗi ngày đi lễ Mi-sa sớm, tối, ngay cả những ngày mưa gió.

Qua câu chuyện, tôi nảy ra một suy nghĩ, những người hiếu đạo đó chăm sóc cha mẹ bệnh quá lâu đều ở lứa tuổi này khá lớn. Những người trẻ bây giờ có ai như họ không khi gặp hoàn cảnh tương tự? Họ được sinh ra trong một xã hội yêu thương, hay do bản thân họ sẵn lòng yêu thương, họ làm được một sự việc phải nói là vĩ đại và hết sức trân quý? Hay là người cha, người mẹ, được chăm sóc kia đã cư xử với con mình đầy tình thương, họ được “tình thương vun đắp tình thương” từ con cái họ? Tôi nghĩ là cả hai. Xã hội có thể làm thay đổi tư tưởng con người nhưng xã hội không thể thay đổi tình yêu con người dành cho con người khi họ thật sự yêu thương nhau.

Cho và nhận bằng tình yêu thương đã là quả ngọt trong câu chuyện hiếu đạo này chứ không hẳn những người hiếu đạo này đã được giáo dục tốt về lòng hiếu đạo.

Khi đã không có lòng nhân ái, yêu thương, trong một gia đình nhân ái yêu thương, giáo dục mãn đời (không nói đến giáo dục một chiều) chưa chắc hiệu quả. Xã hội chúng ta đã không từng nghe hai từ “giáo dục” được nhắc đi nhắc lại hàng triệu triệu lần từ năm 1945 cho đến nay, nhưng giáo dục ấy có hiệu quả như những người làm ra giáo dục mong muốn chưa?

Cha mẹ cũng đừng trách con cái phải yêu thương mình trước khi mình chưa yêu thương chúng. Không phải là sự đổi chác "có qua có lại" nhưng là sự yêu thương dành cho nhau.