Lời người dịch: Hậu quả của “3 không”. Hậu quả của tình hữu nghị đời đời bền vững 16 chữ vàng: “Sơn thủy tương liên. Văn hóa tương thông. Lý tưởng tương đồng. Vận mệnh tương quan”.
(Vietnam Confronts China, Alone)
Việt Nam và Trung Quốc sa vào cuộc đối đầu dần nóng lên ở biển Đông đã không nhận được sự quan tâm đúng mức.
VN đáp trả bằng việc bố trí các tàu cảnh sát biển. Theo những tường thuật báo chí VN dẫn lời bộ Ngoại giao, sự đối đầu đang diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở biển Đông (theo cách gọi của VN) từ tháng bảy năm nay. Vùng đặc quyền kinh tế được phân định theo Công ước quốc tế về luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), Việt Nam và Trung quốc đã ký kết. Việt Nam thấy mình đang ở trong một vị trí căng thẳng, không có nhiều hỗ trợ ngoài lời nói khi đối mặt với một Trung Quốc quyết đoán.
Những rắc rối xảy ra gần đây, nhất là vào giữa tháng 7, khi phát ngôn viên bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng tuyên bố một đội tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vừa vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN ở biển Đông. VN khẳng định đã nhiều lần gặp TQ để “phản đối các hành động vi phạm”
Ngoài ra, VN còn kêu gọi các cường quốc lớn cố gắng đem lại hòa bình và trật tự ở biển Đông với phát ngôn “ổn định trật tự, hòa bình, và an ninh biển Đông là mối quan tâm chung của các nước cả trong và ngoài khu vực. VN mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế bảo vệ và duy trì mối quan tâm này”. Vào cuối tháng bảy, phát ngôn viên bộ Ngoại giao VN tái khẳng định quyết tâm yêu cầu: “TQ rút ngay tức khắc tất cả tàu bè của họ ra khỏi vùng biển của VN và…tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán, vì tình hữu nghị giữa hai nước và vì ổn định, hòa bình khu vực”. VN khẳng định đã nhiều lần tiếp xúc với TQ qua nhiều kênh khác nhau.
Đưa vấn đề này ra hội nghị ASEAN vào cuối tháng bảy, phó thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao VN Phạm Bình Minh, “bày tỏ quan tâm sâu sắc về những diễn biến mới đây ở biển Đông, với những hoạt động của đội tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN trên biển". Ông tuyên bố thêm những hành động như thế “đe dọa nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn niềm tin, gây ra căng thẳng, do đó sẽ làm tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực”.
Cũng nên lưu ý quanh lần này, TQ theo đuổi phương sách triển khai khác trước. Tác giả bài này được biết từ các nhà phân tích VN là không như trước đây, khi các tàu TQ ở lại đôi tháng trên cùng vùng biển, lần này TQ triển khai tàu thăm dò một vài tuần rồi rút đi, chỉ quay lại vùng đặc quyền kinh tế ấy sau đó. Bắt đầu vào tháng 8, phát ngôn viên bộ ngoại giao VN loan báo: “Tàu khảo sát Hải Dương 8 gây cản trở công tác khảo sát địa chất của VN và đã rời vùng đặc quyền kinh tế VN và 2 vùng ở phía đông nam của thềm lục địa”. Tuy nhiên, vài ngày sau, phát ngôn viên bộ Ngoại giao VN lại thông báo “đội tàu TQ cùng tàu hộ tống đã trở lại vùng biển thuộc lãnh thổ VN”. VN một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng với tình huống này nhằm duy trì hòa bình và an ninh khu vực. Trong lúc đó, TQ qua báo cáo là đã bắt đầu tập trận gần các đảo Hoàng Sa.
Mặc kệ những phản đối liên tục của VN, cuộc đối đầu đang tiếp diễn, và đến nay đã sang tháng thứ ba. Vài hôm trước, ông Nguyễn Mạnh Đông, vụ trưởng Vụ các vấn đề biển, thuộc Ủy ban phụ trách biên giới quốc gia của bộ Ngoại giao, trả lời chi tiết phỏng vấn của Thông tấn xã VN, với quan điểm rằng: “Các tranh chấp là không thể tránh khỏi trong việc giải thích và áp dụng Công ước (UNCLOS), nhưng tất cả các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp này một cách hòa bình thông qua các biện pháp quy định tại Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc và Điều 279 của UNCLOS”.
TQ ngày càng hung hăng hơn ở khu vực (biển Đông -ND) trong những năm vừa qua. Một tháng trước cuộc đối đầu hiện nay với VN, một tàu TQ đâm chìm một tàu đánh cá Philippines ở bãi Cỏ Rồng (Recto Bank). Đầu tháng 5 năm 2019, một tàu Cảnh sát biển TQ tên Hải Kinh 35111 có báo cáo đã ngăn cản hoạt động của giàn khai thác dầu Mã Lai gần bãi cạn Luconia, ngoài bờ biển bang Sarawak. Trong một động thái khác nhằm tuyên bố chủ quyền của mình, TQ tổ chức Cúp Sinan Regatta ở đảo Duy Mộng, một phần của quần đảo Hoàng Sa.
Trong khi đó, VN tìm kiếm các nước Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Úc và những nước vùng Ấn Độ Thái bình dương. Nhưng những phản ứng khu vực và thế giới đối với những diễn biến này đều im ắng (muted). Mã Lai trong hồ sơ ngoại giao mới đã nói: “Biển Đông nên là vùng biển của sự hợp tác, kết nối, và xây dựng cộng đồng và không nên là đối đầu hay xung đột. Điều này phù hợp với tinh thần Khu vực của Hòa bình, Tự do, và Trung lập (ZOPFAN). Mã Lai sẽ đề xướng tích cực tầm nhìn này trong các nước Asean. Hơn nữa, một thông cáo chung phát hành hôm 27 tháng 8 giữa Việt Nam và Mã Lai “nhấn mạnh sự quan trọng của tự kiềm chế, không quân sự hóa, và tuân thủ những nghĩa vụ luật pháp quốc tế trong niềm tin tốt đẹp, tôn trọng đối với chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của những quốc gia cùng bờ biển, và đối với quy tắc luật pháp theo đúng với tuyên bố UNCLOS năm 1982, và tránh các hành vi có thể gây ra leo thang sự căng thẳng”.
Các cường quốc ngoài khu vực cũng đã đưa ra những tuyên bố tương tự nhưng chẳng có gì nhiều hơn thế. Điều trần trước ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ, ông David Stilwell, thứ trưởng ngoại giao phụ trách Vụ Đông Á và Thái bình dương, phát biểu: “Bằng nhiều hành động phi pháp lặp đi lặp lại và bằng việc quân sự hóa những thực thể (features) đang tranh chấp, Bắc Kinh đã và đang tiếp tục hành động ngăn cản các nước ASEAN không được tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng có thể khai thác tới 2500 tỷ Mỹ kim".
Các cường quốc khác đã ngưng không còn nhắc lại sự quan trọng của tự do hàng hải, như thông cáo chung Ấn-Pháp trong chuyến viếng thăm gần đây của thủ tướng Modi tới Pháp. Một hội nghị tổ chức hồi gần đây ở Ấn Độ Dương thuộc nước Maldives hôm ngày 3 và ngày 4 tháng 9, nơi thủ tướng Sri Lanka và các bộ trưởng Singapore, Maldives có mặt, cũng nhấn mạnh sự tự do hàng hải, nhưng lại lần nữa, cũng không hề nhắc tới Biển Đông.
Nhật Bản thì mạnh hơn một chút, với việc tuyên bố của bộ trưởng ngoại giao: “Biển Đông là vùng biển huyết mách lưu thông đối với Nhật Bản và nhiều nước khác. Nó trực tiếp liên quan đến sự ổn định và hòa bình của khu vực, cộng đồng quốc tế gồm cả Nhật Bản đều nghiêm túc chú ý đến tình hình biển Đông. Nhật Bản phản đối bất kỳ hành vi nào bởi bất cứ ai làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông”. Ấn Độ vững vàng đứng về phía tự do hàng hải, tự do hàng không, giao thương hợp pháp không bị cản trở, trong những vùng biển quốc tế, theo đúng luật pháp quốc tế, nhất là công ước UNCLOS (về luật biển-ND).
Hình như Việt Nam không thể lôi kéo được sự ủng hộ mạnh mẽ nào từ những đối tác của họ trong vùng và bên ngoài.
Việt Nam cũng có thể khó mà một mình chống lại Trung Quốc. Bắc Kinh tỏ ra đã tính toán đúng rằng họ chẳng phải có sự lo ngại nào về một sự chống đối nghiêm trọng, của nhiều người. (Beijing appears to have correctly calculated that it does not have to fear any serious, united opposition).
Bài viết của Rajeswari Pillai Rajagopalan trên báo THE DIPLOMAT, ngày 26 tháng 9 năm 2019.