Thursday, January 18, 2024

Lại nói về SỢ

Chưa bao giờ, nỗi sợ ám ảnh người Việt như bây giờ. Kẻ cầm quyền sợ người dân. Đại hội đảng 12 có hàng ngàn cảnh sát cơ động, xe pháo, phương tiện tối tân, lo việc an ninh, sợ gì dữ vậy?

Thấy dân Hồng Công xuống đường, Hà Nội liền diễn tập chống biểu tình, bạo loạn. Một lãnh đạo cấp thành phố xuống gặp dân Thủ Thiêm được hàng chục bảo vệ chìm nổi bao kín như xe bọc thép.

Lúc nào thế lực thù địch không rõ mặt mũi cũng là nỗi  sợ hãi truyền đời như quỷ ám.

Người dân không sợ chính quyền ư? Không, họ không sợ hãi, bởi họ rất ngoan ngoãn; giặc xâm chiếm lãnh thổ, có ai dám cầm cờ xuống đường phản đối không? Mọi cái có nhà nước lo.

Hàng chục công tử được giao cho những quả đấm thép, đã không đấm tan sự nghèo khó, mà còn đấm xiểng niểng tiềm lực quốc gia. Có người dân nào can đảm can ngăn những vị công tử ấy không? Có, nhưng rất ít, và cũng không ít người sưng má vì can ngăn. Người dân sợ hãi không dám đòi cái quyền được ứng cử, được bầu cử theo ý mình, mà phải theo ý đảng. Người dân cũng cam chịu sự chọn lựa chủ nghĩa cộng sản của một số người, không phải sự chọn lựa của mình, của đa số người dân.

Họ sợ hãi không cất lên nổi tiếng nói của mình bằng ngôn luận, quyền tự do tối thiểu. Ngôn luận, người dân có được tờ báo tư nhân nào của mình không? Họ chỉ sống nhờ (về tinh thần) trên một mạng xã hội của một người Mỹ, trong khi họ còn lo ngại, nghi hoặc,  nếu muốn sử dụng mạng Lotus của Việt Nam. Chưa hết, nỗi sợ còn lẩn khuất trong đời sống mỗi người dân mỗi ngày. Sáng sớm đi làm, dắt xe ra khỏi nhà, người thân buổi chiều không biết có trở về ăn bữa tối cùng gia đình hay không.

Vào bệnh viện, không biết mình được chữa bằng thuốc thật hay thuốc giả. "Không lót tay" có được cư xử bình đẳng như người lót tay? Đưa con đến trường, phụ huynh không rõ con mình có gặp từ mẫu hay ác mẫu, hoặc sáng vui vẻ tiễn con đi, chiều đau đớn nhận xác con về. Những người lãnh đạo mình, dân không rõ có ai trong họ là hiền tài thi đại học 1 điểm thành 29 điểm.

Đưa miếng ăn vào miệng, người dân lo lắng không rõ có bao nhiêu chất "lạ", chất hiểm nguy trong ấy; một ngày nào đó, họ thấy mình chen lấn cùng người khác trong một bệnh viện, tá hỏa khi thấy kết quả xét nghiệm: gan, ruột, phổi, thận...đã dính ung thư. Không những thế, họ còn lo sợ lẫn nhau.

Không nên cho tiền người ăn xin(lời khuyên của quan chức), có thể đó là ăn mày giả. Giữa đường vắng có 1 cháu bé bị lạc, khóc lóc, người ta đọc báo hãy cảnh giác, cẩn thận kẻo dính bẫy kẻ gian.

Lòng thương người không còn như trước: người ta có thể mang "khổ" nếu thương "lộn" kẻ gian đóng vai đói nghèo, tật bệnh, gặp cảnh không may.

Chúng ta nghèo vật chất không phải đáng lo nhưng nghèo lòng nhân ái vì nỗi sợ hãi càng đáng lo hơn. Thấy một người bị tai nạn giữa đường, hay một cảnh có kẻ cầm dao chém chết người này đến người kia, người ta ngần ngại không dám can thiệp; họ sợ...liên lụy. Nỗi sợ hãi còn giấu mình trong tình ruột thịt. Cha hoặc mẹ có căn nhà mặt tiền, lo sợ làm sẵn di chúc, chứ bất ngờ qua đời, con cái xúm nhau giành giật tài sản, nhẹ thì ra tòa, nặng thì chém chết nhau. Cha giao tiền hối lộ cho con khai ra may nhẹ tội, không ngờ con chối, sống chết mặc...bay, í lộn, sống chết mặc cha.

Nhưng nghĩ chí tình, tôi thấy nỗi lo sợ lớn nhất hiện nay là nỗi lo mất nước. Kẻ xâm chiếm lãnh thổ liệu có nghĩ tình anh em thắm thiết mà "tha" cho thằng em chân thành mấy chục năm nay được có chỗ đi ra đi vô và làm ăn trên biển?

Người dân lo sợ không hiểu quyết sách của chính quyền thế nào về việc lãnh thổ của em mà anh cứ giành của ổng, bởi chuyện Tư Chính vẫn hoàn toàn yên tĩnh...trên truyền thông quốc gia.

Nỗi sợ càng lớn và còn canh cánh trong lòng mỗi người dân yêu nước VN. Tôi nghĩ chẳng phải sợ hãi tý nào kẻ bất nghĩa muốn bá chủ biển Đông, một khi nỗi sợ này không còn: chính quyền không sợ dân, dân không sợ chính quyền, và dân không sợ nhau. Nhưng khó quá: bao giờ hết sợ?