Báo đăng có 9 người trong đoàn của quốc hội Việt Nam đã trốn lại ở xứ sở kim chi năm ngoái trong chuyến công du Hàn Quốc. Chín người này đã “làm gì cho tổ quốc” rồi đó, thưa bà chủ tịch quốc hội. Đây là một sỉ nhục quốc gia. Nếu những người này không cùng đi với đoàn thì đúng là hồng phúc cho đất nước.
Bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chắc chắn không muốn điều này xảy ra. Vậy ai là người đứng ra tổ chức cho “quá giang” để những người này được trốn lại Hàn Quốc? Không khó để có câu trả lời. Nếu sự việc chìm xuồng, báo không đăng, thì may mắn cho bà chủ tịch biết mấy. Bọn "thế lực thù địch" đã nhúng tay vào việc tiết lộ này rồi sao? Hay là chú Việt Tân?
Một cuộc thăm viếng cấp quốc gia đâu có giống một cuộc thăm viếng cấp xóm cấp phường. Thời gian chuẩn bị, công tác chuẩn bị, số lượng người đi chuẩn bị, đâu phải như bữa nhậu ở miền Nam, chỉ cần “hú” một tiếng là đầy đủ thành phần. Có gì quan trọng ở nước Triều Tiên, đến nỗi người ta phải trốn ở lại bất hợp pháp? Tỵ nạn chính trị ư? Không hẳn. Ai lại tỵ nạn ở nước còn là tàn tích của thói “gia trưởng”. Bác sĩ cấp trên đá vào ống chân bác sĩ cấp dưới trong các phim tình yêu đã chiếu ở VN. Ở lại với số vốn tích lũy nhờ “buôn chổi đót” để làm ăn? Chưa hẳn. Không lẽ những người bỏ trốn ở lại để giải phẫu thẩm mỹ mong đẹp như những diên viên trong phim Hàn?
Tôi đoán và đoán đúng 100% những người ở lại là những…lao động làm thuê. Họ đã “vượt biên giai đoạn” nhờ giúp đỡ của những tay trong tay ngoài ở quốc hội phụ trách việc xuất ngoại của các đại biểu. Thời bao cấp, người ta hay gọi hành vi như vậy là “cải thiện” trong sản xuất, nghĩa là “làm thêm” kiếm chút cháo thời đó, tương đương vài ngàn đô mỗi người (trốn lại) thời nay.
Tôi cũng đoán và đoán đúng 100%, tính cách vô tư trong sáng của bà Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyện này. Vốn bản tính thật thà của người Nam bộ, chắc chắn bà không biết và cũng không hề ngờ chuyện này xảy ra. Nhưng trách nhiệm bà phải chịu. Tôi là người dân, làm sao tôi hiểu được tính cách của một quan chức cao cấp nhất quốc gia, một tứ trụ triều đình?
Nhưng tôi biết được bà qua lời kể của bạn tôi, một học sinh trung học ngang lớp ở trường Trần Quý Cáp, Hội An, sau này vào Sài Gòn tiếp tục đại học. Hắn là lớp trưởng trong lớp kế toán tài chính, sau này nó học thêm, mấy năm trời mà chị Ngân là học sinh trong lớp hắn. Bạn tôi là người to cao, hết sức bảnh trai, có nước da trắng như con gái. Tôi 1,6 m đứng bên anh ta như người Việt cạnh người Mỹ. Có thể anh ta cao 20 cm hơn tôi. Tôi thì ất ơ nhưng anh ta thì khá “thành đạt”, các chức vụ kinh qua là phó giám đốc sở (duy nhất không đảng), rồi giám đốc một đơn vị khác, trước khi về hưu ở một tỉnh miền Nam, sát Sài Gòn. Vì là lớp trưởng, anh ta luôn là người trách nhiệm trong việc tổ chức họp mặt hằng năm lớp tài chánh kế toán.
Chị Ngân xinh đẹp, ngay cả lúc là tứ trụ, vẫn thu xếp về họp mặt mỗi năm, và đương nhiên không đều đặn như lúc chị làm những chức vụ thấp hơn. Bạn tôi kể làm lớn như “nó”, tức chủ tịch quốc hội, chả thoải mái tí nào. Một lần họp mặt, “học sinh” Ngân đến dự, cả lớp như đang chuẩn bị…đại hội, không khí trang nghiêm, không phải không khí của buổi giao lưu cựu học sinh. Chị đến không được sớm vì bận, họp mặt chỉ là kết hợp việc đại sự quốc gia. Chừng 15 phút là "học sinh" Ngân phải đi. Thứ nhất, nếu chị ở lại, buổi họp mặt rất phiền toái. Một vệ sĩ nữ cấp thiếu tá luôn cặp kè sát chị, không rời nửa tấc, chứ không phải nửa bước. Mọi cử chỉ của "học sinh bạn" luôn luôn được vị cận vệ này quan sát không sót một động tác nào. Thứ hai, chị Ngân biết nếu mình ở lâu, họp mặt sẽ không vui, vì bà là một quan chức quá lớn, các bạn sẽ ngại ngùng.
Bạn tôi kể, hắn hay có tính bông lơn (hay đùa). Lâu thật lâu mà gặp một bạn học gái cùng lớp thời đi học, hắn hay giang rộng tay ôm họ, không chặt như người phương Tây nhưng cũng thâm tình tuy vẫn rất giữ lễ. Hắn cũng làm như vậy đối với bạn cùng lớp Nguyễn Thị Kim Ngân. Đâu có thể như thế. Vừa chào vừa giang rộng tay, nó cao như tây, viên cận vệ bà chủ tịch quốc hội đã chen vào giữa, mắt cô chằm chằm vào mắt nó, quan sát, chỉ cần một cử chỉ “lạ” phát sinh, có lẽ người to như hắn chỉ có nước trồng chuối, trước một người võ nghệ cao cường, chưa kể khẩu súng giắt bên hông, nằm gọn trong tay nhanh hơn xiếc nếu có gì bất trắc xảy ra. “Lớp trưởng của chị đó, em à”. Nghe bà giới thiệu, người cận vệ mới thôi áp sát; bạn tôi dừng lại tức thì động tác "đón chào", nửa cười nửa mếu, thõng tay xuống như chuẩn bị chào cờ đầu tuần.
Viên tài xế của bà luôn ngồi trên xe, không hề bước xuống. Bạn tôi ra mời dự tiệc, anh lịch sự từ chối. Nó bèn bảo người mang thức ăn ra nhưng anh ta cám ơn không nhận, cho đến khi bạn tôi nói lại với bà, và khi bà bảo tài xế “em ăn đi”, anh ta mới dám ăn. Khi chia tay các bạn, bà rất bùi ngùi, đôi mắt xinh đẹp có vẻ luyến tiếc, không được ở lại cùng bạn bè họp mặt thật lâu, sau mấy chục năm xa cách. Bạn tôi còn nói, đôi ba năm có dịp công tác qua tỉnh nó, bà đều gọi điện kêu nó và một số bạn học đang công tác ở Sài Gòn hay trong tỉnh, đến gặp bà hàn huyên năm bảy phút.
Một người phụ nữ nghĩa tình. Bạn tôi nhận xét. “Nó” không như những người bạn khác, khi đã làm chức khá lớn, ít khi thân thiện bạn bè, trừ lúc nghỉ hưu, không còn chức vụ. Không rõ bạn tôi có “thêm mắm dặm muối” gì cho câu chuyện nó “quen” một tứ trụ triều đình; tôi tin nó nói thật, bởi dù đã hưu nhưng nó đâu có dám “giỡn mặt vua”.
Khi đọc tin 9 người trong đoàn quốc hội trốn lại Hàn Quốc, tôi nghĩ những người này không phải là quan chức, chỉ những người bình thường “ăn ké” chuyến đi. Bà chủ tịch quốc hội không thể kiểm soát được sự việc như vậy. Với tính cách bà, qua câu chuyện bạn tôi kể, bà có lẽ đã “vô tư” trong chuyện này. Vô tư tuy đúng nhưng trách nhiệm bà phải mang, mang rất nặng.
Dù là gần năm sau việc mới lộ ra, ảnh hưởng quốc thể không nhỏ. Thế giới người ta bảo quốc hội VN có người bỏ trốn, họ đâu có biết, nếu là người trong tổ chức quyền lực cao nhất nước này, đâu có ai dại dột mà bỏ mất cơ hội trở lại VN, sống một cuộc sống đủ đầy, tội chi phải “đầu thú” (một), “bị bắt” (một), hay "lẩn trốn" (7) .
Nếu tôi là bạn tôi, cựu lớp trưởng của học sinh Nguyễn Thị Kim Ngân, tôi sẽ gọi điện cho bà “Ngân à, bạn hãy xin lỗi dân, cách chức tức thì ông chánh văn phòng. Chín người bỏ trốn không hẳn do ông ta, nhưng ổng phải là người trách nhiệm cao nhất khi để điều này xảy ra, khâu tổ chức kém quá, hậu quả là “nhục quốc thể”. Nhưng tôi đâu phải là bạn tôi. Tiếc quá, hỉ.