Văn hóa giao thông khiến ta liên tưởng văn hóa nhậu, văn hóa phong bì…Làm gì có văn hóa giao thông, chỉ có giao thông một cách có văn hóa. Người có văn hóa sẽ hành xử văn hóa, ngay trong lúc tham gia giao thông.
Singapore có một hệ thống giao thông rất tiên tiến và ở nơi này, việc tham gia giao thông thể hiện rất văn hóa, một phần nhờ cách làm đường của họ khá có tầm nhìn: đa số đường đều có lối đi dành cho người đi bộ, không như ở ta, nhiều con đường mênh mông như sông Cửu Long nhưng không có lối đi bộ hoặc có lề đi bộ nhưng bị chiếm dụng làm nơi buôn bán.
Tuy nhiên, mọi cái đem ra so sánh với đất nước bé nhỏ này đều không hợp lý vì Việt Nam là một nước lớn và đông dân gấp bội. Hơn nữa, vị “cha già dân tộc” Lý Quang Diệu đã tốt nghiệp trường đại học danh tiếng thế giới Cambridge, ông ta điều hành một đất nước sẽ không giống những vị cha già các nước không có điều kiện học hành như ông ta.
Mỗi buổi sáng, ở Sài Gòn đều có không khí căng thẳng vì lượng xe cộ đổ về trung tâm thành phố khá lớn. Các anh cảnh sát giao thông, có cả tăng cường của dân quân tự vệ, rất vất vả điều hành xe cộ qua lại giúp cho bớt nạn kẹt xe. Nỗ lực thành phố rất đáng trân trọng như tăng cường xe buýt, thêm tuyến tàu lửa trên cao, metro ngầm dưới đất trong giai đoạn sắp hoàn thành.
Nhưng có những cái nho nhỏ làm sự giao thông, đi lại của dân chúng, có thể bị cản trở đã chưa được chú ý. Các hè phố quá nhiều biển quảng cáo, bảng hiệu, che khuất tầm nhìn, cản trở lối đi bộ, hàng hóa bày ra sát đường, khách hàng phải để xe hoặc dừng xe trên đường để mua trong lúc xe cộ nhích từng chút để chờ hay quan sát họ. Con đường lớn như xa lộ Hà Nội, những quãng đường có cây che mát, đang xuất hiện một vài nơi người trưng bán nào mũ bảo hiểm, kiếng mát, khẩu trang, áo đi mưa, thậm chí cả nước uống. Có người làm được sẽ có nhiều người bắt chước làm theo, ngày càng nhiều, việc dẹp trật tự cho xe qua lại sẽ khó khăn về sau nếu không dẹp ngay từ đầu.
Lại thêm những bảng nhắc nhở viết lê thê, khẩu hiệu, pa nô, trương ra 2 bên những trục lộ giao thông chính, lúc nào cũng dày đặc xe cộ. Chẳng hạn “Lái xe chú ý, quan sát, đoạn đường này rất nguy hiểm, thường xảy ra tai nạn giao thông”. Tại sao không dựng một tấm bảng chỉ mấy chữ “Chú ý, tai nạn”, hoặc một hình ảnh vẽ cảnh tai nạn, người đi xe chỉ cần đảo mắt là hiểu ngay. Một bảng to viết 1 câu, chữ khá "hoành tráng" hiện đang dựng gần cầu Sài Gòn: “An toàn là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đình, và toàn xã hội”. Nếu công dân nào gương mẫu, vừa chạy xe vừa đọc câu khẩu hiệu, chỉ cần mất tập trung trước mũi xe một hai giây – thời gian để đọc câu khẩu hiệu, hay câu nhắc nhở ở trên – cũng đủ để gây tai nạn.
Lại thêm những pa nô tuyên truyền đặt bên lề đường có xe chạy vun vút như tên bắn (trên xa lộ HN): “Quận…đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2019”. Làm sao vừa chạy xe, người ta vừa đọc trong khi quãng đường này không có người đi bộ?
Giao thông như một dòng sông đang chảy. Nước ví như xe cộ, con sông ví như con đường. Nước không tràn bờ khi sông rộng không có mưa lũ. Đường sẽ không kẹt xe khi rộng đủ sức cho xe cộ lưu thông. Bất kỳ vật cản nào dù nhỏ - ví dụ như những cái tôi nói ở trên – cũng làm dòng sông chảy chậm lại.
Cứ cho có “văn hóa giao thông” là sẽ có trật tự giao thông, cũng đúng nhưng chưa đủ; bất kỳ một cái nào dù nhỏ, như bảng hiệu, bảng tuyên truyền, câu khẩu hiệu…đập vào mắt người lái xe cũng đều khiến họ giảm tập trung khi tham gia giao thông và tai nạn có thể từ đó phát sinh.
Nghe đâu có dự án lập mấy chục nút chặn các ngõ vào Sài Gòn, thu tiền hạn chế xe vào nội đô để giảm kẹt xe, mỗi chiếc vài chục ngàn đồng. Sợ tốn tiền, người có xe hơi sẽ ít vào nội đô? Suy nghĩ nhầm lẫn; người đã có xe hơi mấy trăm triệu đồng, có xe hàng tỷ, tốn vài chục mà có thể hạn chế họ không chạy xe vào trung tâm thành phố?
Và tôi lặp lại, như một dòng sông, bất kỳ có cái gì lềnh bềnh trên nước, hay vật nhỏ như cỏ rác tràn ra bờ sông, dòng chảy sẽ chậm lại, ở đây sẽ là dòng xe cộ đô thị.
Dự án ấy không ai khuyên can vì họ không biết nó “lợi bất cập hại” (có tiền thu nhưng vẫn không hạn chế xe vào trung tâm TP)? Không, Sài Gòn là nơi có nhiều bộ óc thông thái, việc đó họ dư biết. Nhưng cũng như mọi vấn đề khác, kẻ biết thì không có quyền, kẻ có quyền thì không biết hay biết ít, hay có biết nhưng cố tình không biết, vì lợi ích cục bộ, điều đó đã hạn chế rất nhiều đóng góp sáng suốt cho quê hương, đất nước.
Khi nào có một lãnh đạo vừa có học (thật) như Lý Quang Diệu vừa có quyền hành, việc phát triển đô thị sẽ OK, sá chi chuyện giao thông, rồi văn hóa giao thông.