Friday, January 19, 2024

NHÂN SỰ

Tin tức cho biết vị nguyên thủ quốc gia vừa chủ trì nhân sự đại hội đảng 13 sắp tới. Nghe tin mà mừng, mong có vị tài đức xuất hiện, dắt dìu đất nước trả hết đống nợ, khẩu hiệu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trở thành hiện thực.

Là công dân…già hưu trí, tôi có mấy suy nghĩ về NHÂN SỰ, sâu xa đó là "HIỀN TÀI", "nguyên khí" của quốc gia. Rất dễ nhận thấy: lớp tiền bối cộng sản là những người rất xuất sắc. Thành thật công nhận, họ đã làm cho Pháp rồi Mỹ thất điên bát đảo vì họ. Pháp au revoir Việt Nam từ trận Điện Biên Phủ, sau đó thì Mỹ cũng goodbye Sài Gòn sau hiệp định Paris (đánh dấu rõ nét ngày 30.4.1975). Và cũng thật lòng, các thế hệ sau đó không sánh nổi tiền bối của họ.

Có một điều tréo ngoe, nhưng là một sự thật, những hiền tài cộng sản ấy, tất cả (tôi không nói hầu hết) đều trưởng thành thời Pháp thuộc hay được thực dân Pháp đào tạo. Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ... và cả vị chủ tịch đáng kính của họ là Hồ Chí Minh cũng vậy.

Thực dân thật ngu ngốc, nó đã đào tạo ra kẻ kết liễu số mạng của mình sau này.

Ngu hay khôn, không bàn, chỉ bàn vì sao nền giáo dục của thực dân sản sinh ra những hiền tài ấy?

Tôi thấy đó là: bình đẳng cơ hội học tập (giáo dục). Những ai ưu tú sẽ được đào tạo tốt qua học vấn, không hạn chế tuổi tác, thành phần xuất thân, nghèo giàu, ai cũng có thể trở thành “hiền tài” miễn phải thực sự tài năng. Nếu thực dân Pháp đưa ra ưu tiên đào tạo cho dân thuộc địa như phải lý lịch nọ kia, chắc chắn những hiền tài trên khó mà trở thành người lãnh đạo được dân chúng đánh đổ ngoại xâm, mang lại thống nhất cho nước nhà.

Ngoài những vị tham gia chính trị, Pháp cũng đã đào tạo những nhân tài trong các lĩnh vực khác: Văn chương thì có các nhà văn, nhà thơ thời tiền chiến. Luật pháp thì có Nguyễn Mạnh Tường, hai bằng tiến sĩ khi chỉ mới ngoài 23 tuổi. Triết học thì có triết gia Trần Đức Thảo. Sử thì có Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu. Khoa học kỹ thuật có Trần Đại Nghĩa. Y khoa có Tôn Thất Tùng, toán có giáo sư Hoàng Tụy, giáo dục có Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên…Tôi chỉ kể những gì tôi biết, nhưng chắc chắn còn nhiều người nữa được Pháp đào tạo.

Mấy chục năm từ 1945 đến nay, xã hội VN đã đào tạo được nhiều người tài năng như những vị “cộng sản tiền bối” kia hay không? Vì trình độ hạn chế và không được sống thời XHCN ở miền Bắc, tôi không rõ được những nhân vật “võ lâm cái thế” khác. Đặng Thái Sơn, Lê Bá Khánh Trình, Ngô Bảo Châu…không là những người cực kỳ xuất sắc sao? Vâng, họ thật xuất sắc nhưng không phải chỉ có giáo dục XHCN đào tạo họ mà còn cả giáo dục TBCN (nói cho lập trường là giáo dục của đế quốc). Ví dụ nhỏ về văn học, VN đã chịu những khổ đau của chiến tranh khốc liệt mấy chục năm, có một nhà văn nào cho ra đời một tác phẩm chỉ cần bằng phân nửa Chiến tranh và Hòa Bình hay Sông Đông êm đềm không?

Người Việt không phải là không có những tài năng, nếu chúng ta so sánh những người Việt “đồng bào” tài năng xuất chúng, trưởng thành hay được đào tạo trong môi trường giáo dục ở những nước tiên tiến trên thế giới, chúng ta gọi là “đế quốc”. Tôi không nhắc về quân sự như ở Mỹ có 5 vị tướng gốc Việt, về khoa học kỹ thuật thôi, ai cũng biết hai người phụ nữ, một là bà Dương Nguyệt Anh, nhà khoa học, chế tạo hàng chục loại vũ khí cho hải quân Hoa Kỳ, một là bà Giao Phan đang là người chỉ huy chế tạo hàng không mẫu hạm Mỹ, một loại sân bay, căn cứ quân sự trên biển, ngay cả Trung Quốc cũng tháo mồ hôi hột, chưa chế cái nào cho ra hồn. Những người thành công khác về mọi lĩnh vực ở nước Mỹ, nơi người Việt sinh sống nhiều nhất nước ngoài, tôi không biết hết và kể ra hết.

Tại sao người Việt nhưng lại có những người quá xuất sắc và có những người không xuất sắc?

Tôi không trả lời vì ai cũng có thể trả lời được. Tôi chỉ muốn lý giải theo khả năng mình. Lý do duy nhất, đó là: Người Việt trong nước ít có dịp, có quyền…cãi lại thầy, cô. Họ có quyền trên lý thuyết “học thì phải hỏi”, nhưng trong thực tế học sinh nào dám cãi lại thầy cô, xa hơn nữa, dám “chống” người dạy mình không? Chắc chắn là không. Bởi thầy cô được Nho giáo ngàn đời gắn cho “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, họ chỉ thua có vua, họ còn hơn cha mẹ. Quân-Sư-Phụ. Cãi thầy có mà muốn bị đuổi học à? "Chống lại vua" có mà “ủ tờ” à?

Không phải tôi cổ võ cho việc chống lại thầy cô nhưng tôi muốn hỏi: thầy cô có đúng 100%, giáo dục có tốt 100% hay không? Có phải ai ai cũng buộc răm rắp thụ huấn những điều được giảng dạy mà không ai dám biện cãi khi thấy có cái chưa đúng nhưng phải chấp nhận, “ai sao mình vậy”, nghe chứ không được cãi, thầy mà, cha mà, vua mà.

Nhưng nếu học sinh ai cũng cãi lại thầy cô, làm sao nền giáo dục được nề nếp?

Ở đây, tôi muốn nói đến, không phải cho phép học sinh cãi thầy, cấp dưới cãi cấp trên, người nhỏ cãi người lớn… Tôi muốn nói: sự tự do trong tư tưởng. Thầy cô phải chấp nhận học sinh được phép suy nghĩ “khác” và có thể "chống" suy nghĩ của mình. Những thầy cô, những người trên, những người lớn, có cho những người cãi lại mình, chống lại mình là vô lễ, là "phản động" không? Đó là vấn đề. Tự do tư tưởng là gốc của mọi tự do. Suy nghĩ một chiều, một hướng theo những nhà “tư tưởng vĩ đại” có phải là một triết lý phát triển xã hội không? Tại sao nhà tư tưởng vĩ đại đó lại không có nhà tư tưởng vĩ đại khác thay thế? Họ vĩ đại muôn năm hay sao?

“Con hơn cha là nhà có phước” chứ không phải “không bận áo quá đầu” là chân lý. Sự tuân phục máy móc, trên bảo dưới phải nghe, phục tùng tuyệt đối, như trong một đảng phái chính trị, đã góp phần hạn chế tài năng người Việt Nam mấy chục năm nay. Chế được chiếc trực thăng cũng phải xin phép để bay, thử hỏi ai muốn sáng tạo?

Tôi nghĩ rằng đất nước này sẽ cất cánh không phải bằng đi tắt đón đầu mà phải bằng giáo dục, ở đó tự do tư tưởng trong giáo dục phải là trên hết. Không có ai phải bị ghép tội nếu không cùng tư tưởng, hay chống đối tư tưởng, ngay cả với giới cầm quyền, người nắm số mệnh của nền giáo dục quốc gia.

Khi đã có tự do tư tưởng thì mọi cái tự do khác sẽ có theo. Người Việt Nam không phải vất vả rất nhiều, mỗi 5 năm phải lao tâm khổ tứ kiếm tìm người dẫn dắt, lãnh đạo nhân dân. Người Việt Nam nổi tiếng thông minh, không lẽ kém sút đến nỗi mấy chục năm cật lực làm ăn, không dành dụm nổi một ít tiền làm vốn, để mỗi cái mỗi trông chờ ODA, trông chờ vào FDI như Samsung, Toyota, hay tệ hơn, trông chờ về phương Bắc, tin tưởng vào cái ông hàng xóm đang xâm phạm nhà mình?

Giáo dục phải là quốc sách và tự do tư tưởng phải là hồn của giáo dục. Cũng không vô ích khi nhắc lại lời chí sĩ Phan Châu Trinh một lần nữa: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.