Wednesday, January 17, 2024

ĐƯỜNG LƯỠI BÒ VÀ Ý THỨC CÔNG DÂN.

Giáo trình giảng dạy sinh viên mấy năm nay mới phát hiện "đường lưỡi bò" nhờ sinh viên. Đường lưỡi bò là một thách thức chủ quyền lớn nhất đối với Việt Nam. Nếu nó thành pháp lý, nghĩa là ra vào bờ biển VN phải được phép TQ, VN sẽ không còn là Việt Nam. Phim, xe hơi, nay đến sách giáo khoa.

Vì sao công dân VN, nhất là người làm giáo dục, đào tạo hạt giống tương lai, lại hờ hững với chủ quyền đất nước, đường lưỡi bò nằm ngang nhiên trong sách giáo khoa? Họ có biết thủ tướng và nội các Nhật ghé thăm ngôi đền thờ các vị tiên liệt ngay trong đất nước, lại bị Trung Quốc kịch liệt lên án, vì trong đó có thờ cả những tướng lĩnh từng dẫn quân xâm lược nước họ. Vào viếng đền là quyền của người Nhật, tại sao người TQ phản đối?

Người Việt Nam (không phải tất cả) in sách dịch ca ngợi "Đặng Tiểu Bình, một trí tuệ siêu việt", trong khi mấy chục ngàn đồng bào, chiến sĩ VN, bị chết dưới bàn tay đẫm máu của ông ta năm 1979.

Đường lưỡi bò còn, chủ quyền VN sẽ bị đe dọa. Vậy mà cái đường khốn nạn đó lại nằm chình ình trong sách giáo khoa giảng dạy cho sinh viên. Ý thức chủ quyền nhạt nhòa có thể có mấy nguyên nhân.

Trung Quốc là người vẽ ra đường lưỡi bò cướp biển, tòa quốc tế phán quyết bác bỏ, nhưng người Việt lại không được cảnh giác đúng mức, nghiêm túc. Thậm chí TQ cho tàu xâm phạm lãnh hải, ngay một tướng lĩnh cũng không dám gọi đích danh, ngoài " tàu nước ngoài". Trước đây những người xuống đường phản đối đường lưỡi bò, những thanh niên mặc áo thun No-U, đều bị gây khó dễ, thậm chí có người bị bắt nhốt. Trong những cuộc xuống đường phản đối TQ bành trướng, có người phải tù tội vì thể hiện, đôi lúc sôi bỏng lòng yêu nước quá khích.

Chúng ta không chống Trung Quốc (có chống cũng không nổi) nhưng chúng ta phải chống hành động của họ xâm phạm chủ quyền quốc gia. Người Việt Nam nguội lạnh lòng ái quốc rồi sao? Không phải. Họ yêu nước nhưng lòng yêu nước ấy phải được "dẫn dắt". Yêu nước "quá mức", "quá đà", "chệch định hướng" có khi sẽ mang lại bất an bản thân người thể hiện tình cảm thiêng liêng ấy. Lòng yêu nước như dòng máu của mỗi người Việt Nam; lòng yêu nước đã được hun đúc cả ngàn đời; lòng yêu nước nồng nàn bùng lên khi tổ quốc bị đe dọa xâm lăng.

Có phải cho đến bây giờ khi kỷ luật người trách nhiệm nhập phim, xử lý xe hơi, thu hồi sách giáo khoa, tất cả có "đường lưỡi bò", thì lòng yêu nước mới được phép thể hiện, mới được nhắc đến? Đây chính là nỗi lo rất lớn cho tinh thần ái quốc của người Việt khi đất nước đang đối mặt nguy cơ chủ quyền bị đe dọa.