Lời người dịch: “Thương người thương cả lối đi/ Ghét người ghét cả tông ty họ hàng” (ca dao).
Đánh đấm buôn bán với chú Sam, anh cả Tập hô hào cả nước chuẩn bị “cuộc trường chinh”. Lại hô hào luôn cả châu Á “vào cuộc” chống Mỹ, làm như châu lục này là chư hầu không bằng. Kết cuộc thương chiến : Mỹ sẽ thắng, không phải đánh sập nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, mà thắng trên thương thuyết, không để con cháu anh cả Tập lấn lướt, thoải mái ăn cắp công nghệ như trước. Chú Sam ngu ngắn lắm! Hổng có ngu lâu, đâu. Tôi dự đoán Mỹ thắng không phải hơn một tỷ dân TQ không đứng “chung một bóng cờ” chống Mỹ. Mỹ thắng nhờ họ có những công dân có thái độ khẳng khái chống tổng thống Trump trong cuộc thương chiến đang diễn ra. Sự khác biệt giữa toàn trị và dân chủ nằm ở chỗ: có nhiều ý kiến khác biệt cho mọi vấn đề nhưng tựu chung cái tốt, cái xấu được phân tích thấu đáo, không bao giờ có chuyện “cả vú lấp miệng em”. Mỹ sẽ thắng trong cuộc thương chiến này nhờ những lời “nghịch nhĩ” như tác giả bài viết, Jeffrey Sachs, giáo sư và là giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững ở đại học Columbia, Hoa Kỳ (bài đăng trên CNN sáng nay). Cũng có những người Mỹ lo lắng cho nước họ, trong khi ở Việt Nam có người mừng rỡ khi thấy Mỹ Trung so găng đánh đấm, những con cưng kinh tế TQ sẽ té ngửa nay mai."Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết",ông bà ta đúc kết rất gọn nếu có chiến tranh xảy ra giữa hai ông Kẹ này.
(China is not the source of our economic problems – corporate greed is)
Trung Quốc không phải là kẻ thù. Họ là một quốc gia đang nỗ lực nâng cao mức sống qua con đường giáo dục, buôn bán quốc tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, và nâng cao công nghệ.
Tóm lại, họ đang thực hiện như bất cứ nước nào cũng muốn khi phải đối đầu với thực tế lịch sử nghèo nàn, lạc hậu hơn những nước hùng mạnh khác.
Nhưng chính quyền Trump lại đang nhắm tới việc ngăn chặn sự phát triển của TQ, đó có thể là thảm hoạ cho cả Hoa Kỳ và toàn thế giới.
TQ đang là con dê tế thần cho những bất công đang gia tăng ở Hoa Kỳ.
Trong lúc giao thương Mỹ với TQ đang có lợi cho cả hai bên qua nhiều năm, một số công nhân Mỹ đã bị bỏ lại phía sau, nhất là những công nhân hãng xưởng miền Trung tây, đang đối mặt sự cạnh tranh do năng suất tăng và giá nhân công rẻ (dù hiện đang tăng) ở Trung Quốc.
Thay vì qui tội TQ, một hiện tượng bình thường của sự cạnh tranh trên thị trường, chúng ta nên đánh thuế lợi nhuận doanh nghiệp ngút ngàn của những công ty đa quốc gia của chính chúng ta và sử dụng doanh thu đó trợ giúp những gia đình thuộc thành phần lao động, xây dựng lại cơ sở hạ tầng rách nát, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp mới và đầu tư vào những ngành kỹ thuật, khoa học mũi nhọn.
Chúng ta nên hiểu rằng TQ chỉ muốn tìm lại thời đại đã mất sau quãng thời gia dài tụt hậu về địa chính trị và những thất bại kinh tế liên quan.
Đây là bối cảnh lịch sử quan trọng hữu ích để hiểu được sự phát triển kinh tế TQ trong 40 năm qua.
Năm 1839, Anh tấn công Trung Hoa bởi vì họ từ chối cho các nhà buôn người Anh tiếp tục bán cho dân Tàu chất nghiện nha phiến. Anh quốc thắng, rồi nỗi nhục thất trận của Trung Hoa trong Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, kết thúc năm 1842, đóng góp một phần vào một cuộc nổi dậy của quần chúng chống lại triều đình nhà Thanh, gọi là cuộc Nổi loạn của Thái bình thiên quốc, kết thúc gây ra cái chết hơn 20 triệu người.
Cuộc Chiến tranh nha phiến lần hai chống Anh và Pháp cuối cùng dẫn đến sự xói mòn sức mạnh và ổn định nội tình Trung Hoa. Vào cuối thế kỷ thứ 19, TH thua trận một quốc gia mới công nghiệp hoá là Nhật Bản, và phải bị chấp nhận lép vế tuân thủ những yêu cầu của châu Âu và Hoa Kỳ về vấn đề buôn bán.
Những nỗi ô nhục này dẫn đến một cuộc nổi loạn nữa, tiếp theo là sự thất bại khác dưới tay của các cường quốc.
Triều đình nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911, sau khi TH nhanh chóng bị xâu xé bởi các lãnh chúa, xung đột nội bộ, và sự xâm lăng của Nhật bắt đầu năm 1931.
Chấm dứt đệ nhị thế chiến được tiếp theo bằng cuộc nội chiến, sự ra đời của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1949 và rồi là các cuộc trỗi dậy của chủ nghĩa Mao, bao gồm cả hàng triệu cái chết vì đói trong Đại nhảy vọt, chấm hết vào đầu những năm 1960 và rối loạn quần chúng trong Cách mạng văn hoá, những di hại của nó kéo dài tận năm 1977.
Phát triển nhanh chóng của TQ theo kinh tế thị trường, do đó, chỉ bắt đầu từ năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình nắm quyền và phát động cuộc cải cách kinh tế rộng khắp.
Trong lúc TQ chứng kiến sự lớn mạnh thần kỳ trong 4 thập kỷ qua, di sản quá khứ của hơn một thế kỷ nghèo đói, bất ổn, bị xâm lược, và những mối đe dọa từ nước ngoài vẫn lảng vảng xa xa.
Những nhà lãnh đạo TQ muốn mọi thứ phải trở lại công bằng lần này, và điều đó có nghĩa là họ không muốn cúi đầu trước Hoa Kỳ hay các cường quốc phương Tây một lần nữa.
TQ bây giờ là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, khi GDP được định lượng theo giá thị trường.
Tuy nhiên, đó là một quốc gia vẫn đang trong quá trình vươn lên khỏi đói nghèo.
Năm 1980, theo tài liệu của IMF, quỹ tiền tệ quốc tế, GDP đầu người của TQ chỉ bằng 2,5% của Hoa Kỳ, và năm 2018, mới đạt mức 15,3 % so với Mỹ.
Khi GDP được xem xét theo thuật ngữ so sánh sức mua, bằng cách sử dụng cái thông lệ giá cả quốc tế áp dụng cho các nước, phúc lợi đầu người TQ chỉ cao hơn 1 chút ở mức bằng 28,9% của Hoa Kỳ.
TQ theo đuổi đại khái chiến lược phát triển tương tự các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và Singapore trước đó.
Dưới góc nhìn kinh tế, TQ không làm cái gì đặc biệt khác người đối với một quốc gia đang muốn bắt kịp các nước.
Sự e ngại liên tục của Hoa Kỳ rằng TQ ăn cắp công nghệ Mỹ là quá sức đơn giản.
Những quốc gia đang đi sau nâng cao công nghệ của họ theo nhiều cách, qua nghiên cứu, bắt chước, mua lại, sáp nhập, đầu tư nước ngoài, sử dụng diện rộng phát minh ngoài bản quyền, và, vâng, cả sự sao chép.
Với những công nghệ ngày càng thay đổi chóng mặt, luôn luôn có những mặt trận chạy đua sở hữu trí tuệ.
Điều đó càng đúng ngay trong các công ty Mỹ hiện nay – loại cạnh tranh này đơn giản là một phần trong hệ thống kinh tế thế giới.
Các nhà dẫn đầu công nghệ biết rõ họ không thể dựa vào sự dẫn đầu của mình bằng cách bảo hộ, nhưng là bằng cách tiếp tục phát minh .
Hoa Kỳ không ngừng áp dụng kỹ thuật Anh quốc trong thời gian đầu thế kỷ 19. Và khi một nước muốn thu hẹp khoảng cách kỹ thuật, họ phải chiêu mộ chất xám từ nước ngoài. Chương trình tên lửa Mỹ, nay rất tiếng tăm, đã được xây dựng nhờ sự giúp đỡ của những nhà khoa học tên lửa cũ cựu của Phát xít Đức, tuyển mộ đến Hoa Kỳ sau thế chiến hai.
Nếu TQ là một nước châu Á ít dân, như Nam Hàn chẳng hạn, với hơn 50 triệu người, họ đơn giản sẽ được Hoa Kỳ ca ngợi như là một câu chuyện thành công về sự phát triển to lớn- mà đúng nó là như thế.
Nhưng vì lớn quá, TQ bác bỏ khẳng định dẫn dắt thế giới của Mỹ. Sau cùng, HK chỉ chiếm 4,2 % dân số thế giới, ít hơn ¼ dân số TQ.
Sự thật là cả hai không phải đang ở vị trí thống lĩnh thế giới ngày nay, khi kỹ thuật và công nghệ đang lan rộng nhanh chóng khắp trái đất hơn bao giờ hết.
Giao thương với TQ sẽ cung ứng Hoa Kỳ hàng hoá tiêu dùng giá rẻ và những sản phẩm ngày càng có chất lượng cao.
Nó cũng gây ra cảnh mất việc làm trong những ngành như chế tạo đang cạnh tranh trực tiếp với TQ.
Đó là cách giao thương vận hành thông thường.
Lên án TQ không công bình trong chuyện này là sai lầm – biết bao nhiêu công ty Mỹ đã gặt hái lợi nhuận trong chế tạo ở TQ hoặc xuất khẩu hàng hoá tại đó. Người tiêu dùng Hoa Kỳ có mức sống cao nhờ vào kết quả sử dụng hàng hoá TQ giá rẻ.
Hoa Kỳ và Trung Quốc nên tiếp tục đàm phán và triển khai những luật lệ cải tiến giao thương song phương hay đa phương, thay vì đổ lửa vào chiến tranh thương mại với những đe doạ một phía và lên án nhau quá mức.
Một bài học cơ bản nhất của lý thuyết, thực hành, và chính sách giao thương là không ngăn trở giao thương – ngăn trở dẫn đến mức sống xuống thấp, khủng hoảng và xung đột kinh tế.
Thay vì thế, chúng ta nên chia sẻ phúc lợi tăng trưởng kinh tế để kẻ được bù đắp cho người mất.
Tuy nhiên, dưới chủ nghĩa tư bản Mỹ, từ lâu xa rời tinh thần hợp tác của thời đại Kinh tế mới (New Deal era, giúp Hoa Kỳ ra khỏi suy trầm kinh tế 1929-1933 của tổng thống Franklin Roosevelt- chú thích của ND), những người thành công ngày nay thẳng thừng từ chối chia sẻ thành công của mình cho người khác.
Kết quả của thiếu vắng chia sẻ, nền chính trị Hoa Kỳ đầy rẫy những xung đột về giao thương.
Lòng tham hoàn toàn chi phối những chính sách của Hoa Kỳ.
Cuộc đấu tranh thực sự không phải với Trung Quốc mà là với những công ty khổng lồ của chính nước Mỹ, biết bao trong số họ chỉ lo làm giàu (raking in fortunes) mà không trả cho ngay những lao động của chính mình một đồng lương tử tế.
Những ông chủ doanh nghiệp Mỹ, những tập đoàn khổng lồ và chi nhánh nước ngoài mong cầu cắt giảm thuế - bằng mọi cách để có lợi nhuận lớn hơn – trong khi từ chối bất cứ chính sách nào giúp xã hội Mỹ công bằng hơn.
Trump đang đánh TQ, vẫn cứ tin rằng họ một lần nữa sẽ cúi đầu khuất phục trước một sức mạnh phương Tây. Cố ý đè bẹp những công ty làm ăn thành công như Huawei bằng cách tức thì và đơn phương thay đổi luật lệ giao thương quốc tế.
Trung Quốc tôn trọng luật chơi của phương Tây trong 40 năm qua, dần dần bắt kịp con đường mà những đồng minh châu Á của Mỹ đã đi trong quá khứ.
Giờ thì Hoa Kỳ đang kéo tấm thảm ra khỏi chân Trung Quốc bằng cách phát động một cuộc Chiến tranh lạnh mới.
Trừ phi sự khôn ngoan hơn ngự trị, còn không chúng ta có thể quay đầu đối nghịch với TQ, trước là kinh tế, sau là địa chính trị và quân sự, với thảm hoạ toàn diện cho tất cả.
Chẳng ai thắng trong một cuộc xung đột như thế.
Tuy nhiên đó lại là sự thiển cận và hủ bại thâm căn của nền chính trị Hoa Kỳ (the profound shallowness and corruption of US politics ) buộc chúng ta phải đi con đường đó.
Chiến tranh thương mại với TQ không giải quyết vấn đề kinh tế của chúng ta.
Trái lại, chúng ta cần những giải pháp trong nước: chăm lo y tế cho nhiều người, trường học tốt hơn, cơ sở hạ tầng hiện đại, mức lương tối thiểu nâng lên, và phải dẹp ngay lòng tham vô độ của các doanh nghiệp.
Như thế, chúng ta cũng rút ra bài học có lợi nhiều hơn qua hợp tác với TQ hơn là kích động bất công và nguy hiểm.