(Trump Is Beijing’s Best Asset)
Các quan chức TQ mong muốn tổng thống Mỹ tái đắc cử - bởi ông ta quá yếu.
Trong nhiều chủ đề thời tổng thống Donald Trump, các chính sách gây tranh cãi của ông về Trung Quốc là rõ rệt nhất. Các chuyên gia chính sách ngoại giao lưu ý rằng gần như 3 năm cầm quyền, chưa từng có sự đồng thuận bền bỉ giữa 2 đảng về chuyển dịch đối với TQ sâu sắc hơn, nhanh chóng hơn, bất kỳ thời gian nào trong lịch sử, dẫn đến sự xuống cấp nhanh chóng và đầy kịch tính về một trong các mối bang giao song phương (Trung Mỹ) có tác động to lớn nhất.
Dù có thống nhất lớn về sự cần thiết cho Hoa Kỳ cần có bước đi cứng rắn hơn đối với TQ, đường hướng thiếu kiên định của chính quyền hiện nay dẫn đến nhiều chỉ trích từ cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ. Trump theo đuổi một cuộc chiến thương mại tốn kém chống Bắc Kinh, ngăn cấm Mỹ không xài 5G của Huawei, và mới đây, hạn chế visa nhập cảnh đối với những quan chức đảng cộng sản dính dáng đến việc bỏ tù hàng triệu người Hồi giáo không qua xét xử ở Tân Cương. Ông tự quảng bá mình là tổng thống Mỹ đầu tiên cứng rắn với TQ.
Nhưng đối với TQ, những yếu kém của Trump quan trọng hơn thói hùng hùng hổ hổ của ông ta (bluster). Trong những buổi đàm thoại chốn riêng tư với các quan chức chính phủ và học giả TQ, chúng tôi thấy số đông họ ngày càng hy vọng cho Trump tái cử năm tới. Ở một thời điểm ảnh hưởng chính trị và năng lực quân sự đang lớn mạnh của TQ, họ lập luận rằng, mặc cho thái độ hùng hổ chống TQ, Trump đã tạo cho Bắc Kinh một không gian mở rộng tầm ảnh hưởng của họ ở châu Á và điều quan trọng hơn, ông đã làm suy yếu toàn diện vai trò dẫn đầu thế giới của Hoa Kỳ. Từ quan điểm “kẻ được người mất”, nhiều người TQ kết luận những chính sách của Trump rất có ích cho TQ xét về mặt chiến lược, về lâu về dài.
Các nhà tư tưởng này tin rằng chỉ chăm chăm nền chính trị quốc nội, hủy hoại lòng tin quốc tế và sự dẫn dắt thế giới theo truyền thống, phá vỡ những cam kết đồng minh lâu dài, Trump đã hiến cho Bắc Kinh một cơ hội chiến lược cực kỳ to lớn kể từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, như Tân Xương Thành, một chiến lược gia hàng đầu của TQ đã nói.
Những tư tưởng gia này coi Trump là “miệng hùm gan sứa” (tôi dịch cho nhẹ hơn, câu “chó sủa là chó không cắn” - Trump as a dog with a big bark but little bite). Ông thử sự kiên nhẫn của Bắc Kinh khi chấp nhận cuộc điện thoại với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, trong bối cảnh có thể vi phạm chủ trương “Một Trung Quốc”, ngay sau ông đắc cử 2016.Trump công khai nêu câu hỏi liệu ông có tôn trọng chủ trương đó không trước khi ra tuyên bố, nhưng ông ta cũng nói mình muốn “trắc nghiệm” chủ tịch Tập Cận Bình, trước khi có thêm một cuộc gọi với bà Thái Anh Văn. Dù chính quyền Mỹ bật đèn xanh bán vũ khí cho Đài Loan, liệu Trump có sát cánh với Đài Bắc hay không một khi bị tấn công vẫn còn là hồ nghi, đặc biệt với thái độ ham tiền của ông đối với sức mạnh quân đội Hoa Kỳ.
Bắc kinh thực sự hưởng lợi nhờ nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Dù tiến hành các cuộc tranh chấp thương mại với Ấn Độ và Cộng đồng chung châu Âu, cũng như TQ, chính quyền Trump hầu như từ bỏ sử dụng các tòa án của tổ chức WTO, xét xử những khiếu kiện thương mại và đã ngăn việc bổ nhiệm nhân sự vào Cơ quan kháng cáo của tổ chức này. Những hành động như vậy không những gây trở ngại hệ thống dàn xếp tranh chấp thương mại mà còn khiến khích các nước khác không tuân thủ luật pháp quốc tế.
Khi không làm hại các định chế và cơ chế quản trị thế giới từng đưa Hoa Kỳ lên siêu cường siêu việt của thế giới, ác cảm của Trump đối với các thỏa thuận thương mại như TPP đã đem lại TQ một khoảng mở. Trong khi Trump cắt bỏ những ký kết hợp tác thương mại quan trọng cốt lõi đối với chính sách kinh tế toàn cầu của Hoa Kỳ thì Bắc Kinh đang trong những giai đoạn cuối thương thảo gia nhập khối Hợp tác kinh tế toàn diện và tiến bộ khu vực, một ký kết gắn chặt TQ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Tân Tây Lan, và 10 nước trong Asean thành một khối thương mại lớn nhất thế giới. Nếu thỏa thuận này được phê chuẩn, Hoa Kỳ sẽ bị gạt ra khỏi hai ký kết tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, cái kia là hiệp ước Hợp tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình dương, được thương thảo giữa 11 nước trước đây của TPP (lúc đó có Mỹ nữa là 12 nước; Trump tuyên bố rút khỏi như lời hứa khi tranh cử 1 ngày sau nhậm chức – ND). Điều này như thêm một sỉ nhục cho sự thương tổn (This would add insult to injury) khi TQ giao thương với các nền kinh tế lớn của châu Á nhiều hơn Hoa Kỳ.
Từ bỏ khỏi vị trí dẫn đầu của Hoa Kỳ trong các định chế quốc tế cung cấp cho TQ một chỗ đứng, để họ đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc quản trị toàn cầu và trong việc thiết lập quy tắc, luật lệ thế giới. Bắc Kinh thu hút sự chú ý, khẳng định vai trò của mình ở Liên Hiệp Quốc và đưa những khiếu kiện liên quan chiến tranh thương mại lên WTO, cùng lúc với việc xiểng dương quỹ Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á như để thay thế Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế. Mặc cho Bắc Kinh đang biến “Sáng kiến một vành đai, một con đường” thành một kế hoạch tiên phong không ai sánh bằng thì chính quyền Trump cũng chưa có được một chọn lựa thay thế nào có tính khả thi.
Các tổng thống Mỹ tiền nhiệm đều nhận thấy rằng Hoa Kỳ tạo được sức mạnh nhờ kề vai sát cánh với các đối tác, chia sẻ những giá trị, lịch sử, có cùng nhận thức mục tiêu. Điều này không còn trong cách ứng xử với Châu Á- Thái Bình dương nữa. Giám đốc cao cấp châu Á vụ, trong Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời tổng thống George W. Bush, ông Michael Green mới đây phát biểu trong buổi điều trần ở quốc hội: “Không có đồng minh, chúng ta không có chiến lược về TQ”.
Nhưng Trump thực hiện bước đi hoàn toàn khác, những lời hoa mỹ, những hành động, và những quyết định của ông khiến các quốc gia tự hỏi, không biết họ có nên tin cậy vào Hoa Kỳ hay không. Trump bỏ rơi người Kurds, một đối tác lâu năm ở Trung Đông, đặt lại vấn đề về những cam kết với khối NATO; và đã để mặc mạng lưới đồng minh Đông Nam Á trước thế chiến của người Mỹ đứt nát.
TQ đang vươn rộng ra thì Nam Hàn và Nhật Bản, những đồng minh của Mỹ từng hình thành cột sống cho chiến lược an ninh Bắc Á của quân đội Mỹ trong 70 năm, lại bị mắc kẹt trong tranh cãi cay đắng, khiến họ từng phần trì hoãn quan hệ mậu dịch của mình với Mỹ. Chính quyền Trump hầu như bất cần tranh cãi, biểu thị rất ít hiểu biết tầm quan trọng của những đối tác khu vực này. Gạt qua những bất đồng lâu dài trong lịch sử với Tokyo và Seoul, Bắc Kinh hiện nay đang tiến bước và đề xuất giúp đỡ giải quyết tranh cãi đó, nhấn mạnh vai trò thiếu vắng dẫn đầu của Hoa Kỳ đối với vấn đề.
Thiếu kỹ năng ngoại giao của chính quyền Trump cũng thấy rất rõ ở Đông Nam Á, điển hình như Philippines, một đồng minh của Mỹ, chuyển hướng về Bắc Kinh trong những năm gần đây. Tổng thống Phi, Rodrigo Duterte, năm lần thăm TQ và chẳng lần nào tới Hoa Kỳ khi nhậm chức từ năm 2016. Trong một màn trình diễn quá khéo léo cho liên kết chiến lược của Duterte, Philippines sử dụng tiền của TQ xây mới một thành phố trên vùng đất, trước đây là phần của căn cứ không quân Clark, một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ thành lập trong chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha. Những tiến triển này diễn ra khi Bắc Kinh tiếp tục tản lờ phán quyết của Liên Hiệp Quốc có lợi cho Philippines trong tranh chấp biển Đông, chứng tỏ quan hệ giữa Washington và Manila đã giảm sút cỡ nào.
Như về thương chiến, một ký kết nhỏ được thổi phồng quá lớn, bao gồm những thỏa thuận về việc mua nông sản và loại bỏ thuế quan tương lai, chả đạt cái gì theo mục tiêu ban đầu của Trump, như buộc Bắc Kinh chấp nhận những cải cách kinh tế cấu trúc cực kỳ quan trọng, giúp thiết lập quan hệ mậu dịch cân bằng với TQ về lâu về dài.
Thay vì cản ngăn vấn đề trợ cấp (doanh nghiệp) của TQ và hoàn thiện việc bảo hộ bản quyền trí tuệ, ký kết đa phần chỉ giúp Trump vơi đi áp lực chính trị ở những tiểu bang nông nghiệp trong lúc ông ta tiến vào mùa tranh cử tổng thống. Đây là một phần trong cái kiểu Trump đặt ra mục tiêu cao, khoe khoang mình sẽ đạt được, rồi sau đó chẳng làm nên cơm cháo gì. Cam kết sơ khởi rõ ràng được hoan nghênh ở TQ, như là một thắng lợi cho Tập Cận Bình, và nó cho thấy tính khí bất nhất của Trump có thể chịu được nếu không nói là chẳng kiểm soát được. Những người TQ sẽ thấy sự chấp nhận một ký kết “xuống nước” (watered-down) của Trump, bao gồm những thứ TQ hứa mua đã nằm trên bàn thương lượng hơn một năm nay, là dấu hiệu thế yếu trong khi Trump đang đối mặt nguy cơ bị luận tội và một chiến dịch tranh cử chằn ăn trăn quấn khác (another grueling campaign).
Dù giới lãnh đạo TQ chắc chắn thấy Trump gây khó chịu cá nhân, sự việc ông ta chủ yếu nhìn mối quan hệ Mỹ-Trung qua lăng kính buôn bán, đã hạn chế mối giao hảo trở nên xấu hơn, theo một vài học giả chúng tôi có dịp nói chuyện. Trump phản ứng lại những đề xuất chủ trương khiêu khích và táo bạo hơn của các cố vấn trong khi hạ thấp các cố vấn khác, như là về các cấm vận Tân Cương mới đây, vấn đề mà nhiều dân biểu quốc hội muốn áp dụng thêm điều luật nhân quyền Magnitsky. Ngược lại, một vài ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ, nổi nhất là Elizabeth Warren, kêu gọi cần có thái độ cứng rắn hơn về các vấn đề liên quan tới TQ, bao gồm Hồng Kông và nhân quyền
Một tổng thống Hoa Kỳ khác có thể, và có lẽ, đã áp dụng đối sách cứng rắn hơn về vấn đề nhân quyền và sử dụng tiềm năng to lớn của các bộ ngành chính phủ Mỹ, vận hành và thực hiện phương thức mới mẻ, luôn theo kịp tình hình đối với TQ. Trong lúc quan hệ song phương trở nên ngày càng đối chấp, nhiều người TQ nghĩ rằng thêm bốn năm nữa Trump sẽ làm suy yếu chỗ đứng Hoa Kỳ trên thế giới, có thể cho Bắc Kinh một chỗ đứng để củng cố những thành tựu quốc tế của họ và đón mừng một tân tổng thống Mỹ vào năm 2025 từ một vị trí chiến lược thuận lợi hơn nữa.
Nói cho rõ, không phải mọi học giả hay quan chức chúng tôi trao đổi đều muốn Trump làm tổng thống thêm bốn năm. Một số, như giáo sư đại học quan hệ quốc tế Gia Huy, lập luận rằng tác hại do Trump gây ra cho cả lợi ích của TQ lẫn Hoa Kỳ có thể dẫn đến kết quả một trật tự quốc tế tổn hại sâu sắc và làm phức tạp thêm sự trỗi dậy tiếp tục của TQ.
Nhưng những ai hy vọng cho nhiệm kỳ thứ hai sẽ thấy một cơ hội chiến lược chưa từng có cho TQ với sự phá hủy của Trump đối với những gì họ coi như những trụ cột chính cho sức mạnh Mỹ. Phá hỏng những ưu thế chính trị trong nước, hủy hoại danh dự và uy tín Hoa Kỳ ngoài nước, đảo lộn cấu trúc đồng minh vững chắc từ trước ở châu Á-Thái Bình dương, Trump đang làm suy yếu nước Mỹ. Như thế, ông đang hiến tặng cho TQ một cơ hội nắm lấy những ưu thế địa chính trị trọng yếu và tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho TQ nâng cao những lợi ích của riêng mình..
PAUL HAENLE, SAM BRESNICK đăng trên Foreign Policy ngày 15/10/2019.
Nguyễn Long Chiến dịch.
Paul Haenle hiện giữ chức giám đốc kiêm chủ nhiệm Maurice R. Greenberg, Trung tâm nghiên cứu Carnegie-Thanh Hoa. Ông từng phục vụ tổng thống George W. Bush và Barack Obama với chức vụ giám đốc Trung Quốc vụ thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ.