Một bạn facebook trẻ, có học, Vien Huynh nhận xét "người Việt hời hợt" với cả cuốn sách cùng tên. Bạn lo sợ bị ném đá, và thật sự như vậy, nhưng thuốc đắng đả tật. Biết bệnh thì mới chữa được bệnh.
Hời hợt là đặc tính của người Việt nhưng nó còn thể hiện tầm nhìn của mình. Hai hình bên dưới nói về 2 việc: bóng đèn hỏng vứt đầy suối, mừng rỡ xây mới một nhà tạm giữ (nhà tù ngắn hạn).
Mảnh vỡ từ bóng đèn là hiểm họa cho chính người nông dân. Mừng có thêm nhà tù là nỗi buồn xã hội bất an, trong khi Hà Lan không bất an hơn khi tuyên bố đóng cửa nhà tù. Hai việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn: tầm nhìn người Việt.
Không hẳn bây giờ tầm nhìn mới "không xa", xưa đã có. Ngoài việc ngoan cường chống trả ngoại xâm, người Việt xưa không có gì khác để lại cho hậu thế những công trình, những phát minh, về tư tưởng như một triết thuyết hay một chủ nghĩa làm thay đổi xã hội của mình chớ chưa nói thế giới.
Mô hình, từ vật chất đến tinh thần, của một Trung Hoa gần như được rập khuôn ở Việt Nam. Ảnh hưởng của Nho giáo vào văn hóa VN sâu xa đến độ những lời nói của vị "giáo chủ" Khổng Tử và những đệ tử theo ông là khuôn vàng, thước ngọc.
Sinh hoạt văn hóa và truyền thống như Tết nguyên đán, tết đoan ngọ, trung thu, cúng kiến, cưới hỏi, chôn cất, coi tướng, số mạng, ngày giờ xấu tốt...tất tần tật, Tàu không khác Ta. Những điển tích văn học, ngay cả trong tác phẩm hàng đầu của VN là truyện Kiều, đều trích dẫn từ văn hóa, văn học Trung Hoa. Và cũng không ngạc nhiên, các vị tiến sĩ đáng kính, tên được khắc ở bia đá tại Hà Nội, hầu hết đều không biết làm toán chia, ngoài tài thi phú, làu thông kinh sách Tàu.
Học để ra làm quan, không phải học để ra giúp nước. Học để vinh quy bái tổ, võng anh đi trước võng nàng theo sau, học để làm rạng rỡ dòng họ tông môn. Học không phải để mở mang trí tuệ, nhận biết đời sống, hoạch định tương lai. Người Việt, tư chất, trí tuệ không trác việt? Không hẳn. Lịch sử có rất nhiều nhân vật thông thái. Nhưng những cái thông thái ấy không lan tỏa, không giúp cho quần chúng thông thái theo. Lý do đơn giản: cá nhân không được coi trọng.
Cá nhân ấy phải ngoan ngoãn; là con trong nhà thì "gọi dạ, bảo vâng"; nếu ở trường học thì " vâng lời, lễ phép"; ở xã hội thì " trên bảo dưới phải nghe". Toàn là những "tư tưởng" thụ động. Xã hội cần trật tự như thế là đúng cho xã hội ổn định. Nhưng vì ổn định mà bắt mọi cá nhân phải răm rắp, liệu ổn định ấy có đáng không? Ổn định xã hội nói cho rốt ráo, cần những cá nhân nổi trội, cần thách thức lại cái khuôn phép đặt để từ quá khứ, đời ông, đời cha, chí đời con, đời cháu. Thách thức đây không phải khuyến khích nổi loạn, cách mạng, phá vỡ hay đánh đổ quá khứ. Thách thức ở đây là thách thức tư tưởng khác, tức "tự do tư tưởng".
Không có một triết thuyết, một chủ nghĩa nào là triết thuyết, chủ nghĩa độc tôn, vô địch, soi dẫn duy nhất cho nhân loại mà không bị thách thức. Nói đến thông tuệ, hấp dẫn loài người nhất, về tôn giáo, chỉ có Phật giáo. Einstein, một trong những trí tuệ hàng đầu nhân loại từ cổ chí kim về khoa học, từng nói đại ý: nếu phải theo một tôn giáo nào, tôi chọn Phật giáo. "Nếu phải theo" có nghĩa là ông không theo, nói lên tích độc lập trong tư duy, suy nghĩ của một bộ óc thông thái. Không phải ai ai cũng có trí tuệ như ông nhưng ai ai cũng có trí tuệ, và ai ai cũng giống ông ở chỗ "tự do tư tưởng" nếu muốn tiến bước trong thế giới này.
Nhưng khốn nỗi, tự do tư tưởng là một điều "nguy hiểm" ở VN, không phải chỉ trong chế độ toàn trị hay cộng sản. Từ xưa nó đã nguy hiểm rồi. Chuyện nhỏ như "phạm húy", tức phạm vào những chữ cấm nói tới nhà vua, một người tài năng cũng bị đánh hỏng trong thi cử, chưa kể phạm nặng, hay cố ý, có thể bị chém đầu. Tự do tín ngưỡng, tư tưởng bộ phận dân chúng khác tư tưởng triều đình "thờ ông bà", nhiều giáo dân công giáo bị giết hại dã man dưới thời Minh Mạng,Tự Đức, và những người ở làng theo đạo bị các nhà cách mạng yêu nước trong phong trào Văn Thân, Cần Vương, tàn sát không gớm tay.
Những năm bị đô hộ, khác tư tưởng hậu quả còn khốc liệt hơn nữa. "Làm quốc sự" (tìm độc lập cho nước nhà) dẫn đến không biết bao cái chết của những người yêu nước tiên phong, không chịu khuất phục cường quyền, không chịu sống với tư tưởng được bảo hộ, "khai trí" của thực dân.
Khi phong trào đấu tranh giành độc lập nở rộ, phe theo mác-xít, phe không theo, dù ở cùng phe chống Pháp, thanh toán nhau do khác tư tưởng không phải là ít, và không phải là không đau đớn.
Chống người có tư tưởng khác mình, về chính trị, vừa làm yếu đi đoàn kết, sức mạnh dân tộc, vừa triệt tiêu động lực phát triển: một đất nước hùng mạnh là đất nước phải chấp nhận, có thể là bao dung, những tư tưởng đối nghịch nhau. Mâu thuẫn, nhất là mâu thuẫn tư tưởng, luôn luôn đồng hành cùng tiến bộ.
Ông bà chúng ta coi Nho giáo của Trung Hoa là lý tưởng. VN hiện nay đang coi chủ nghĩa cộng sản, ta hay nghe nói là chủ nghĩa xã hội, là lý tưởng. Những ai chống lại Nho giáo, tức chống lại chế độ phong kiến lợi dụng Nho giáo để cai trị, sẽ bị đánh đổi mạng sống. Và bây giờ, liệu những người thách đố, chưa nói chống lại, chủ nghĩa cộng sản, có thoát khỏi hiểm nguy không? (Chưa tính tới CNXH ở VN hiện nay rất lệch lạc vì thừa hưởng từ Liên Xô, Trung Quốc, khác xa "tinh túy" CNXH thật sự (giống nhưng không rập khuôn Mác), những nước tư bản Bắc Âu đang theo đuổi thành công).
Lo sợ khiến con người thiếu, hoặc mất tự tin. Những suy nghĩ, những tư tưởng, có thể mang lại làn gió mới, khung trời mới, không được cất lên, vì nỗi sợ bị "trấn áp" (chuyên chính), gây thiệt hại biết bao cho dân tộc, cho đất nước.
Nước Mỹ tư bản tiến bộ còn nhờ nó cho phép đảng cộng sản hoạt động, một cái đảng nếu cầm quyền sẽ làm đúng nhiệm vụ đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản như Mác tuyên ngôn, một việc Mỹ rất sợ, nhưng họ vẫn tôn trọng quyền tư tưởng của những người cộng sản.
Khi không bị giam hãm trong tư tưởng, con người sẽ hiểu biết nhiều hơn, nhờ suy nghĩ nhiều hơn, đa dạng hơn, cọ xát nhau hơn, đối nghịch nhau hơn. Nghĩ ngược lại ý chính mình muốn, những người ném bóng đèn ra suối hiểu việc mình làm sẽ đem lại nguy hiểm cho người khác, có khi cho chính mình và con cháu.
Các vị đáng kính cắt băng khánh thành thấy rằng nếu "nghĩ ngược", không suy nghĩ rập khuôn "nhiều nhà tù sẽ nhiều an ninh" (nhờ tự do tư tưởng), họ sẽ không hớn hở trước nhà tạm giữ mới như thế. Hai sự việc nhỏ, một suy nghĩ không nhỏ chút nào.