(Nhân cái chết ngã lầu của một vị thứ trưởng).
Dùng câu trên chỗ này e không đúng nhưng chẳng tìm câu nào sát nghĩa để nói về nguyên do cái chết của một thứ trưởng đang là trọng tâm thu hút dư luận (đương nhiên trên mạng của ông Mark, “hồng phúc” của nước từng là “thế lực thù địch”, Facebook).
Nói về cái chết của bất kỳ ai, nhất là người vừa qua đời, đều thật bất nhẫn. Hơn nữa, đây lai là một người đầy tiềm năng dẫn dắt một bộ khai trí nhân dân, ra đi ở cái tuổi 49, tuổi sáng suốt nhất của một đời người “ngũ thập tri thiên mệnh”. Kẻ thì nói có nghe tiếng nổ của súng lúc 7 giờ sáng tại cơ quan bộ giáo dục khi thi thể ông rơi xuống nền xi măng. Người bảo đêm trước khi chết, gia đình nói ông không về nhà. Có người bảo ông được chở vào cơ quan đêm đó. Người thì nói 6 giờ 30 ngày ông mất có một chiếc xe bảng đỏ đi vào cổng sau của cơ quan…
Nói chung, nhiều giả thuyết bí ẩn quanh cái chết đột ngột đáng thương của một trí thức khoa bảng.
Trong khi chưa có kết luận chính thức của công an, những “giả thuyết” đưa ra nguyên nhân cái chết có thể tập họp lại, in thành một câu truyện trinh thám hấp dẫn, đầy tình tiết mờ mờ ảo ảo, nếu ở Hollywood hẳn sẽ được đóng thành phim chứ chẳng chơi.
Trước đây, có nhiều cái chết của quan chức cấp cao như ông Phạm Quý Ngọ, Trần Đại Quang, Nguyễn Bá Thanh…đều đem lại nhiều giả thuyết sôi nổi, hấp dẫn, ly kỳ, một số người bàn luận hầu hết tương tự như những thuyết âm mưu. “Tau có chi mô” (người Quảng không nói tao) là lời của ai đó thuật lại câu nói cho biết sức khỏe còn tốt của ông cựu bí thư nổi tiếng Đà Nẵng với câu “bắt hết, nhốt hết”. “Tau có chi mô” sau đó là một đám tang cực kỳ hiếm có dành cho 1 quan chức, không phải vì được nhà nước tổ chức hoành tráng, nhưng có người tham dự đông chưa từng thấy, một nhân vật từng được coi như người hùng miền Trung. Nói khỏe nhưng sau đó là đám tang khiến người ta không còn tin tưởng cái nào là tin chính thống. Những tin “ngoài lề”, “lề trái” lại chiếm chỗ cái vị trí đáng ra của “trong lề”, “lề phải”.
Báo lề trái cho biết ông Võ Văn Kiệt mất ở Singapore nhưng một hay hai ngày sau báo chí chính thống mới đưa tin, khiến người dân không biết đâu mà lần, “đây là tiếng nói nhân dân…”, tiếng nói của họ nhưng họ lại tin vào tiếng nói… của ai bá vơ nào đó, bá vơ nhưng đúng.
Tại sao không có một cơ quan “giải nhiệt” thành lập để nói cho rõ sự việc về cái chết bất ngờ của một quan chức nổi tiếng thẳng ngay (ký giấy kỷ luật hơn chục vị trong ngành dính tới khuất tất thi cử, sau bị "phủ định" sạch) dù đang giai đoạn điều tra, để những giả thuyết đưa ra trên mạng, cái nào nghe cũng…hợp lý quá?
Nhưng đây không phải là chủ ý status này. Chủ ý của tôi: vì sao dư luận hầu hết, nếu không nói là tất cả, đều có nhận định không thuận lợi, nói rõ hơn, đang gây điều tiếng không tốt cho nhà chức trách? Vì sao người ta không tỏ ra thương tiếc thắm thiết cái chết của những người thuộc giới “hiền tài quốc gia”, những người nổi tiếng trong nước trong mấy năm qua, kể cả những vị được xem như các bậc “khai quốc công thần” Đỗ Mười, Lê Đức Anh và nhiều vị nữa (trừ ông Võ Nguyên Giáp, một vị tướng có một cảnh đời oái oăm, đại tướng phụ trách sinh đẻ có kế hoạch)…?
Có thực là tất cả mọi người dân Việt Nam hay chỉ một số “vô công rỗi việc”, thích làm “anh hùng bàn phím”, thường có thêm mỹ danh “thế lực thù địch” không ưa thích chính quyền? Thái độ của những người nhờ mạng (của anh Mark Mỹ mày râu nhẵn nhụi không phải ông Mark Đức râu dài, đấy nhé) để trao đổi chuyện quốc gia đại sự, chuyện trên rừng dưới biển, chuyện Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, lại tỏ ra thiên lệch đối với nhà cầm quyền, người lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện nhân dân VN?
Và thực sự nhà cầm quyền có thật “đáng ghét” như quan điểm của dư luận như thế trên facebook? Những người hầu như có thái độ thù hằn, chỉ trích chính quyền chỉ là số ít, không phải là số đông quần chúng nhân dân? Vì là số ít và có thể bị “thế lực thù địch” giật dây, nên họ không có tác động nào đến thái độ của nhà chức trách?
Cũng khó có trả lời thích đáng trong khi ở VN chưa có một tổ chức thống kê, hay thăm dò dư luận độc lập, đáng tin cậy, một tổ chức na ná như Gallup của Mỹ. Không cần trưng cầu dân ý, một tổ chức vô tư, tự nguyện, có kiến thức chuyên môn thống kê, một Gallup VN, cũng có thể cho chúng ta biết thái độ của dân chúng về mọi vấn đề của đất nước chứ không phải những vấn đề quan trọng như thế chỉ dựa vào “báo đài quốc gia” hay qua các nghị quyết của nhà nước.
Nếu có một cuộc trưng cầu dân ý thì vẫn quý báu hơn. Những vấn đề thuộc tầm quốc gia như “Đảng CSVN có nên lãnh đạo tuyệt đối toàn diện”, hay là “Chủ nghĩa cộng sản có là chọn lựa của toàn dân” không? “Đất nước có nên theo nguyên tắc chung phổ thông của nhân loại là tam quyền phân lập” không?
Khi người dân thực sự được tôn trọng, ví dụ như qua trưng cầu dân ý, thì những việc hiện nay của nhà chức trách sẽ là việc của họ, gánh vác giang sơn không phải riêng ai nhưng sẽ là gánh vác chung. Những khó khăn của chính phủ, của đảng, hiện nay sẽ là khó khăn chung của nhân dân.
Tôi tin tưởng rằng người dân sẽ không đứng ngoài nhìn những sai sót của nhà chức trách như là cái cớ để chế giễu, bỉ bôi, chê trách, không thấy được một chính phủ yếu, cả đất nước này sẽ yếu, chứ không phải cá nhân những ông bà bộ trưởng bị yếu đi.
Nhưng cái quan trọng nhất là cho dân cái quyền: trên dưới 180 vị hiền tài sắp tới ở đại hội đảng CS, được người dân chúng tôi bầu chọn, sau quý vị cũng được, sẽ là những người lãnh đạo chúng tôi, theo kết quả bầu cử của chính người dân.
Nếu được như vậy, những sai trái của họ người dân phải gánh phần trách nhiệm”chứ không thể đổ vấy cho mỗi một mình họ, dân phải cùng chịu, “anh bầu lên, chứ ai bầu lên”. Và như thế, những chuyện không phải quan trọng khẩn cấp tầm bãi Tư Chính, như nguyên do cái chết của một vị quan chức trẻ, kết luận của công an sẽ là kết luận cuối cùng được trông đợi, chứ không phải dân cả nước hằng ngày hồi hộp, hóng hớt nghe, không biết bao nhiêu các “kết luận như đinh đóng cột” trên một cái mạng (facebook) “xài ké” của “đế quốc Mỹ”.