Sunday, January 7, 2024

HÒA NHI BẤT ĐỒNG

Sáng nay CNN (Mỹ) đưa tin, cái chết của một bé trai 3 tuổi gây bão dư luận không chỉ ở thành phố Lan Châu mà cả nước Trung Quốc. Sự phẫn nộ lớn đến nỗi, sau một ngày người bố đăng sự việc lên Weibo và Baidu, bài đăng bị xóa mất.

Lý do phẫn nộ: dân chúng TQ quá ngán ngẩm chính sách Zero-Covid, đại hội đảng CS vừa qua, Tập Cận Bình kiên định “chính sách lớn” của quốc gia với  khẩu hiệu cửa miệng “đặt sinh mạng nhân dân lên hàng đầu”.

Đứa bé 3 tuổi chết vì không thể cấp cứu  kịp thời đến bệnh viện cách nhà 3km, lý do cha em “không có giấy” chứng nhận âm tính covid để rời khỏi khu phong tỏa. Nhân viên y tế quản lý khu chung cư làm theo “quy định của nhà nước”. Trớ trêu, cả 10 ngày trước, chưa có cuộc xét nghiệm “đại trà” nào, người cha tìm đâu ra giấy xét nghiệm?

Trước đây, ở thành phố Hồ Chí Minh, chủ trương phong tỏa thực thi nghiêm ngặt, con kiến cũng khó có thể lọt qua các trạm gác với thép gai chắn đầy đường phố. Số chết do dịch không vì phong tỏa mà giảm đi. Đầu tháng 10 năm 2021, thành phố “mở cửa”; ông bí thư tâm tình: “không lẽ phong tỏa mãi”. Số lượng người chết giảm lại. Đời sống dân chúng từ trạng thái “giới nghiêm” chuyển sang “thả lỏng” dần dần. Đến nay, Covid dường như biến mất khỏi tâm trí người dân Sài Gòn. Chẳng thấy ai đeo khẩu trang trong những chỗ đông người dù chính phủ chưa công bố hết dịch. Cả thế giới đều an toàn “sống chung” với covid. Nền kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh chóng nhờ gỡ bỏ phong tỏa. Điều này hoàn toàn khác Trung Quốc, vẫn kiên trì chủ trương phong tỏa, phong tỏa, và phong tỏa.

Ngoáy mũi, ảnh CNN.

Chính quyền VN học theo đảng cộng sản Trung Quốc năm đầu khi xảy ra dịch và VN cũng ‘Bye, bye!’ (chia tay) rất sớm với 16 chữ vàng về chủ trương khóa cổng nhà, khóa cổng phố, nội bất xuất ngoại bất nhập đầy tai hại.

TQ là cái bóng lớn che lên số phận VN không chỉ khi người cộng sản nắm quyền ở lục địa năm 1949. Nó còn che phủ cả một Việt Nam ‘quân chủ phong kiến’ tự ngàn xưa. Cả một ngàn năm cơ mà!

Hà Nội học theo Bắc Kinh vì họ nghĩ hai nước có chung  ý thức hệ cộng sản. “Tàu thành công, ta ắt cũng thành công”. Xin thưa: Không. Tàu là một thế giới. Họ chứng minh đúng. Dân TQ xài “hàng TQ” như Weibo hoặc Baidu. Dân VN vẫn cậy nhờ vào thằng Facebook, thằng Youtube của đế quốc Mỹ. Đây chưa phải là lý do chính. Tầm nhìn (tức đầu óc) của người Tàu mới đáng nói. Khi thống lĩnh Trung Hoa, những người cộng sản Tàu vẫn không muốn “giải phóng” Hồng Công hay Macao -  chỉ là cái ‘móng tay’ đối với Mao Trạch Đông. Hai nơi này chính là “cửa sổ” nhìn ra thế giới. Năm 1973, ông tổ cộng sản bắt tay với ông tổ tư bản, nước với lửa vẫn tồn tại bên nhau. Biết đâu hai cái cửa sổ ấy giúp Đăng Tiểu Bình “cải cách và mở cửa”.

Tầm nhìn của người Tàu còn lớn hơn thế nữa. Thời Chu Dung Cơ, hai bộ trưởng trong chính phủ không phải là đảng viên, một Hoa kiều từ Mỹ và một từ Đức. Tôi xin hỏi, có trường tiểu học nào ở VN có hiệu trưởng là một Việt kiều Mỹ? Không. Tôi chắc chắn là không. Phải thừa nhận, người Việt không thể học người Tàu ở chỗ “dung nạp” nhân tài. Vì sao thì ai cũng hiểu. Chiến tranh chấm dứt gần nửa thế kỷ, cuộc chiến trong lòng ‘bên thua cuộc’ và ‘bên thắng cuộc’ vẫn còn. Cuộc chiến ấy xuất phát từ sự nghi kỵ ‘địch, ta’; ‘quốc gia – cộng sản’, “mặc cảm thua trận” và “cảm giác tự tôn”.

Trở lại câu chuyện phong tỏa vì covid; cái chết của một cháu bé 3 tuổi chưa đáng một sợi lông hồng trong số 1 tỷ 4 dân TQ. Thông điệp của nó mới quan trọng. Cả thế giới bỏ phong tỏa thì TQ lại kiên trì phong tỏa. Cả nhân loại sống yên bình thì nhân dân TQ luôn phập phồng lo sợ: có một ca covid sẽ có một “thế giới” phong tỏa, thế giới giết chết một sinh linh bé mọn vì con người ‘kiên định đường lối, chủ trương’.

Với tôi, cộng sản TQ không hẳn không biết đó là điều vô lý. Kinh tế sẽ tổn hại vì phong tỏa, chưa nói cuộc sống. Tại sao biết vô lý mà họ vẫn duy trì? Đó mới là sức mạnh của độc tài. Tập Cận Bình muốn nhân dân Trung Quốc hiểu cặn kẽ câu thơ của Nguyễn Du “Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.

Đây là mong ước của người viết: Cuộc viếng thăm hùng hậu của các vị  lãnh đạo Hà Nội đến Bắc Kinh không rõ có “hòa nhi bất đồng” không (hòa hiếu nhưng không hòa tan; hòa nhưng không bắt chước).

Cần có tâm thế ngẩng cao đầu, như cha ông chúng ta, chí ít cũng như cha của cháu bé chết oan. Có một ‘tổ chức dân sự’ đề xuất tặng gia đình 14.000 đô la để vụ việc “không gây khó khăn” cho chính quyền địa phương. Ông từ chối thẳng thừng. Tiền không phải là tất cả.