Saturday, January 20, 2024

THƯƠNG CHIẾN CỦA TRUMP VỚI TRUNG QUỐC ĐANG THAY ĐỔI THẾ GIỚI.

(Trump’s Trade War With China Is Already Changing the World)

Hội nghị thượng đỉnh G20 tuần này tại Osaka, Donald Trump và Tập Cận Bình dự định sẽ có cuộc gặp riêng, hy vọng lớn cuộc nói chuyện tốt đẹp sẽ tái khởi động thương thảo mậu dịch, thuyết phục Nhà Trắng ngưng các đợt đánh thuế hải quan thêm nữa.

Tuy nhiên, đối với Alfred LaSpina, hệ quả có thể chẳng ý nghĩa nhiều mấy.

Khi LaSpina, tân phó chủ tịch eLumigen, trụ sở ở Troy, bang Michigan, nghĩ đến một chuỗi cung ứng cho một khởi nghiệp làm những sản phẩm công nghiệp nhẹ, Trung Quốc tự nhiên hiện ra trong đầu: LaSpina - bạn cũ của tôi – đã có kinh nghiệm sản xuất ở Trung Quốc trước đây và anh có thể tìm được những nhà cung cấp tin cậy, dày kinh nghiệm tại đó.

Rồi thì, Trump tăng thuế cao bất ngờ vào hàng nhập khẩu từ TQ vào tháng 5. LaSpina và đồng sự phải bóp đầu suy nghĩ, họ đang tìm chỗ thay thế ở các nước Đông Nam Á.

Với quá nhiều bất ổn trong quan hệ Bắc Kinh và Washington, anh ta tin rằng đó là việc nhanh trí nên làm. “Nếu thuế quan hoặc sự trở ngại quay trở lại, anh chẳng có hàng chuyển vào”, anh ta bảo tôi.

Thế lưỡng nan của LaSpina chỉ là một ví dụ nhỏ trong cái cách đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tái định hình thế giới – cả xấu lẫn tốt – và ngay khi có được một thỏa ước thương mại cuối cùng cũng không thể làm chậm động lực thay đổi.

Những kết nối ngày càng rời rã (deteriorating ties) giữa 2 quốc gia đang ảnh hưởng mọi thứ, từ chiến lược địa chính trị to lớn đến đời sống chúng ta hằng ngày: ở chỗ sản phẩm của Walmart được sản xuất; ở chỗ tạo ra việc làm hay mất việc làm; những thành tựu công nghệ chúng ta sẽ (hay sẽ không được) sử dụng; rồi ai có thể ngồi học cạnh bạn ở đại học Harvard; cả chuyện tiền bạc của mình đầu tư như thế nào.

Như thế có nghĩa là chúng ta đang ở trong giờ khắc thay đổi lịch sử.

Từ những năm 1990, những nhà làm chính sách và những doanh nghiệp khổng lồ (business titans) đã cho rằng thế giới này càng ngày càng hội nhập.

Có lẽ biểu tượng vĩ đại nhất cho tiến trình này là quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ở đây, hai cường quốc, với ý thức hệ và thiết chế chính trị đối lập hoàn toàn, đã quyện chặt vào nhau (intertwined) thông qua ký kết buôn bán, tài chánh và con người – nhiều đến nỗi một thuật ngữ xuất hiện để diễn tả nó: Chimerica (chiết tự: Chi là China, TQ và merica là America, Mỹ- ND).

Trung Quốc trở thành hội tụ trọng điểm của những kết nối khắp hành tinh về sản xuất và trao đổi.

Tất nhiên, cũng có những phàn hà đâu đó về quyền con người, thị trường bị khép kín, và những vấn nạn khác.

Nhưng với sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết và chấm dứt chiến tranh lạnh, sự hình thành một thế giới chung có vẻ là một tương lai chắc chắn.

Không như vậy nữa rồi.

Với sự cắng đắng như thế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, chẳng có chi là bảo đảm, các doanh nghiệp đang vẽ lại bản đồ sản xuất toàn cầu.

Hãng Apple được biết đang xem xét di dời dây chuyền sản xuất công đoạn cuối gần 3 phần tư sản phẩm của mình khỏi Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á hoặc nơi khác.

Terry Gou, nhà sáng lập Foxconn của Đài Loan, sản xuất thiết bị cho Apple ở các xưởng tại  Trung Quốc, mới đây phát biểu, ông đã thúc dục Apple nên chuyển sản xuất ra ngoài lãnh thổ TQ.

Những công ty ít nổi tiếng hơn (Apple) như hãng chế tạo Giant, nhà sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới, đã chuyển sản xuất dành cho người tiêu dùng Mỹ. Giant đã dời dây chuyền chế tạo nhiều mẫu xe cho Mỹ về bản doanh của mình ở Đài Loan và đang mở một nhà máy mới ở Hungary.

“Thế giới không còn phẳng nữa”, nữ chủ tịch tập đoàn Giant, Bonnie Tú nói với Bloomberg.

Những trường hợp như vầy không còn cá biệt nữa: Một khảo sát công bố hôm tháng 5 do 2 chi nhánh của Phòng thương mại Hoa Kỳ tại TQ tiết lộ 40 % những người trả lời họ đã di dời hoặc đang xem xét di dời hoạt động sản xuất ra khỏi TQ.

Tiến trình này đã diễn ra một thời gian trước, lý do giá thành cao ở TQ và mở thêm các nhà máy khác.

Nhà sản xuất đồ chơi  Hasbro nói họ đang dần dần giảm thiểu  phần sản xuất sản phẩm bán cho Mỹ làm tại TQ, từ 80% năm 2012 xuống còn 67% vào cuối năm 2018, và dự tính sẽ thu hẹp ngần ấy sự sụt giảm trong những năm tới.

Nhưng cuộc chiến thương mại đã buộc các giám đốc điều hành bước chân vào lửa.

“Những gì các công ty đang làm là gia tốc kế hoạch rời khỏi TQ”, Stephen Lamar phó chủ tịch điều hành Hiệp hội Áo quần và Giày dép Hoa Kỳ nói với tôi.

Ông gọi đây là một “chuyển dịch thế hệ” (generational shift) trong cách thức các công ty Mỹ đang tìm nguồn cung ứng sản phẩm cho mình.

Đối với một số nước, điều đó đến như một tin vui.

Các doanh nghiệp đang kiếm cách di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi TQ có khuynh hướng nhắm đến những nền kinh tế mới nổi như là nơi đặt bản doanh mới.

Lịch sử kinh tế cận đại cho chúng ta biết rằng công ăn việc làm được tạo ra bởi những nhà máy như vậy trong những nước nghèo có thể đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và xóa đi nghèo đói (như đã xảy ra cho chính TQ).

Những nơi sẵn sàng như Việt Nam sẽ hưởng lợi bằng cách lôi kéo các nhà xưởng ra khỏi TQ.

Trong khi đó, Hoa Kỳ có lẽ đang đối mặt với việc tái sắp xếp những quan hệ thương mại (cũng như những tranh chấp thương mại nữa).

Trái với những khoác lác của Trump, có rất ít công ty Mỹ “quay về” hoặc chuyển sản xuất trở lại đất Mỹ từ TQ. (Trong khảo sát của Phòng thương mại Mỹ ở TQ, không tới 6% nói họ đang xem xét việc chuyển dịch như thế).

Điều này có nghĩa thâm hụt mậu dịch lại làm tức giận tổng thống, khiến ông ấy cân bằng lại (thuế) cho nhiều nước khác nhau.

Đối với TQ, cục diện chuyển đổi sản xuất toàn cầu đã áp lực lên những công ty TQ, buộc họ phải “nâng cao chuỗi giá trị” như cách gọi của các nhà kinh tế.

Không còn có thể dựa vào chế tạo xuất khẩu cơ bản để bảo đảm việc làm, những ông chủ doanh nghiệp TQ sẽ phải học cách sản xuất chất lượng cao, những hàng hóa nhiều chất xám để duy trì sự sống của "phát triển thần kỳ".

Đó chính là những chính sách công nghiệp đầy tranh cãi – nuôi dưỡng các ngành mũi nhọn, từ xe chạy điện đến vi mạch được nhà nước hỗ trợ - đã được hoạch định.

Nhưng cũng ở đây, sự tranh chấp với Hoa Kỳ đang đem lại quá nhiều hệ lụy.

Chính quyền Trump đã có những bước đi bảo đảm ngành công nghệ sống còn của mình không rơi vào tay TQ – đáng kể nhất, bằng cách cấm các công ty Mỹ bán những bộ phận cơ yếu như vi mạch cho một số công ty công nghệ quan trọng của TQ, kể cả gã khổng lồ viễn thông Huawei.

Những biện pháp như thế, cộng với nỗi ám ảnh của Bắc Kinh về kiểm soát công nghệ trong nước, có thể chia rẽ Hoa Kỳ với Trung Quốc trên phương diện kỹ thuật số, những người tiêu dùng ở mỗi nước sử dụng những phần mềm và công cụ khác nhau.

Bắc Kinh đã khởi sự tiến trình ấy bằng cách dựng Tường lửa khổng lồ chặn những công ty mạng Hoa Kỳ không hoạt động được ở thị trường Trung Quốc.

Đó cũng là một lý do tại sao công dân mạng TQ sống trong vũ trụ trực tuyến riêng biệt, viết blog ngắn trên Sina Weibo hơn là Twitter; truy cập trên Baidu mà không phải Google.

Thiếu tin tưởng càng lớn giữa HK và TQ đang bắt đầu tách rời công dân của họ trong thế giới thật cũng như thế giới ảo.

Luật đã trình trong Quốc hội ngăn cấm những nhà khoa học TQ có liên hệ với giới quân sự không được học tập hay nghiên cứu ở Mỹ.

Tháng này, bộ trưởng giáo dục Bắc Kinh phát đi cảnh báo sinh viên TQ “cần thiết tăng cường đánh giá rủi ro trước khi du học” ở Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Huawei mới đây đã đưa những người Mỹ ra khỏi những hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) tại những đại bản doanh của mình ở Thâm Quyến. Phát ngôn nhân của Huawei tuyên bố công ty đang xem xét những đáp trả hành động của Washington.

Sự sắp xếp lại việc kinh doanh, công nghệ và nhân lực cũng đang xảy ra trong các quốc gia. Khi TQ và Mỹ tách dạt ra, một hình thái mới của quan hệ toàn cầu xuất hiện.

Ví dụ, TQ và Nga có thể gần gũi hơn, ngày nay so với ngày xưa, khi hầu hết thời gian cả hai đều là nước cộng sản.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trưng ra, tại khách sạn Tập đang ở, một chiếc bánh kem mừng sinh nhật lãnh tụ Trung Quốc khi hai người tham dự một hội nghị ở Tajikistan tháng này.

Nước Ý mạnh dạn rời bỏ hàng ngũ Hoa Kỳ và một số đồng minh chiến lược châu Âu đầu năm nay trở thành nước G 7 đầu tiên ký vào chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng đầy tranh cãi, Sáng kiến một vành đai và một con đường.

Đối với những nước có quan hệ kinh tế với TQ nhưng lại là đồng minh chiến lược với Hoa Kỳ, việc đứng "chàng hảng hai" trước hàng rào của hai nước sẽ càng ngày càng nan giải.

Xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc “đặt Úc và một số nước châu Á vào một vị trí bấp bênh”, Merriden Varrall, hội viên không thường trực ở viện Nghiên cứu Lowy, một “bộ não” về chính sách có trụ sở ở Sydney, nói với tôi.

“Chúng tôi không đáp ứng với sự tinh tế cái vấn đề cần phải đáp ứng. Tôi nghĩ chúng ta không nhận thức đầy đủ thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt”.

Giống như sự ăn ý giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là đại diện cho một xu thế lớn hơn về hợp tác toàn cầu, sự băng giá mới đây giữa họ có thể tượng trưng không kém sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự kịch liệt chống toàn cầu hóa, hiện hữu từ Vương Quốc Anh cho đến Ấn Độ.

Việc hoạch định lại tiến bộ về kinh doanh và ngoại giao toàn thế giới sẽ đi tới bao xa?

Ông Lamar của Hiệp hội Áo quần và Giày dép Hoa Kỳ nghĩ rằng nếu một hiệp ước thương mại đạt được và thuế quan gỡ bỏ, một số doanh nghiệp có thể gắng trở lại bình thường – di chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi một Trung Quốc ở thế mạnh chẳng phải dễ dàng.

Nhưng sự bất ổn vẫn còn tồn tại.

“Có rất nhiều cảm tưởng rằng chúng ta đang nằm trong một trận chiến lâu dài để quyết định ai là người dẫn dắt của thế kỷ 21”, ông ta phát biểu.

“Ngay cả trong Washington sau Trump (ý nói trong hàng ngũ lãnh đạo sau Trump -ND), chúng ta vẫn sẽ còn thấy trọng tâm đặt vào Trung Quốc – quốc gia đó có thật là đối tác của quốc gia chúng ta hay không?”

Bài của MICHAEL SCHUMAN đăng trên  THE ATLANTIC, ngày 25.6.2019. Nguyễn Long Chiến dịch.

Ảnh của JASON LEE / REUTERS