Trẻ thì kinh nghiệm ít hơn già, ông bà ta đã đúc kết ngắn gọn mấy từ như thế. Guồng máy hành chính khổng lồ của VN ngày nay, lớp trẻ hay người trẻ khó chen chân với người già về số lượng cũng như "chất lượng". Yêu cầu kinh qua thực tiễn trui rèn, nghĩa là ngoi từ cấp nầy lên cấp khác cả quá trình rèn luyện thử thách đầy gian nan, khổ ải. Do đó, trông mong người trẻ tham gia vào điều hành đất nước đã khó, càng khó hơn khi có vị tiền bối bảo rằng: "xóa nỗi nhục nước nghèo là sứ mạng lịch sử của người trẻ".
Như thế nào là nước nghèo? Nợ nần chồng chất, mới đẻ ra cũng lãnh phần trả nợ là nghèo rồi.
Nghèo phải mượn, phải nợ, không thắc mắc lôi thôi. Nhưng những người trẻ như ông ấy nói là người trẻ nào? Có phải là những người tuổi 18 đến 30, từ các vùng quê nghèo làm ruộng không đủ ăn, lên các thành phố lớn, mỗi chiều tan tầm, họ là những công nhân làm chủ đất nước, chen chúc nhau trên đường về nhà, ghé tạt vỉa hè mua vội vã vài cọng rau, đôi con cá, ít miếng tóp mỡ heo, để có bữa ăn tối vội vàng, rồi lên giường ngủ sớm, trong những gian phòng năm sáu người thuê chung, đặng ngày mai tiếp tục "lao động vinh quang"?
Hay những người trẻ cặm cụi 12 năm trời chen chân vào cao đẳng, đại học, ra trường thất nghiệp cả trăm ngàn người, rất nhiều cử nhân tham gia vào đội ngũ xe ôm, phố nào cũng có, như Grab, GoViet...? Hay là những người trẻ, không vào được đại học, hoặc đã ra trường, phải cầu cạnh đi lao động hợp tác nước ngoài, hay là người trẻ nữ phải làm ôsin xa xứ, đặng gửi tiền về nhà nuôi sống cả bầy con trong nước?
Hay là ông nhắm đến người trẻ con nhà giàu có, quyền thế, may mắn du học những nước tư bản giãy chết, mai đây họ sẽ về xóa đi nỗi nhục nghèo khó mà ông hồ hởi trao trọng trách? Những người trẻ, rốt cuộc họ ai có được vinh dự đó? Chắc chắn không phải người trẻ tôi vừa mới nói, làm ra đồng lương chưa đủ nuôi sống gia đình, làm sao bảo họ xóa đi nỗi nhục nghèo khó cho cả nước? Bó tay, tôi không biết người trẻ ông nói tới là người trẻ nào.
Thôi, tạm thời, tôi nghĩ người trẻ có thể thay đổi vận mệnh đất nước, hiện phải là những người trong guồng máy quốc gia. Nhưng khi "ngoi" lên cấp trung ương, nghĩa là cấp có thể thay đổi vận mệnh đất nước, liệu họ còn...trẻ nữa không? Chưa kể, nếu còn trẻ họ cũng khó chen chân nổi với người già khi (nghe đâu) tuổi hưu quan chức cao cấp được nâng lên mấy tuổi.
Tôi xin có "mẹo" nhỏ để giải quyết vấn nạn này. Mẹo, không phải phát minh, bởi nó có từ hồi VNCH.
Người quản trị quốc gia được đào tạo 4 năm hoặc 6 năm tùy năng lực, trình độ, và ý muốn thăng tiến của học viên (giờ có thể gọi như "ham muốn quyền lực"). Cả miền Nam, hay chế độ VNCH, được điều hành hầu như toàn bộ từ một trường đại học, gọi là Quốc gia Hành chánh.
Cấp quận cho đến tỉnh, nha, bộ đều được những học viên tốt nghiệp tại đây điều hành, số mới ra trường làm cấp quận, số ra lâu có thâm niên làm việc cấp cao hơn. Học viên là những sinh viên cực kỳ ưu tú có ham muốn "làm chính trị" để điều hành đất nước. Đầu vào tuyển lựa rất khắt khe gồm những sinh viên sức khỏe tốt, học lực xuất sắc. Hồi đó không ai nói đến tiêu chuẩn đạo đức.
Bởi hàng ngũ ấy có thiếu đạo đức đâu mà phải yêu cầu...đạo đức.
Sinh viên sư phạm học bổng 3000 đồng/ tháng (đủ sống) trong khi sinh viên quốc gia hành chánh là 15.000 đồng/tháng (duy nhất 2 loại sinh viên này được chính phủ cấp học bổng, mức lương ra trường đại học ngang ngửa, nghĩa là 3 tháng lương mua được chiếc Honda khoảng 6 cây vàng). Họ ăn ở sinh hoạt như công chức thực thụ. Ra trường tối thiểu làm phó quận trưởng (quận trưởng do quân đội nắm, cấp bậc đại úy hoặc thiếu tá). Viên quận trưởng có quyền đề nghị thuyên chuyển quận phó nếu 2 người kình chống nhau (phạm tội thì khác) và không có quyền trù dập cấp phó.
Nền hành chính do đó không bị méo mó bởi sự lạm dụng quyền thế, cấp trên "đì" cấp dưới. Nền hành chính, một lẽ nữa, đều thống nhất toàn nước do tất cả được điều hành bởi những người cùng một "lò" mà ra. Giỏi như thế sao không thắng cộng sản trong rừng xuống, chẳng cần đại học vẫn quản lý ào ào? Hỏi rứa, tôi cũng bó chưn chứ đừng nói bó tay.
Ấy là tôi muốn đội ngũ có thể thay đổi vận mệnh đất nước- từ nghèo sang giàu- là giới trẻ nếu được đào tạo theo kiểu VNCH. Có người nói không được. Đào tạo như thế lỡ có mua điểm, gửi gắm thì sao? Chưa kể, chỉ có 4 năm, thời gian thử thách không dài, lỡ "thế lực thù địch" cài người vào thì..."chết cha" cả đám. Thôi, y cũ, cứ tuần tự nhi tiến, nhi tiến, nhi tiến.
Nhưng thằng Quảng tui xin cãi: người như cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng, ủy viên trung ương đảng Trương Minh Tuấn, đã qua trui rèn gian khổ, thử thách mấy chục năm, mấy ổng đã thấm nhuần đạo đức cách mạng chưa mà lo lắng cho trẻ 4 năm là thử thách quá ngắn? Muốn người trẻ làm giàu đất nước như ước vọng của ông Vũ Khoan kể ra thật nan giải. Trẻ người non dạ ư?