Bà bộ trưởng y tế gây sôi nổi dư luận bằng việc đề nghị đổi tên một trường đại học ở Sài Gòn.
“Thay tên đổi họ” có chi đâu mà người ta ồn ào. Một nhân vật lịch sử thay đổi cả trăm tên họ vẫn được người ta quý trọng, huống chi đối với một trường đại học có hai tên: cũ là Y Dược, mới Sức Khỏe. Có gì to tát đâu mà bàn với luận.
Người ta giễu cợt khá nhiều việc thay tên trường, tôi thì không. Tôi nghiêm túc nói về đổi tên.
Quan chức - một số người - đôi khi nghĩ mình là những người quyền thế nhất đời. Cỡ như bộ trưởng, việc đổi thay tên gọi cho một sự việc quan trọng, đối với họ “nhỏ như con thỏ”. Bộ trưởng giao thông đổi tên “thu phí” thành “thu giá”, sau đó gãi tai, uống một ly nước mát, thư thái sửa lại như cũ “thu phí”. Có chết thằng tây nào đâu mà cư dân mạng la lối ỏm tỏi cho hao hơi, tổn sức.
Đường Tự Do ở Sài Gòn (trước 75) không biết có khuyết điểm chi không bỗng được đổi thành Đồng Khởi. Dinh Độc Lập vi phạm gì đó bị đổi thành dinh Thống Nhất.
Người ta cho rằng tên cũ do “Ngụy” đặt cần sửa lại cho văn hóa, chính trị hơn. Họ quên Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có một dãy chữ hai ông Độc Lập và ông Tự Do ràng ràng ở dưới, bên cạnh ông Hạnh Phúc. Ngôn ngữ chế độ Sài Gòn và ngôn ngữ chế độ Hà Nội cũng đều là ngôn ngữ Việt Nam. Bà bộ trưởng yêu cầu trường đại học Y Dược cố gắng biến mình thành đại học tầm cỡ thế giới, đừng để thua hai “thằng em” Lào và Campuchia là hợp lý nhưng đổi tên trường không thể làm trường hơn hai người anh em đó.
Các báo lý luận đại học Sức Khỏe (viết hoa) gồm nhiều khoa hơn, y, dược, nha, điều dưỡng, y tế cộng đồng…Nếu đại học Sức Khỏe bao gồm những khoa như thế thì còn thiếu, cần thêm các khoa: mát-xa, xông hơi, đấm bóp, dịch cân kinh, pháp luân công, nhảy xa, nhảy cao, bơi lội, cử tạ… vào, bởi tất cả những môn, những thứ ấy, đều phục vụ sức khỏe con người.
Thay đổi, đó là một ý nghĩ tiến bộ; mọi vật đều phải thay đổi, phải diễn biến, phải chuyển hóa…
Nhưng thay một cái tên không làm thay đổi bản chất, thay đổi sự việc mang cái tên đó. Chúng ta có hàng vạn đơn vị thay đổi tên, thay đổi danh, từ chỗ thôn xã “kém văn hóa, không văn hóa”, đôi ba tháng, đôi ba năm, biến thành thôn văn hóa, xã văn hóa khắp nước. Liệu có thực sự 100% văn hóa không?
Nếu tên đại học Sức Khỏe ý nghĩa hơn tên đại học Y Dược thì đất nước này cần thay đổi rất nhiều.
Trung tâm huấn luyện quốc gia Nhổn, cái tên quá kỳ cục: đổi ngay. Sao lại có một địa danh Bà Quẹo trong thành phố mang tên Bác kính yêu: đổi gấp. Có vị liệt sĩ gắn tên đường lại nói về thức ăn trẻ em rất khoái là (Đoàn Văn) Bơ và (Huỳnh Văn) Bánh. Đổi, đổi tất cho thành những tên đẹp đẽ, xứng đáng nằm ở những nơi trang trọng như thủ đô Hà Nội, anh hùng như thành phố Hồ Chí Minh.
Tên mà mọi người gọi lâu đời được xem như là một danh hiệu, (nay người ta hay gọi “thương hiệu” (brand) không thể thay đổi dù nó không đẹp hay chưa đúng. Đại học Y Dược (Sài Gòn) cũng vậy.
Y Dược trong tên gọi là một danh hiệu, một “thương hiệu”, không còn là một danh từ chung, đã nức tiếng miền Nam. Nhắc đến đại học Y Dược, người dân miền Nam đều nể trọng: ở đó đào tạo bác sĩ, có cả bệnh viện, chữa bệnh rất khá, rất giỏi, rất tận tâm. (Hiện nghe nói có một số chi nhánh bệnh viện thuộc đại học Y Dược có mặt ở một số tỉnh).
Đại học Bách Khoa (Sài Gòn) từng có lần đổi thành Đại học Kỹ Thuật, sau trở lại tên cũ. Đại học Bách Khoa, một danh hiệu, một thương hiệu nổi tiếng, niềm hãnh diện của trí tuệ khoa học, kỹ thuật miền Nam. Trước 1975, người ta hay gọi trường kỹ sư Phú Thọ. Phú Thọ là một địa danh, không hàm ý chút nào về nội dung giảng dạy của trường; nhưng hễ ai được gọi kỹ sư Phú Thọ đều hãnh diện vô cùng, vì đã từng xuất thân từ một cái nôi kỹ thuật, khoa học của VNCH.
Cái tên Nguyễn Thị Kim Tiến vài năm nữa thôi sẽ không còn được nhắc đến nhưng cái tên đại học Y Dược sẽ còn mãi mãi, dù lúc đương chức, bà muốn đổi tên nó thành đại học Sức Khỏe.
Một danh hiệu, một "thương hiệu", của một ngôi trường danh tiếng hàng trăm năm nay không hề “bé”, thưa bà bộ trưởng.
Một thương hiệu tên Coca Cola, được ước tính hơn vài chục tỷ đô la Mỹ (theo Philip Kotler trong Marketing From A to Z, tôi đã dịch, đang xin phép in) có chắc lâu đời hơn “thương hiệu” đại học Y Dược (Sài Gòn) không? Đổi một cái tên mà đổi thành công chất lượng trường mang tên ấy, liệu có làm được không?