Đây là đề tài rất cũ. Tôi không nêu nó ra để làm xấu hình ảnh một số ít người bán quán ăn ở Hà Nội.
Ở Sài Gòn, tôi chưa bao giờ gặp một chủ quán, người phục vụ nào chửi, quát thực khách.
Khách hàng là thượng đế, câu này đúng ở Sài Gòn. Tôi có một ví dụ. Trời mưa to, bất chợt, tôi ghé vào một tiệm bên đường hỏi mua một áo mưa. Chủ tiệm đi vắng, cô con gái tầm 15 tuổi bán thay mẹ. Tôi đưa tờ 500 ngàn vì không có tiền lẻ, chiếc áo khá tốt giá 40 ngàn. Cháu gái vào nhà lục tủ tìm tiền thối. Một lúc lâu trở ra bảo tôi, bác cứ lấy áo đi, vài hôm quay lại trả tiền, cháu không tìm ra chỗ mẹ cất tiền lẻ. Cô bé trả lại tiền cho tôi. Cả thành phố hàng triệu người, làm sao cháu bé ấy lại tin tưởng mà bán thiếu một món hàng cho một người lạ, dù cho giá trị món hàng không lớn? Tôi mặc áo vào khi trời càng mưa nặng hạt, tầm tã. Nếu không áo, tôi sẽ bị ướt nước mưa, gió lạnh thốc tháo nữa, chạy xe làm sao nổi trên con đường xe cộ vun vút như tên bắn. Cháu bé thấy việc tôi sẽ bị ướt mưa quan trọng hơn việc một món hàng của mình, chưa biết có được trả lại tiền sau này hay không.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Người Sài Gòn thường hay bon chen nhưng nghĩa tình trọn vẹn, đôi khi tính tình họ khá "sòng phẳng", đâu ra đó. Khi bạn lạc đường, ở Sài Gòn, bạn sẽ thấy như mình không bị lạc. Người Sài Gòn sẵn sàng bỏ thời gian hướng dẫn bạn đi nếu bạn quá lớ ngớ, được chỉ đường cặn kẽ nhưng mặt mũi mình vẫn lơ ngơ không rõ. Họ vừa nghĩa hiệp vừa trọng nghĩa khinh tài.
Con trai tôi làm việc rất nhiều với người nước ngoài. Một sếp người Nhật của nó cho biết ông ấy sống, làm việc gần 30 năm, ở khắp các thủ đô, thành phố lớn châu Á kể cả Hà Nội, và ông nhận xét không nơi nào cung cách phục vụ bằng Sài Gòn. Thân như thầy trò, ông này không phải đẩy đưa vì lịch sự. Cung cách phục vụ của người Việt Nam sao có sự khác nhau giữa Sài Gòn và Hà Nội (điển hình bún quát, cháo chửi)? Nhiều người bảo dân Hà Nội họ thế.
Không, không đúng. Hà Nội nổi tiếng thanh lịch từ xưa. "Ở đâu thanh lịch bằng người Tràng An".
Tôi suy nghĩ sự khác nhau có thể mới có đây, độ vài chục năm thôi, một thời gian bao cấp, đặc trưng của một chế độ áp dụng ý thức hệ cộng sản.
Sài Gòn sống "xã hội chủ nghĩa" rất ngắn, từ 1975 đến đầu 1981, lúc "phá rào" kinh tế xảy ra, khi dân Sài Gòn sững sờ thấy bo bo cho ngựa ăn đi vào bữa cơm của họ. Hà Nội sống "xã hội chủ nghĩa" khá lâu, hơn cả 1 thế hệ. Thời bao cấp, mọi sinh hoạt đời sống đều quyết định bởi nhà nước và cô mậu dịch viên là người thay mặt nhà nước, "quyết định" đời sống của mọi người dân.
Thịt, cá, áo lót, băng vệ sinh, kem đánh răng, xà bông, gạo, mắm...những thứ thiết yếu đời sống ấy sẽ không có nếu thiếu mậu dịch viên, người đại diện tiêu biểu cho bao cấp; không có cô, ai sẽ "phân phối" cuộc sống ?
Làm việc ăn lương, cô hết sức tất bật. Lúc nào cũng tối mắt, tối mũi với đống hàng, trước một đám đông nghịt người, chen nhau đến lượt mình được mua hàng qua tem phiếu. Có ai thấy cô ấy cười không? Các bác lớn tuổi nhớ lại xem. Quát, la, to tiếng, thậm chí chửi...chắc chắn không tránh khỏi đối với mậu dịch viên "đầy quyền uy", dù là quyền uy thấp nhất trong guồng máy quyền uy (nắm đời sống người dân cả nước). Nhưng có ai nghe cô ấy quát, tức giận bỏ về... không thèm mua hàng nữa? Không mua có nước đói nhăn răng. Cái cảm giác được "ban phát" khiến người ta trở nên quan trọng.
"Không mua thì xéo". Câu này không khác chi câu " không ăn thì biến" trong các quán bún chửi, cháo quát. Vật chất quyết định tinh thần, áp dụng sơ sài vào đây nghe đúng quá, cái ông Mark râu dài (Không phải chú Mark đẹp trai của Facebook). Vì chủ những quán này nấu ăn quá đỉnh, người muốn được ăn ngon, phải cúi đầu chịu quát, chịu chửi, rứa thôi. "Nấu ăn đỉnh" ở đây được coi là "độc quyền". Không nơi nào có được. Độc quyền nên có quyền quát, có quyền chửi, những ai muốn ăn ngon, những ai không có quyền lựa chọn.
Độc quyền dẫn đến quan liêu, thật đúng, không phải chỉ có những bà chủ quán "quan liêu". Nếu Hà Nội có hàng chục, hàng trăm, hay hàng ngàn quán "nấu ăn đỉnh", liệu người ta có thèm đến những cái quán chửi, quán quát, để có được tô bún, tô cháo ngon hay không?
Độc quyền, ở đây là "độc quyền nấu ăn đỉnh", tác hại như thế đó đối với con người: Người ta chịu nhục vì miếng ăn, vì không có quán nào ngon hơn, không còn tự do chọn lựa khác. Chúng tôi một lần tò mò đến một quán ngon "độc quyền" nổi tiếng này khi tham quan Hà Nội. Đoàn có hơn 30 người đều bỏ về, không ăn, không phải đông người chờ mà vì nghe tiếng quát tháo của bà chủ với khách.
"Ăn vàng cũng chả cần, chứ ăn bún", vậy mà quán vẫn đông nghẹt thực khách. Chúng tôi nói với nhau như thế rồi lên xe về khách sạn ăn sáng. Hay là chúng tôi, trẻ có già có, người miền Nam, chưa bao giờ, hay ít có dịp, quen thuộc cung cách "mậu dịch viên" của chủ quán như thế, hậu quả "cửa quyền" thời bao cấp xuất hiện rất lâu ở miền Bắc XHCN?