Thursday, January 18, 2024

THIẾU NHI SAO ĐỎ

Sáng nay thời sự trên BBC, thủ tướng Anh ghé thăm một trường tiểu học, chuyện trò với các học sinh. Có học sinh hỏi ông, thủ tướng giải quyết thế nào về Brexit (Anh rời khỏi EU), có thỏa thuận hay không thỏa thuận. Ông ta cười trả lời, tôi vừa ở Ái Nhĩ Lan về, sắp tới sẽ qua Brussels để giải quyết việc đó (thủ phủ của EU ở Bỉ; EU: Cộng đồng chung châu Âu). Ông nhìn một lượt các học sinh và hỏi chúng, có ai ý kiến gì nữa không. Hàng loạt cánh tay dễ thương của học sinh tiểu học đưa lên. Học sinh nhỏ như thế đã quan tâm chính trị, những việc lớn của quốc gia như Brexit.

Học sinh VN chúng ta có sinh hoạt chính trị trong học đường không, tôi không rõ, nhưng có rõ một chuyện, thấy các em đội viên Sao đỏ (tôi phải viết hoa) hẳn là có…“chính trị” rồi. Nhiệm vụ của các đội viên Sao đỏ này là gì? Giúp thầy cô giữ gìn trật tự trong lớp, ngoài lớp (giờ ra chơi), ghi tên em nào vi phạm nội quy, như nói tục chửi thề khi không có thầy cô chủ nhiệm? Chắc chắn những em đội viên này là học sinh có “quyền uy”, ngoài việc học, các cháu còn làm nhiệm vụ của một “người cảnh sát”, theo dõi bạn nào vi phạm.

Có trường hợp nào các thành viên đội này “lợi dụng chức quyền,cố ý làm trái” cái gì đó trong lớp học; giả dụ, “thằng” A này đáng ghét quá”, mày sẽ biết tay ta; thằng A đương nhiên sẽ nằm trong “tầm ngắm” của đội viên “lạm dụng chức quyền” này. A sẽ bị ghi vào sổ kỷ luật vì đã chửi thề, trong khi trò B, trò C thì “lọt sổ” do là người “quen thân” với đội viên này. Trẻ con cũng là người, người thì ai cũng có tình cảm riêng tư. Công việc của Sao đỏ (trong trường hợp này) đã làm méo mó nhân cách của một công dân tương lai: thiên vị, cá nhân, trù dập, một điều vô cùng tai hại trong môi trường giáo dục con người.

Những học sinh trong lớp chắc chắn luôn e dè, sợ sệt, lo lắng “phạm tội” như lỡ miệng chửi thề hay nói chuyện trong lớp, trước các đội viên “cảnh sát” Sao đỏ này. Trẻ em là búp trên cành. Hãy tạo môi trường trong lành trong học đường. Hãy cho các em tung tăng vui chơi trong một không khí không bị “theo dõi”, “giám sát”, “kiểm tra”. Đánh nhau, chửi tục, nói chuyện ồn trong lớp…đó là những việc muôn đời trong giáo dục học đường, không phải bây giờ mới có. Ông bà ta kết luận: “Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò”.    

Nhiệm vụ cao cả của một người thầy, người cô, là giáo dục học sinh chứ không phải theo dõi để quở phạt chúng, qua sự góp tay của một đội Sao đỏ, hình thành trong các trường tiểu học.  

Tôi có 5 đứa con từng là học sinh tiểu học hàng mấy chục năm trước. Trong một lần họp phụ huynh, có vị phát biểu, nhà trường nên đuổi học những học sinh quá ngỗ nghịch như luôn nhảy qua cửa sổ khi lớp chưa bãi, kéo rách áo bạn để chòng ghẹo trong giờ viết bài, chửi thề văng tục, ảnh hưởng học sinh ngoan khác…Vị hiệu trưởng cười: Chính những học sinh như thế mới cần được giáo dục. Đuổi hết chúng thì trường học lập ra để làm gì, thầy cô làm gì, chẳng lẽ chỉ để dạy những em nào ngoan ngoãn?

Tôi ao ước quý thầy, quý cô, đang dạy học, nên suy nghĩ như thầy hiệu trưởng, hãy tự mình giáo dục học sinh, không nên sử dụng “lực lượng Sao đỏ” hỗ trợ mình trong giáo dục.

Và ngành giáo dục cũng nên chấm dứt vai trò của tổ chức này nếu thực sự đang có nó trong các trường tiểu học khắp cả nước.