Rượu bia đang ngập tràn từ thôn quê ra thành thị. Vấn đề rượu bia được nêu ra giữa quốc hội là trông mong của mọi người, nó lớn quá mà. Ai cũng biết VN là cường quốc về bia rượu, sản xuất và tiêu thụ, bia 5 tỷ lít một năm, rượu chưa rõ nhưng hẳn không kém chị thua em. Tác hại lạm dụng rượu bia không chỉ cho xã hội mà còn cho cơ thể, tinh thần, nhất là sức khỏe nòi giống.
Ông bà ta khuyên " rượu say chớ có nhập phòng". Phòng, đây là phòng the, không phải phòng nhậu tiếp. Các ngài lo cho tương lai nòi giống, con cháu đẻ ra không muốn hổ mà muốn Tiger thì lúa đời.
Tác hại rượu bia trong giao thông nguy hiểm đến độ đi đâu ta cũng thấy khẩu hiệu "Đã uống rượu thì đừng lái xe". Các nước cấm ngặt chuyện này bằng những hình phạt khắt khe.
Nhưng VN ta, í lộn , quốc hội ta, cho phép có rượu bia trong người khi lái xe thì hơi lạ. Tôi không rõ nếu nồng độ cồn quá mức cho phép, người lái xe có bị phạt hay không. Người lái xe có uống rượu bia, ắt hẳn độ cồn phải vượt ngưỡng 2 lon, mức có thể bị phạt. Ở VN, tôi chắc chắn không ai khi bù khú mà uống chỉ một lon bia. Cả buổi tiệc mấy tiếng đồng hồ, tiếng la ó "dô, dô, 100 %" minh chứng khẳng định của tôi là đúng.
Từ đây, có thể suy rộng ra, uống rượu bia thì không nên lái xe, nguy hiểm cho bản thân và cho người khác cùng đi trên đường. Nhưng quốc hội của dân thì không nghĩ thế. Số biểu quyết cấm uống ngang ngửa số cho uống, kết quả "cứ uống rượu bia rồi lái xe". Chỗ dân không nói làm chi, cấm rượu bia khi lái xe, có mà "chết" cả đám.
Không lẽ đi bộ đến chỗ tiệc tùng, đám cưới, đám ma, xong rồi đi bộ về? Nhưng ở quốc hội, cấm rượu bia khi lái xe gây bức bối nhưng phải làm, vì có biết bao tai nạn giao thông thảm khốc, người chết mỗi năm nhiều hơn chiến tranh ở một số nước mà rượu bia là một trong những nguyên nhân chính, không thế thì khẩu hiệu " Đã uống rượu bia thì không tham gia điều khiển phương tiện giao thông" dựng lên đầy đường để làm gì? Đến đây, người dân chúng tôi có quyền đặt câu hỏi:
Bỏ phiếu thuận cho phép lái xe uống rượu bia - tác hại đã rõ - nhắm đến ai? Chúng tôi có quyền nghi ngờ luật tạo thuận lợi cho các ông bà nghị nghiện rượu. Không thế mà có cả nhà sử học hùng hổ bảo vệ rượu, lại còn "hù" người khác bằng cách trích dẫn thơ HCM về rượu. Ổng lại còn lý sự bác học: rượu tác hại, vậy gạo làm ra rượu có tác hại không.
Nếu ở quốc hội, những người thuận cho phép uống rượu bia khi lái xe không hiểu luật giao thông các nước về cấm rượu bia quá mức thì có thể thông cảm, có ai giỏi hết đâu. Nhưng vì không hiểu biết mà cho phép uống rượu bia khi lái xe - đã dẫn đến chết người - thì câu chuyện chuyển qua một hướng khác: - Các vị bỏ phiếu "thuận" đại diện cho dân hay đại diện cho bản thân mình? Thôi thì, "sống chết mặc bay", lái xe cứ nhậu.