Sunday, January 21, 2024

KHÁT VỌNG HAY BỆNH CHIẾN THẮNG?

Trận bóng đá King cup, Việt Nam thắng Thái Lan đã làm nức lòng không những người hâm mộ mà còn làm nức lòng hầu như mọi người VN. Có người còn đi xa hơn khi nhận định " VN đã rửa được nỗi nhục" thua mãi Thái Lan trong quá khứ (TL:15 trận thắng, 4 huề, 2 thua).

Huấn luyện viên Park được ca ngợi như là nhà phù thủy dẫn dắt thành công đội tuyển VN, những cầu thủ như Thánh Gióng thời nay. Nhưng nếu đội bóng thua, và không chỉ một trận, trong tương lai, liệu người hâm mộ VN có rút lại những lời ca ngợi như thế và không "chì chiết" ông Park và trách móc các anh cầu thủ đã cống hiến hết sức mình trong "quá khứ"?

Có ai vô địch mãi đâu, chỉ trừ cái chủ nghĩa "vô địch muôn năm" ta thường nghe trong mấy chục năm nay. Chiến thắng có được  khi "đánh nhau" hay "đấu nhau". Chiến thắng cũng như thành công không bao giờ...mãi mãi.

Thắng thua, được mất, là quy luật của xã hội. Nhưng người VN không biết đến thua, không biết đến mất, chỉ biết có thắng, chỉ muốn hơn người?

Trong lịch sử, không phải chỉ bây giờ, người Việt Nam luôn được dạy...chiến thắng. Chiến thắng, chiến thắng, và chiến thắng. Rất hiếm chuyện thất bại được giảng dạy cặn kẽ, dù thất bại thật ra còn nhiều hơn chiến thắng trong quá khứ.

Không thế thì 1000 năm bị đô hộ đã  không có. Những cuộc chiến tranh giỏi lắm kéo dài một hai tháng, cùng lắm một hai năm. Sẽ không có chuyện "trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi".

Có thể lịch sử không dạy người dân học nhiều về thất bại, chỉ dạy có chiến thắng nên đất nước chúng ta liên tiếp cuốn hút vào nội chiến, vào chiến tranh xâm lược, vào những cuộc chiến "cùng chiến hào" với XHCH hay TBCN trong thời gian dài hay không? Thất bại là mẹ thành công.

Nhưng có ai dạy dỗ trong trường lớp thất  bại mà chỉ dạy toàn là chiến thắng, hết Tàu, đến Nhật, Pháp, Mỹ, Miên...

Chiến thắng Đống Đa, chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng 30/4... bao nhiêu người chết, bao nhiêu người hy sinh, máu đổ thế nào, hay chỉ có địch chết mà ta thì không? Hậu quả của những "chiến thắng" ấy đã đè nặng, phủ trùm mất mát lên quê hương, tổ quốc như thế nào? Hay cứ mãi ngợi ca "thênh thang tự hào"?

Chúng ta không coi thường mà phải kính trọng công lao của những anh hùng, tử sĩ, đã hiến dâng cuộc đời họ cho sự trường tồn của tổ quốc này. Nhưng con dân đất Việt cần được giáo dục và hiểu thấu cái đau đớn của tổn thất tinh thần và vật chất sau chiến thắng, dù đó là chiến thắng ngoại xâm.

Bao nhiêu người chết trong chiến tranh của cả 2 phe Nam Bắc được thống kê chính thức?

Cái giá hàng triệu người chết "cho" chiến thắng có được giảng dạy trong học đường hay không?

Những trận đánh thua, hàng ngàn người bỏ mạng có được nhắc tới không, hay chỉ có "địch" bị hạ mà ta thì không? Tôi học lịch sử từ nhỏ, và mọi người cũng như tôi, chưa học bài nào nói về trận đánh thua của ta, với những nhận xét nguyên do vì sao. Toàn là chiến thắng. Và con người Việt Nam luôn được giáo dục tự hào về chiến thắng. Lịch sử VN là lịch sử chiến thắng. Thất bại không được nhắc tới.

Tư duy như thế chúng ta sẽ chiến thắng mãi mãi, nghĩa là sẽ đánh nhau mãi mãi hay sao?

Nếu thất bại trước Thái Lan hay bất cứ nước nào trong bất cứ "trận địa" nào mà người dân bình tĩnh, bình tâm suy nghĩ, tìm hiểu vì sao thất bại, không còn chuyện chiến thắng thì ngợi ca, thất bại thì chỉ trích, thậm chí đổ trách nhiệm lên đầu những người từng làm nên chiến thắng thì phúc hạnh biết bao cho dân tộc này.

Thắng hay thua, thành công hay thất bại đều có những bài học giá trị như nhau, nghĩ được như thế, người VN chúng ta sẽ thăng tiến nhanh hơn, sẽ không còn  bị hào quang quá khứ làm ngây ngất tầm nhìn đi đến tương lai; không có chuyện thắng một trận đá bóng, mấy chục người bỏ mạng vì chạy ra đường đi bão...mừng chiến thắng. Chiến thắng quan trọng hơn mạng sống con người hay sao?