Nhiều bạn bè người miền Nam ngưỡng mộ quê tôi Quảng Nam, xứ sở có bà mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất nước. Tôi là người Quảng Nam, từ lời ăn tiếng nói, đến suy nghĩ việc làm. Nghĩ sao nói vậy.
Thật anh dũng ở một vùng quê chỉ một quận lỵ VNCH, quân đội nhân dân VN hy sinh non một ngàn người để đánh chiếm sau 11 ngày giao tranh. Số thương vong của “quân nguỵ” chưa ai thống kê nhưng chắc chắn không thể ít. Và số thường dân bỏ mạng trong khi hai bên giao tranh cũng chẳng ai nắm được. Chiến tranh luôn tàn khốc.
Các địa phương khác trên đất nước này có nơi nào khốc liệt trong chiến tranh như ở quê tôi không? Viết những dòng chữ này, tôi không muốn gợi lại quá khứ đau thương. Tôi muốn viết vài dòng để lòng mình vơi đi: quê hương tôi đang mỗi ngày thay đổi.
Không phải nhiều đường sá bê tông, nhiều trường học, nhiều khu vui chơi, nhiều cầu xây mới, nhiều chợ có các gian hàng kiên cố, khang trang, hay nhiều nhà đúc, nhà tầng, nhiều điểm tham quan du lịch sinh thái, nhiều chùa chiền, hay mỗi giờ tan học, xe máy của cách em học sinh cấp 3 chạy ngập đường; hoặc là cán bộ cấp xã, và những chủ nhà buôn, mỗi sáng tập thể dục , hay vào sân đánh quần vợt, vũ cầu. Nông dân không còn nai lưng gánh lúa. Họ chẳng phải bán mặt cho đất, phơi lưng cho trời. Làm ruộng không còn khổ cực, nhọc nhằn. Nam thanh nữ tú đi làm ở các khu công nghiệp nơi thị trấn, sáng xe buýt đón, chiều xe buýt đưa họ về nhà. Số thanh niên nam nữ khác thì vào tận Sài Gòn để làm ăn, sinh sống, có người chọn ở hẳn nơi phồn hoa đô thị.
Không phải chỉ có thế: sự thay đổi cuộc sống vật chất và tinh thần. Sự thay đổi “suy nghĩ” của giới chức chính quyền về cuộc sống, đó là điều tôi muốn nói tới. Có lẽ hơi dài dòng.
Sau cách mạng tháng 8, làng tôi xảy ra thảm cảnh; một người anh và một người em rể bị VM bắt đi mất dạng và họ không bao giờ trở về nhà với gia đình. Người anh gây nhiều oan trái cho dân làng vì cậy vào gia đình địa chủ, có người là lý trưởng (xã trưởng). Người dân rất hài lòng khi tay ‘cường hào ác bá’ bị “trừng trị” nhưng nhiều người bùi ngùi vì người em là “thầy giảng”, một ‘tu xuất , nghĩa là chưa thành ‘cha’ (linh mục) đã ra đời cưới vợ. Thầy Năm (có lẽ tu được 5 năm) tên Cảnh là người Bình Định, rất am tường “thuốc tây”. Ông từng theo dân quân tham dự các trận đánh Pháp ở đèo Hải Vân với tư cách một y tá chiến trường. Thành tích đánh Tây không giúp ông tránh khỏi cái chết vì… bị nghi ngờ: theo đạo công giáo, nghĩa là theo Tây, lại là rể của một gia đình địa chủ.
Thực dân Pháp có một thời bị coi có liên đới với các giáo sĩ đạo Công giáo. Pháp thực dân và các giáo sĩ truyền giáo là một. Nhiều người không hiểu, các giáo sĩ Tây Ban Nha ( Spain) Bồ Đào Nha (Portugal) thậm chí Ý Đại Lợi lại là những nhà truyền giáo đến Việt Nam trước người Pháp.
Sau thời Việt Minh, người hành đạo công giáo ở quê tôi cũng là nạn nhân của một sự hiểu lầm. Ở vùng quê sáng nay tôi đi đưa tang một người thân theo công giáo vừa quá cố, quan tài chở từ Đồng Nai về nguyên quán để gửi gắm nắm xương nơi quê cha đất tổ. Nơi tôi dự lễ an táng trước đây là một địa danh thảm nạn. Vị cha sở nhiều người yêu mến tên Ngợi bị “cách mạng” bắn chết trong đêm tối trời lúc vừa bước ra khỏi nhà thờ chừng non 200 mét vì có người gọi đi xức dầu thánh ‘ cho kẻ liệt, tức giáo dân hấp hối. Năm 1962, cái chết của ông là một chấn động ở một vùng quê tưởng yên bình. Nhiều giáo dân yêu mến ông ở tuổi đăng lính đồng lòng nhập ngũ về phía VNCH. Xác ông được trực thăng Mỹ chở về quê quán. Hồi ấy tôi còn bé nhưng vẫn nhận thấy người dân khóc lóc thảm thiết khi đứng chật gần sân bay để tiễn đưa vị chủ chăn ‘miệng lúc nào cũng bõm bẽm miếng trầu “, không chỗ khó khăn nào của giáo dân vùng quận lỵ chúng tôi ở mà không có bóng dáng ông. Những người chưa theo đạo cũng được ông thăm hỏi.
Sau 1975, quê tôi cũng còn nghi kỵ những vị linh mục công giáo. Cha giáo xứ duy nhất còn lại sau 3 giáo xứ khác không còn hoạt động ở vùng quê của tôi không tránh khỏi hiềm nghi. Giáo dân bỏ đạo rất nhiều không phải vì bị cấm đạo mà vì ít nhà thờ và vì đời sống quá khó khăn sau chiến tranh: cái ăn hằng ngày quan trọng hơn đức tin tôn giáo, hạt lúa quý hơn hạt ‘Mân côi.
Ông bị kết án tù vì vi phạm hoạt động tôn giáo: hành lễ nơi không phải là nhà thờ. Khi bị bắt, ông cực lực phản đối nhà chức trách. Lời lẽ chỉ trích chính quyền dẫn đến án tù cho ông. Ra tù, ý nguyện trở lại giáo xứ cũ không được chấp nhận. Ông chết với nỗi buồn trong sự cưu mang của đức cha giáo phận.
Điều tôi muốn nói, cái địa phương cách đây hơn 40 năm, một vị linh mục bị án vì phạm luật “hành lễ ngoài nhà thờ và chống đối nhà nước “ lại có một nghi lễ đưa tiễn người quá cố, vị linh mục tự do hành lễ không phải trong nhà thờ đạo mà lại trong nhà thờ tộc. Người có đạo, người không đạo (trong gia tộc người mất) đều tham dự nghi lễ của một tôn giáo, trước đây trong chiến tranh, tôn giáo này còn gây nhiều nỗi hoài nghi.
Ảnh: Vị linh mục làm nghi lễ cho người chết trong nhà thờ tộc, điều mà trước đây khó có thể xảy ra.
Mọi thay đổi đều không đáng kể nếu thay đổi ấy thuộc về vật chất. Tôi rất ngạc nhiên quê mình, tôn giáo tôi theo được chính quyền tạo điều kiện hoạt động tự do; nghi thức tôn giáo dành cho người quá cố không phải thực hiện ở nhà thờ, trước đây có vị linh mục đã đổ máu vì tự do theo đuổi niềm tin. Mọi tôn giáo ở VN đều đồng hành cùng dân tộc. Trước là Nho, Phật, Lão . Sau hàng chục thế kỷ là kitô giáo và Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo. Chỉ có chủ nghĩa cộng sản ngoại lai mới có thể chia rẽ dân tộc và tôn giáo. Không thế lực nào làm nổi điều đó. Có thể nói, tôn giáo ảnh hưởng văn hoá và văn hoá phát triển đa phần nhờ tôn giáo.