Sunday, January 7, 2024

MỘT LÀNG QUÊ

Làng là tên gọi có lẽ xuất hiện rất lâu trong xã hội Việt Nam, không biết tự bao giờ. Ở một số địa phương, người ta vẫn còn gọi nơi họ sinh ra mình là ‘làng’. Làng Hà Dục Đông, chẳng hạn. Đây là một ngôi làng trong hàng chục ngôi làng ở quê tôi Thường Đức (Quảng Nam). Quê có thể là nơi ‘chôn nhau cắt rốn’ nhưng cũng có thể là một vùng, từ còn bé cho đến lúc trưởng thành, người ta ‘sinh sống’ và ‘đi lại’ rồi coi đó như là ‘quê’ của mình.

Ngày nay, ngôi làng tên Hà Dục Đông – một anh em song sinh với Hà Dục Tây, ‘có họ hàng’ với mấy làng bắt đầu bằng chữ “Hà”, ví dụ: Hà Thanh, Hà Nha, Hà Tân…

Ảnh tác giả: Cổng làng.

Theo tôi thấy, Hà Dục (Đông và Tây) không hẳn là vùng chuyên canh cây lúa. Dưa hấu, thuốc lá, bắp, đậu phộng, đậu xanh, đậu đen…là ‘đặc sản’ của các làng này. Quí vị nhìn hình sẽ thấy cánh đồng ‘màu’ rộng mênh mông những rãnh cày như ta thấy trong tác phẩm “Gone With The Wind” (Cuốn Theo Chiều Gió) của Mỹ. Những thửa đất màu ‘vòng 1’ (đất cấp không thời hạn) của những hộ trong làng không có ‘ranh giới’. Ranh giới chỉ là những que tre ‘cắm’ trên đất vẫn không hề bị ‘lấn chiếm’ bởi người canh tác bên cạnh. Tinh thần ‘hợp tác’ tự nguyện khác xa với ‘hợp tác xã’ ngày xưa – làm nhiều nhưng ăn ít.

Làng Hà Dục (Đông và Tây) có một con sông lớn chảy qua. Nước lụt (chứ không phải lũ) đem lại màu mỡ và sự trù phú cho cánh đồng phù sa bát ngát. Khi đi qua, tôi thấy những chú chim to như nhồng, sáo, cổ cao hơn, đang kiếm mồi trên những luống cày, đồng loạt ngẩng đầu lên, người dân gọi là chim “mỏ nhát”. Đứng đằng xa, tôi nhìn chúng giống như những con ‘chàng nghịch’ – một loại vịt nước hoang dã – người ta hay bán trên đường đi từ vùng sông nước Bình Dương qua Củ Chi. Đồng loạt ngừng tìm mồi và dỏng cao cổ, chiếc mỏ dài của con chim ‘nhát cáy’, chúng có tên là chim “mỏ nhát”?

Ảnh tác giả: Khói đốt đồng.

Đi qua một vùng quê, khi bắt gặp nhiều đàn chim, ‘mỏ nhát’ hay quạ hay cò, tôi có suy nghĩ, vùng đất đang hồi sinh. “Đất lành chim đậu”. Thái độ của những chú chim rất điềm tĩnh, nhảnh nha, tuy có “cảnh giác”, nhưng không “hốt hoảng”, trước sự xuất hiện của người lạ cùng chiếc xe máy khiến tôi suy nghĩ: đâu phải tất cả miền quê đều ‘thay da đổi thịt’, không khí ồn ả, xô bồ, đua chen, ở chốn“đô thị hóa” len lỏi vào những nơi này.

Con sông Cái mênh mông nước ngoài xa làm cho cánh đồng trở nên xa tít tắp. Bên kia bờ sông là một đàn cò đang đậu, không biết cơ man nào đếm xuể. Nhìn bằng mắt thích thú hơn nhìn qua màn hình chụp của smartphone. Những ngôi nhà nho nhỏ dưới chân núi nằm theo đường chân trời, thẳng tắp. Bên kia cũng là những cánh đồng màu mênh mông có quốc lộ 14 B dẫn đến đường Hồ Chí Minh đi về Kon Tum (và các tỉnh Tây Nguyên).

Ảnh tác giả: Bên bờ sông Vu Gia (Đại Lộc, Quảng Nam).

Buổi sáng mây trắng trôi lãng đãng trên các ngọn núi xanh thẳm, trời không gió, không ánh sáng, không ẩm ướt, “nắng ui ui” (như cách gọi của dân làng) là thời điểm thích hợp cho đàn cò bên kia sông nghỉ chân. Không thấy chúng bay cũng không thấy chúng bươn chải tìm mồi trên cánh đồng phù sa từ bờ sông kéo lên sát chân núi xa xa.

Tha thẩn một hồi lâu, tôi ra tận bờ sông. Nước mênh mông chảy. Rất bất ngờ tôi bắt gặp một vài viên gạch nằm rải rác bên bờ đất xói lở - những viên gạch Hời. Tôi chắc chắn nước lụt hay cả nước lũ không thể làm ‘trôi’ gạch từ làng ra đây. Mấy viên gạch vỡ có khổ to không khác những viên gạch tôi tìm thấy ở thánh địa Mỹ Sơn. Nơi tôi đang đứng – làng Hà Dục- có thể là nơi sinh sống của những người Chàm hằng mấy trăm năm trước. Vật đổi sao dời. Người Việt quê tôi đang sinh sống trên mảnh đất của những người Hời.

Thập niên 1980, dân quê tôi có ‘phong trào’ đào hột mã não, một loại đá quý, đa phần có màu đỏ nhạt, có hột tròn như giọt nước bằng đầu chiếc đũa, có hột hình thoi nhỏ như con rô trong cỗ bài Tây (xì dách), tất cả đều có thể xâu lại bằng chỉ để đeo. Bằng cách nào, người Hời lại có thể khoan thủng qua viên đá nhỏ như thế, rất tinh tế, sắc sảo, biến những hạt đá thành đồ trang sức như là nút áo, khuyên tai, vòng đeo tay (kết lại thành chuỗi). Hột mã não thường chứa trong những mộ chum chôn rất gần nhau và khá cạn trong lòng đất. Đất quê hương tôi là đất của những người Hời thuở trước? Chắc chắn là như thế. Hiện có rất nhiều người họ Trà (dân tộc Chàm) sinh sống ở vùng quê Thường Đức, nhiều nhất là vùng gần Hà Dục tôi đang nói tới. Giả thuyết người Việt tàn sát người Chàm để chiếm đất thật hết sức vô lý và hậu họa nhãn tiền là chia rẽ dân tộc Việt-Chàm.

Ảnh tác giả: Viên gạch vỡ của người Hời.

Những viên gạch vỡ bên bờ sông Cái cho thấy có một dân tộc sinh sống an hòa ở vùng Hà Dục có cánh đồng phù sa bát ngát. Có được cái ăn qua nhiều thời đại, người dân quê tôi không nên quên, có một (hoặc những) ngôi làng có một dân tộc từng sinh sống ở đây, từng khai khẩn vùng đất là ‘rừng thiêng nước độc’ để ngày nay có những cánh đồng màu mỡ, chiếc máy cày lên những luống đất dài như trong tiểu thuyết Cuốn Theo Chiều Gió.

Người dân Hội An có tục cúng “tá thổ” (mượn đất) sau Tết Nguyên Đán thì tại sao người dân vùng Hà Dục (Đông, Tây) và Thường Đức quê tôi không có một nghĩa cử tương tự để tri ân những tiền nhân người Hời?

Sắp ra về từ bờ sông, tôi đăm đăm nhìn viên gạch vỡ, lòng bùi ngùi thương cảm. Sự sống của ngày nay có phải là sự chết của ngày xưa? Tử để có sinh? Có ai  nghĩ như thế không.

Related Posts:

  • Du lịch SÔNG CÙNGQuê tôi tên Thường Đức. Các bác ở Bắc vào lập đài chiến thắng ghi thành Thượng Đức. Trên khắp nước VN, không có nơi nào lập một lúc 2 tượng đài chiến thắng như ở quê tôi. Số liệt sĩ hy sinh để đánh chiếm quận lỵ Thường Đức gầ...… Xem thêm
  • Rau ghém" Bao giờ rau diếp làm đình. Gỗ lim ăn ghém thì mình lấy ta" Có nơi gọi rau diếp là xà lách nhưng rau diếp trong ca dao trên có lẽ là rau diếp cá? Thuở Tây sang họ mới mang theo rau xà lách. Lời ca dao là của cô gái xinh đẹp...… Xem thêm