Nhiều người hốt hoảng trước kết quả học tập 1 trường ở Vũng Tàu 42/ 43 học sinh giỏi. Nhà chức trách sẽ 'vào cuộc" xem xét. Có chi lạ đâu mà...vào cuộc. Nhắm mắt cũng biết, nếu có thể, cả triệu học sinh VN sẽ đạt 99, 99 phần trăm học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Nếu không như thế thì giáo dục nước nhà sẽ thụt lùi sao?
Không chỉ có ông giáo dục, các ông khác cũng ưa thích những "con số đẹp" như thế. Các bác để ý đố tìm ra làng nào không đạt làng văn hóa, xã nào không xã văn hóa, gia đình nào không gia đình văn hóa. Có chắc mọi làng, mọi gia đình, được công nhận "danh hiệu văn hóa" đều văn hóa?
Bệnh thành tích chính là...thằng đánh máy, tại nó hết trơn hết trọi.
Tôi là một sếp cấp nho nhỏ mô đó. Nếu tôi không có thành tích, đố mà bò lên chức. Thành tích sẽ là bậc thang dẫn lên cao. Nhưng vì hoàn cảnh éo le, mỗi địa phương có giống nhau đâu, thành tích sẽ khó đạt, chẳng lẽ bó tay? Số đẹp như vàng 4 số 9 sẽ là cứu cánh. Đẹp bên dưới và sẽ đẹp bên trên. Ai cũng win-win.
Nếu gom lại một chỗ tất cả giấy tờ khen thưởng, huân, huy chương, ghi nhận thành tích xây dựng đất nước mấy chục năm nay, núi Thái Sơn e cũng không cao kịp. Nhưng kết quả thành tích thế nào? Xây cái chi, làm cái gì, cũng ngóng tới tiền vay, tiền mượn.
Chỉ có 1 con đường huyết mạch quốc gia, cột sống của đất nước, hằng hà trạm thu phí, lý do: mượn tiền các nhà đầu tư sửa đường, làm đường, buộc phải trả tiền cho họ, BOT là lẽ sống, các bác có chi mà than vãn. Nếu than vãn, hãy than vãn ông...thành tích.
Một lớp học, một đơn vị, đâu có phải may mắn có được hầu hết học sinh giỏi, hầu hết nhân viên tiên tiến đâu. Ra chỉ tiêu phải giỏi, phải tiên tiến, thực tế không đáp ứng, buộc phải đẻ ra các con số, những con số đẹp, rứa thôi.
Mấy chục năm rồi, chúng ta không học gì được ở những nước tiến bộ chung quanh, như Thái Lan, Mã Lai, không nói Singapore, họ có như ta, nghĩa là "thi đua", "báo cáo thành tích" trong mọi mặt đời sống? Họ chả thi đua, chả báo cáo thành tích, chẳng lẽ họ thua kém chúng ta?
Tôi chưa ở Mỹ, không biết họ tiến bộ vượt bậc nhiều mặt, có nhờ phép lạ của thi đua hay không?
Cái bác giáo dục yêu quý tỉ lệ 42/43 học sinh giỏi đã thế thì xã hội, phát triển nhờ giáo dục, yêu quý con số đẹp cỡ nào?
Chừng nào giáo dục được con người VN lấy học tập làm phương tiện hiểu biết mình, hiểu biết cuộc sống, làm hành trang vào đời, không lấy học tập làm mục tiêu thi đua, bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu tốt nghiệp đại học bằng đỏ, bao nhiêu ngàn tiến sĩ, bao nhiêu ngàn giáo sư, bao nhiêu nhà giáo ưu tú, bao nhiêu nhà giáo nhân dân...lúc đó áp lực thành tích sẽ không còn đè nặng lên vai thầy, trên tâm hồn học sinh, từ rất lâu khiến giáo dục phát triển méo mó, lệch lạc.
Nhưng muốn thay đổi một thực trạng đã ăn sâu trong đầu óc mọi người mấy chục năm nay như thế thật rất cam go. Nội cái chuyện này thi, mai bỏ tốt nghiệp phổ thông, đã tốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức, huống hồ chuyện xem xét lại bỏ hay duy trì "triết lý thi đua, thành tích thi đua", bác nào mà ê a mạnh miệng sẽ bị "phạm húy" tức thì.
Nhưng, chẳng lẽ cứ duy trì con số đẹp mãi mãi 99, 99 hay sao? Ước mong cho nước nhà rảo bước cùng các nước tiến bộ năm châu mà không oằn oại với tư duy chỉ tiêu năm sau "cao" hơn năm trước. Chỉ cần ta "cao" hơn chính ta là phúc hạnh cho dân tộc này lắm lắm.
Bị phạt quỳ. Hình phạt xúc phạm nhân phẩm.