Lúc rày nóng quá, nóng từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Cô Ngọc Trinh xuất hiện lồ lộ ở thành Cannes hoa lệ tưởng sẽ mát mẻ, nào ngờ lại ...nóng thêm.
Cuối tuần, tôi không lấy đạo đức và truyền thống ra để rọi cái " Rõ ràng trong ngọc trắng ngà. Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên". (Cụ Nguyễn Du tả Thúy Kiều đang tắm, không phải tui tả NT đâu nhá). Tôi xem nhiều tranh (trên mạng) vẽ rất nhiều phụ nữ khỏa thân, nhưng rất ít thấy vẽ "phụ nam" cởi truồng. Có lẽ ít họa sĩ nữ chăng? Hay là cơ thể đàn ông phẳng lỳ, cục mịch, một khối thô thiển, hổng tròn tròn, cong cong, mỹ miều như phụ nữ?
Nhưng tôi cảm nhận phụ nữ không thích cái đẹp khỏa thân của giới mình. Không phải ghen tị nhưng trong huyết quản, chảy cả ngàn năm, họ luôn buộc thân thể phụ nữ phải được che kín bởi áo quần, đó mới là phụ nữ "đứng đắn". Không trách họ lên án "nữ hoàng nội y" chẳng bận cái nội y nào.
Đàn ông cánh báo lề phải, những kẻ đạo đức chẳng có chi tót vời, cũng nhiệt liệt lên án. Có bài báo còn lôi những bê bối tình dục để bỉ bôi cái sự kiện Cannes, ám thị nơi đây như là ổ...điếm, ai muốn nổi tiếng đều phải bước qua xác đạo diễn, ý lộn, qua thể xác của những "đạo diễn" đàn ông, cằm tua tủa râu dê. Ngọc Trinh được ngầm nhắc đến như một...tội đồ, "mối nhục quốc thể".
Những nhà đạo đức đáng kính ấy quên đi một thực tế: phụ nữ, thân thể trời ban cho họ là lẽ sống, là nguồn hạnh phúc, nhờ thân thể đầy sức sống của họ, những nhân vật đáng kính hay lẫy lừng nhân loại sinh ra, giang tay cứu độ chúng sinh hay làm nên lịch sử. Tạo hóa cho họ cơ thể đầy sức sống để họ chịu đựng nỗi đau sinh đẻ, chịu đựng "giày xéo" cả đời bởi những người họ trao thân gửi phận.
Nhân loại quên rằng, dù chỉ qua tôn giáo, con người ban đầu không mặc áo quần. (Trẻ con đẻ ra trần như nhộng, lẽ đáng tạo hóa cho nó cái bọc, bọc điều càng tốt). Nhưng khi có con rắn (Sa tăng) xuất hiện, Adam và Eva mới biết xấu hổ vì chuyện 2 người đang sống ở vườn Eden tồng ngồng mấy dạo. Cái ông Sa tăng ni ác thiệt. Tại ổng nên thân thể trời ban dù có căng tràn sức sống cũng bị chửi bới ỏm tỏi nếu không chịu mặc áo quần thật kín.
Tui nghĩ ngợi bây giờ con người rất ư là đạo đức. Không biết bài thơ và câu đối sau đây có bị Cục chi đó phạt tiền vì xâm phạm thuần phong mỹ tục, hay bị lên án không? Câu đối các cụ mừng đôi tân lang, tân giai nhân (tôi chép lại của tiến sĩ Long Chu Mộng): " Thiên kim mãi đắc tam phân nhục/ Lưỡng tộc nghênh hồi nhất bả mao". "Nghìn vàng mua lấy ba phân thịt/Hai họ đón mừng một nhúm lông" ( Tiến sĩ ổng dịch luôn).
"Tam phân nhục" gợi nhớ cái thằng Tàu (xưa) chế giễu Đoàn Thị Điểm, giả vai cô chèo đò, đón sứ, trong giai thoại VN. " An Nam nhất thốn thổ/ Bất tri kỷ nhân canh". (Ý nói của thằng sứ mắc dịch này là: An Nam ngắn như "cái đốt ngón tay", không biết bao nhiêu người "cày").
Nhưng tả cái "nhất thốn thổ" hay "tam phân nhục" đó chưa nhuần nhị bằng bà Hồ Xuân Hương."Một lỗ sâu sâu, mấy cũng vừa/ Duyên em dính dáng tự bao giờ/ Chành ra ba góc da còn thiếu/ Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa./ Mát mặt anh hùng khi tắt gió./ Che đầu quân tử lúc sa mưa./ Nâng niu ướm hỏi người trong trướng/ Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?"
Các bác lưu ý mấy từ gợi sự tưởng tượng phong phú (tôi nghiệm ra chỉ ở cánh mày râu).
"Một lỗ sâu sâu...mấy cũng vừa". Ai mới cưới vợ thời gian đầu đều có cảm tưởng " mấy cũng vừa" khi nhìn người phối ngẫu trong những đêm âu yếm, mặn nồng. "Chành ra"... Có ai chành vô chưa? "Da còn thiếu"..."Thịt vẫn thừa". Đúng là hiện thực xã hội chủ nghĩa , ý lộn, hiện thực "không phê phán". "Mát mặt anh hùng"..."Che đầu quân tử"....Anh hùng có ai chẳng thấy " mát mặt" chưa, trừ những anh hùng không có vợ, nghe. Đầu quân tử, úi cha, sao lại "che đầu" vị đáng kính ni, trời.
Phạm thượng thật. "Mát mặt" làm ta nghĩ tới "úp mặt". Có ai "úp mặt" chưa, nhiều hay ít cũng đều rất hạnh phúc."Che đầu", bầu trời mênh mông, bềnh bồng những đám mây như tóc rối, những núi đồi tròn trĩnh, bầu mộng bầu mơ, đã che thì tới đâu mát tới đó. " Nâng niu"...Ai mà không nâng niu chớ, không những nâng niu mà còn cưng như trứng, hứng như hoa. Các đấng mày râu, anh hùng, quân tử họ còn nâng niu, các đấng sao lại không. Câu kết bài thơ có 2 từ hấp dẫn nhất và sinh động nhất. " Phì phạch"... Như những âm thanh của tình yêu, của cho và nhận, của hạnh phúc lứa đôi - giữa chồng và vợ. Phì phạch... phì phạch...phì phạch...
Sao âm thanh giống "bì bạch, bì bạch"; nghe đâu là bà Đoàn Thị Điểm ra câu đối, đến nay chưa ai đối nổi, khi bà đang tắm bị Trạng Quỳnh(?) dòm trộm: "da trắng vỗ bì bạch" (da là bì, trắng là bạch, bì bạch vừa tạo nghĩa vừa tạo âm thanh, hai từ đều bắt đầu mẫu tự "b"). Bà thách đối được bà sẽ cho trạng ngó tí... thiên đường. Cũng may đối ở ngoài trời, chứ đối trong "thang máy" là tiêu đời nữ sĩ. " Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?". "Đã" được dùng như trong " quá đã", hay "quá đỉnh", cũng được. "Đã sướng chưa?". Câu hỏi kết thúc khá ỡm ờ. Có phải chỉ người "sướng" đâu, cả quạt cũng sướng, nhờ luôn được nâng niu, e ấp trong lòng người quân tử, kẻ anh hùng.
Thưa các nhà đạo đức, tôi chỉ diễn nôm bài thơ "Vịnh cái quạt" của nữ sĩ Hồ Xuân Hương thôi.
Lúc "sa mưa" cũng như "tắt gió", sao " cái quạt" này cứu độ cánh yên hùng, kịp thời quá đỗi, và cũng hàm ơn quá đỗi, cái quạt đáng yêu kia.
(Tranh Adam và Eva ở vườn địa đàng)