Chống là chữ thường thấy nhất trong xã hội VN mấy chục năm nay. Chống thường gắn liền với “cách mạng”: chống giặc dốt, giặc đói, chống Pháp, chống Mỹ, chống bành trướng, chống thế lực thù địch… Chống còn đi vào đời sống chính trị: chống quan liêu bao cấp, chống cửa quyền hách dịch, chống tham nhũng, chống suy thoái đạo đức, chống diễn biến, chống chuyển hóa…
Nhưng cái chống cao như tháp Babel trong cựu ước ky-tô-giáo “thời thượng nhất”: chống chạy chức chạy quyền. Bà chủ tịch quốc hội bảo sẽ loại kẻ nào chạy chức chạy quyền nếu phát hiện; ông đô trưởng Sài Gòn bảo đại hội tới sẽ không còn chạy chức chạy quyền; vị nguyên thủ tóc bạc đáng kính thì khẳng định, kiên quyết chống chạy chức chạy quyền. Người ta sống là chiến đấu, người Việt sống là chống.
Ông Trương Minh Tuấn khai “ký bậy” thương vụ MobiFone-AVG là do được ông sếp Nguyễn Bắc Son hứa tạo điều kiện để làm bộ trưởng. Lời hứa được thực hiện trót lọt, chẳng mấy khó khăn khi nhiều thứ trưởng khác cũng có cơ hội như ông Tuấn nhưng không được biệt đãi vì thiếu bác Washington (mấy triệu đô ông Son ẵm trọn). Chức bộ trưởng chắc chắn phải được cấp tót vời quyết định, chứ ông bộ trưởng sắp về hưu lại quyết định được sao? Nhưng không hẳn đúng như lý thuyết: việc cất nhắc một chức vụ hẳn phải qua biết bao cơ man nào cơ chế sàng lọc, quy định bởi nghị quyết, làm sao ông phó lên trưởng lại “đúng chốc” như “cơ cấu” của một ông trưởng sắp về hưu?
A, lại thằng cơ chế? Quy hoạch, cơ cấu, sắp xếp cán bộ, từ cấp xã đến cấp bộ diễn ra theo một trình tự thế nào, chỉ có người trong tổ chức biết, người dân không rõ. Nhưng nếu cho người dân tham gia hay được “ngó” chút tới quy trình ấy, biết đâu không giúp nhà nước hạn chế mấy bác chạy chức chạy quyền gây vấn nạn đau đầu cho bác Tổng? Nói vui thôi chứ dân ta nhàn nhã lắm, mọi việc đã có đảng, có nhà nước lo, họ chỉ có việc cầm một lá phiếu, chịu khó đến đầy đủ, đúng giờ phòng phiếu, thực hiện quyền công dân theo hiến pháp là OK rồi. Ai ra ứng cử các cấp là không tài không đức, không hồng không chuyên? Danh sách ứng cử viên vị nào cũng ngời sáng, vị nào cũng sẽ là công bộc nhân dân, phục vụ tổ quốc.
Có một bác facebooker tâm tình với tôi ông ta là đảng viên (cộng sản) nhưng không rõ “tập trung dân chủ” và “dân chủ tập trung” ý nghĩa thế nào. Hẳn bác này thấy tôi người Quảng Nam giỏi cãi nên mới nhờ trả lời câu hỏi hóc búa như thế. Ổng là đảng viên nhưng đi hỏi tôi là người ngoài đảng. Tôi bó tay sau khi bó gối và bó tóc, không nghĩ ra.
Tôi không tìm hiểu kỹ sinh hoạt đảng bởi đảng ở VN có vị trí đặc biệt, dân hạng hai như tôi không dễ gì được phép nói tới chứ đừng nói tìm hiểu. Kính nhi viễn chi là thượng sách. Nhưng tôi có một vài dịp may chứng kiến cung cách bầu cử (không phải trong đảng) của một vài tổ chức “ngoại vi”, những cánh tay đắc lực của đảng, không rõ cung cách ấy có giống trong tổ chức đảng hay không.
Trong cuộc bầu cử ấy, các bạn sẽ được nghe “đoàn chủ tịch” (gồm các vị sếp bên đảng, bên quản lý (hay gọi là chính quyền), một hay hai vị của đoàn thể) giới thiệu “đại biểu được bầu” in sẵn theo danh sách ABC. Vị thay mặt đoàn chủ tịch sẽ đọc tên từng đại biểu ra cho “đại hội”, và hỏi ý kiến đại biểu ngồi bên dưới, có ai thống nhất danh sách đưa ra, có phải thêm hay bớt đại biểu nào nữa không. Tất nhiên đại hội sẽ không có ai lắc đầu, xin ý kiến thêm bớt ai trong danh sách ứng cử ấy. Thật sự, đây là danh sách trước đó được họp kín đâu trong đảng ủy quyết định, những đại biểu đi dự đại hội chúng tôi chỉ có việc nghiêm nghị giơ tay nhất trí, 100%. Có ai có ý kiến khác không? Vị chủ tọa sẽ hỏi câu này theo như “thông lệ”, chứ đố ông bà nào dám “có ý kiến khác”. Đại hội thành công tốt đẹp và quý vị, nếu tinh ý, sẽ thấy trên đất nước này mấy chục năm nay, hàng nghìn nghìn đại hội lớn nhỏ, có đại hội nào thất bại không?
Ông Trương Minh Tuấn khai với người điều tra vì ước muốn làm bộ trưởng nên phải nghe lời ông Nguyễn Bắc Son làm điều phạm luật. Tôi có thể suy luận thêm, với quyền là người cao nhất của bộ, ông Son đã lèo lái một cuộc họp nội bộ để cơ cấu cho được một “ân nhân” của mình toại nguyện, và đúng theo lời “hứa” của mình. Tập thể bộ, quan trọng hơn, trên bộ dễ dàng bị qua mặt như thế hay sao, khi đề cử một người không đạo đức, tức không “hồng” (dù có “chuyên” với tác phẩm Chống diễn biến, chống chuyển hóa)? Và bản thân ông Nguyễn Bắc Son một con người được trọng vọng, kính nể, hóa ra chỉ là bên ngoài, bên trong không ra gì, thậm chí tư cách không có, đổ vấy đã đưa tiền hối lộ cho con gái, gieo nguy hiểm cho núm ruột của mình (tội tiêu thụ của gian), và nếu là người tự trọng, mình làm mình chịu, đừng kéo gia đình bị tội theo. Cách thức thế nào mà một người như thế leo lên chức bộ trưởng, lại kéo theo một người cùng “giuộc” với mình? Cái cơ chế sàng lọc người tài người đức có lỗ thủng nào không?
Có vị sẽ vặn tôi, các nước bầu cử tự do, đâu có thiếu người xấu lọt vào chức vụ cao cấp, ngay cả chức tổng thống, đâu phải chỉ VN. Tôi hoàn toàn nhất trí. Nhưng so với VN, số lượng những quan chức phạm tội nước nào (tự do ứng cử, bầu cử) có nhiều như ở ta không? Nước nào có cái lò to tướng ngùn ngụt lửa, đủ chỗ đun “rác”, nào cỏ khô,cỏ tươi, nào củi cành, củi nhánh, củi vừa, củi to khắp nếu có cuộc “tổng thu gom” cả nước không?
Người VN không phân biệt ra hai cái: guồng máy hành chính quốc gia và các hoạt động chính trị (tổ chức đảng, tổ chức chính phủ, tổ chức quốc hội...). Ở Mỹ hoặc một số nước theo tổng thống chế có tam quyền phân lập, ngay cả ở Nhật theo nội các chế có vua, nguyên thủ thay đổi xoành xoạch, nền hành chính, kinh tế của họ không thay đổi, không bị ảnh hưởng nhiều, ngay cả Thái có lúc liên miên đảo chính, vì guồng máy được thiết lập trên nền tảng chuyên nghiệp của mỗi ngành, mỗi cơ quan.
Ở ta, phó thủ tướng phụ trách văn hóa giáo dục cũng có thể làm y tế. Thống soái quân đội cũng có thể phụ trách sinh đẻ có kế hoạch. Cơ chế không được tách bạch thêm chỗ: guồng máy “nắm luôn” kinh tế, thông thường, việc này của người dân, chính phủ điều hành bằng chính sách, thu thuế dân đóng, chính phủ khỏe re, không phải nay bắt ông này, mai nhốt ông kia, tội “cố ý lạm dụng chức vụ gây hậu quả nghiêm trọng", thất thoát hàng chục, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng.
Chức vụ thường mang lại những ưu ái tùy vị trí người nắm giữ. Lương theo quy định của nhà nước ngay cả chủ tịch nước liệu có giúp họ an tâm sống, phục vụ mà không băn khoăn phải “chạy thêm” để đảm bảo cuộc sống bản thân, gia đình quan chức? Một trong những cách làm quan chức thanh liêm là họ phải được trả lương cao như ở Singapore, một thời gian cũng ngắc ngư với nạn tham nhũng.
Nhưng được trả tiền nhiều có làm cho việc phục vụ của quan chức tốt hơn không? Lý tưởng một người quan chức phải là phục vụ. Tổng thống Mỹ không phải giàu nên không nhận lương tổng thống. Ông ta yêu cái việc làm tổng thống. Ông muốn làm tổng thống. Ông muốn thay đổi nước Mỹ, đồng thời đang thay đổi thế giới. Từ chỗ là “sen đầm quốc tế”, người Mỹ hiểu ra “tự cứu mình là trên hết” (America first). Ông ta có niềm đam mê phục vụ nước Mỹ.
Ở Việt Nam, các quan chức từ nhỏ chí lớn, có thăm dò nào cho biết, lý tưởng phục phụ nhân dân, phục vụ đất nước của họ là chính, lý tưởng ấy ấp ủ trong lồng ngực, nằm sâu trong tim, ở trong khối óc không? Hẳn họ không phải bề bộn 4 năm một lần, cả đảng rồi cả nước, bấn loạn chuyện “sắp xếp nhân sự” với khẩu hiệu “chống chạy chức chạy quyền”? Thay đổi nhân sự cần làm thường xuyên, liên tục, không đợi cứ đến hẹn lại lên, guồng máy quốc gia mới vận chuyển gọn gàng, hiệu quả.
Chống chạy chức chạy quyền khác với chống HIV. Bệnh có những điều kiện phát sinh, có phác đồ điều trị, liệu trình dùng thuốc. Chống chạy chức chạy quyền rất khó ở chỗ người có thể cho chức, cho quyền như ông Nguyễn Bắc Son thực hiện cho chức cho quyền trong bóng tối, chuyện sẽ không ai biết nếu không có nhân dân (ông này rất tội nghiệp) xầm xì việc quấy quá AVG nhưng ông nhân dân cũng ngán nói tới việc buôn bán khuất tất ấy bởi nó "thuộc bí mật quốc gia", đụng tới rầy rà lắm.
Đến đây, có thể thấy ra một điều đơn giản: công khai cho dân biết, và cạnh tranh lành mạnh (qua ứng cử, bầu cử tự do) tất cả các sắp xếp nhân sự nếu sự sắp xếp ấy hết sức cần thiết. Chủ Lò sẽ ngồi uống trà tàu ngắm giang sơn thay đổi; huyết áp cụ sẽ ổn định; cụ sẽ không còn lao tâm khổ tứ “lấy lại lòng tin”, “lấy lại tình thương” của dân chúng.
Người nói vì muốn “làm quan lớn” nên tôi phải “làm bậy” sẽ không còn. Ông ta sẽ bắt chước Trump: tôi muốn làm bộ trưởng để phục vụ đất nước. Đất nước này sẽ bớt CHỐNG. Nếu có chống thì hãy tập trung chống kẻ xâm lược bãi ngầm Tư Chính. Rứa hỉ.