Tối hôm qua, chạy xe từ nhà con rể ở quận 2 về nhà con trai ở Thủ Đức, tôi gặp một người đàn ông đứng trên đường đưa tay ngoắc muốn quá giang ở quãng đường khá vắng người và không có ánh sáng đèn đường. Người đàn ông nói giọng Bắc tầm 40 tuổi dáng vẻ thiểu não, tay ôm một túi xách cũ mềm và dơ dáy thấy rõ nhờ đèn nhà hai bên đường chiếu ra, thật tội nghiệp, tôi chạy xe chầm chậm nửa muốn đón ông ta nửa muốn không. Báo chí đăng nhiều trường hợp kẻ quá giang giết người cho quá giang để cướp xe, cướp tư trang quý giá, ý nghĩ như thế thoáng qua, tôi rồ ga chạy thẳng về nhà.
Lên giường ngủ, tôi vẫn còn suy nghĩ về người đàn ông tội nghiệp đó; biết đâu ông ta là người lương thiện, không có tiền gọi xe ôm, hoặc đi tắc xi, thực sự muốn đi nhờ? Tại sao mình không ghé lại cho ông ta vài chục ngàn độ đường nếu sợ không cho ông lên xe mình? Tôi thật vô tình quá. Việc cỏn con như thế không giúp được người cần giúp. Cả đêm thao thức và cuối cùng cố an ủi mình biết đâu ông ta không phải là người muốn xin đi nhờ thật sự, đóng kịch thì sao. Cố nghĩ như thế và chìm vào giấc ngủ lúc nào không rõ.
Xã hội có nhiều sự việc đau lòng xảy ra. Sinh viên thất nghiệp mới sắm xe chạy Grab đã bị phục thuốc mê lấy mất xe, điện thoại, đồng hồ, những thứ thiết yếu cho việc bươn chải ở cái đất đô thành bon chen này. Có người không may mắn như anh sinh viên kia đã bị kẻ thuê chở ra tay đâm chết giữa chỗ vắng để cướp lấy xe, cướp lấy vật dụng tùy thân, kể cả giấy tờ sau khi đã “cướp” một mạng người.
Xã hội tuy không phải lúc nào cũng có những sự việc như vậy nhưng chúng đã khiến con người sống trong nỗi lo sợ mỗi khi phải đi trên chiếc xe và chẳng may gặp những tình huống lừa gạt vì lòng tốt như cho kẻ lạ quá giang xe. Lo sợ như thế đã làm con người hồ nghi tất cả, người xấu cũng như người tốt, khi cần sự giúp đỡ của đồng loại chuyện thường tình như thế.
Những tình cảnh khác như ăn xin đểu, ăn mày trá hình, đóng cảnh gãy tay, gãy chân, đầu băng vải tươm máu tươi, hay lê lết với cái chân bó bột trên đường, rên rỉ van lơn khách bộ hành, ngửa nón xin tiền bố thí…
Nhưng nếu có những người thực sự gặp cảnh thương tâm như thế, cần sự giúp đỡ chân tình, lại bị chối từ vì sự hồ nghi có sẵn của người qua đường, việc làm ấy bất nhẫn ngần nào?
Lẫn lộn giả chơn đã làm cho người Việt chúng ta trở nên lãnh đạm, thờ ơ, quay lưng với nỗi đau đồng loại. “Hãy cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ không nhà ngủ đỗ” (trọ), những lời dạy dỗ bác ái của tôn giáo liệu có thực hiện được hay không? Chúng ta không trách những kẻ đóng giả người hoạn nạn để được rủ lòng thương xót với những đồng tiền bố thí.
Chúng ta cũng không thể lên án xã hội chung chung, một xã hội của chính chúng ta, một xã hội thuộc trách nhiệm của chúng ta, một xã hội mà chúng ta đang sống hằng ngày.
Chúng ta muốn thấy thái độ của nhà chức trách trước những vấn nạn như thế. Tuy chúng không nhiều nhưng như tôi nói chúng đã gây mất lòng tin và lòng bác ái con người dành cho con người. Mác nói : “Chỉ có những con vật mới quay lưng với nỗi đau của đồng loại để trau chuốt bộ lông của mình".
Nhiều người trách cứ thậm chí “lên án” ông Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng khi ông đã mất đi; nhưng thật không công bằng khi không công nhận những đóng góp của ông cho một diện mạo của thành phố Đà Nẵng như hiện nay. Có một thành phố nào trên đất nước này , cùng “dưới sự lãnh đạo của Đảng” (viết hoa), so sánh được thành phố ven biển, trên bờ sông Hàn, dưới chân Sơn Trà miền Trung này hay không?
Một trong những chuyện “vặt vãnh” là Đà Nẵng thời Nguyễn Bá Thanh không có “ăn xin”. Có nhiều cách để dẹp nạn ăn xin này ở đó, tôi không đi vào chi tiết, nhưng muốn nói rằng chuyện ăn xin ở các thành phố lớn, mang lại hình ảnh nhếch nhác luộm thuộm, không phải là không giải quyết được tốt đẹp vì rõ ràng ông Nguyễn Bá Thanh làm được thì bất cứ ông bí thư thị trưởng nào trên lãnh thổ đất nước này cũng có thể làm được.
Không phải để đạt được “thành phố xanh, sạch, đẹp” vì không có nạn ăn xin, cái lớn hơn, đó là không để những người nghèo khổ, hoạn nạn, gặp bất hạnh…phải lây lất ở một nơi chốn phồn vinh mà “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, và cái lớn nhất đó là: không có chuyện giả chơn lẫn lộn, phát sinh từ chuyện ăn xin này, con người không còn phải hồ nghi giúp đỡ người tốt thành giúp nhầm kẻ bất lương.
Và như đã kể, tôi sẽ không phải bứt rứt cả đêm không ngủ vì đã không giúp một người cần giúp đỡ.
Thành phố không phải lớn vì những tuyên bố Sài Gòn sẽ như Singapore hay Hà Nội sẽ như Paris một ngày nào đó nhưng nó “lớn” nhờ làm những “chuyện nhỏ”, như tôi đã trình bày, đã từng làm được ở thành phố Đà Nẵng quê tôi.