Saturday, January 20, 2024

CHÁO LÒNG

Đôi ba tháng ở Sài Gòn, thi thoảng trốn gia đình, tôi hay len lén đi ăn cháo lòng. Trốn là vì nghe “ăn cháo lòng”, bà xã và các con tôi nhao nhao phản đối, lòng bây giờ độc lắm ông à, ba à. Đây là nói về lòng heo chứ không phải… lòng người.

Món cháo lòng đã thấm vào đời sống con người thôn quê Việt Nam. Thịt quý nên phải tận thu lòng, tạo một món cháo, phục vụ được nhiều người. Ăn lòng nấu cháo thì sao bằng ăn thịt chế biến nhưng cháo lại ngon hơn mới kỳ cục đó chớ. Cái ăn thật sự đã ám ảnh người Việt từ xa xưa. Cảnh sống hoàn toàn phụ thuộc vào cây lúa, vào nghề nông, bấp bênh vì thời tiết thất thường, cái đói luôn đe dọa và cái ăn trở thành quan trọng. Ăn đã đi vào văn học dân gian.

"Con gà cục tác lá chanh

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi

Con chó khóc đứng khóc ngồi

Chị ở đi chợ mua tôi đồng riềng.

“Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. “Ăn mày mà đòi xôi gấc”. “Miếng thịt làng hơn sàng thịt chợ”. Đến bây giờ tiếng Việt vẫn diễn tả những sự kiện quan trọng trong cuộc đời con người bằng “ăn”: ăn tất niên, ăn cưới, ăn đám, ăn tết trung thu, ăn tết nguyên đán, “ăn mừng” chiến thắng 30/4…

Trong các loại thịt người Việt hay ăn, thịt heo (lợn) là phổ thông nhất.

Trong nền hội họa cổ xưa VN, dù không mấy đồ sộ như nền hội họa phương Tây, chú lợn được vẽ trên tranh Đông Hồ, tương đối nhiều, với những ý nghĩa gửi gắm những ao ước trên bức tranh rất sâu sắc: sự sung túc, đầy đặn, béo tốt, béo tròn, chóng phát triển, là những ao ước cả đời người dân quê, thậm chí họa sĩ còn vẽ trên tranh lợn biểu tượng của âm dương, của giao hòa vũ trụ. Điều ngạc nhiên rất ít tranh xưa vẽ về chó, con vật trung thành nhất với con người mà lại nhiều về lợn.

Hồi tôi còn là sinh viên, những vị thầy dạy thường du học từ Mỹ về; các thầy kể, qua đó không thiếu thứ gì, chỉ thiếu mỗi…lòng lợn. Thập niên 50, thức ăn cho chó ở Mỹ chưa đóng thành hộp, các thầy nói lại. Muốn ăn lòng lợn buộc phải “tranh” với chó. Tranh đây nghĩa là chen nhau sắp hàng chờ đến lượt mua lòng lợn sống đã làm sạch, về nhà hì hục luộc chín, xúm nhau ngồi ăn, trong đời sống xứ không chuộng lòng heo, của những sinh viên du học. Vài người Mỹ ngạc nhiên, mấy thằng châu Á này cũng nuôi chó à, thời đó người có điều kiện mới nuôi chó và họ đâu có ngờ các thầy của tôi “nuôi” chính mình vì ghiền lòng lợn.

Ở nông thôn xưa, mỗi năm vào những ngày trọng đại, người quê mới “hạ heo” tức mổ lợn, nhất là ngày giỗ, ngày cưới, ngày chạp mả, và ngày tết. Thịt lợn, lòng lợn, là món ăn “cao lương mỹ vị” đối với những người nông dân chân lấm tay bùn, vất vả với cày cấy quanh năm.

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.

Câu đối tả đặc trưng mùa xuân tươi đẹp bắt đầu bằng “thịt mỡ”. Thịt mỡ với dưa hành vinh dự xếp hàng trước câu đối, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh…những hình tượng nên thơ của một mùa xuân quê hương Việt Nam. Thịt mỡ ư? Nhiều Cholesterol nguy hiểm cho sức khỏe lắm đó. Người theo Do Thái giáo, Hồi giáo không bao giờ ăn thịt heo, hẳn họ đã biết nó hại. Nhưng hề chi, con lợn, thịt lợn, song hành cùng văn hóa của người VN mấy ngàn năm nay, có thấy nguy hiểm chi mô cho sức khỏe, lại còn tốt nữa không chừng; VN đánh quân xâm lược Tàu, quân xâm chiếm Nguyên Mông, thêm hai ông lớn là thực dân Pháp và "đế quốc" Mỹ thành công vang dội. Biết đâu trước khi lên đường đánh giặc, những chàng trai Việt Nam khi ấy đã được cha mẹ thết đãi cho món thịt luộc và lòng lợn, “ăn một bữa rồi đi”. "Đóng góp yêu nước" của món lòng lợn đâu phải là nhỏ bé.

“Con lợn có béo thì lòng mới ngon”. Mỡ mà chê à. Mèo nào mà chê mỡ chứ. Thịt heo mỡ, nhất là thịt ba chỉ, mới ngon, không tin hỏi tất cả những người ăn thịt heo thì biết.

Vì nhớ những ngày còn bé ở quê, lâu thật lâu mới được thưởng thức món ăn dân dã này, và vì thường bị quyến rũ bởi những câu ca dao tục ngữ về lợn, bản thân tôi thời gian năm ba tháng, nhân lúc nhà vắng vợ, xuống tầng hầm để xe, mắt dáo dác nhìn trước ngó sau , nhẹ nhàng dắt xe ra và bí mật đến một tiệm cháo lòng, trong một con hẻm vô danh, cho nó chắc, tiệm cháo của một phụ nữ nói giọng Bắc thật dễ thương, hơi đẫy đà nhưng nước da rất trắng, miệng luôn như hoa, nơi chỉ dành cho những người “hoài cổ” không hề sợ “chết” (vì lỡ phải lòng) như tôi.

Tôi cảm thấy hạnh phúc khi ăn “ngấu nghiến” một tô cháo lòng có hành củ tím, rau mùi các thứ, nghi ngút khói thơm ngon, sau đó thư thái chạy xe về nhà, mong một dịp khác "thiên thời địa lợi", lại đi thưởng thức lần nữa một món ăn thấm đẫm tình quê, và thương thay, món ăn mà bây giờ rất nhiều người e ngại khi nhắc đến. Một món ăn truyền thống dường như sẽ mất đi một ngày không xa.