Nỗi sợ luôn khó chịu nhưng nó đeo đuổi con người cả đời. Lúc nhỏ khi đi học sợ bắt nạt, sợ bị bạn “không chơi”, sợ cô cho điểm kém, sợ thua sút bạn cùng lớp, cuối năm sợ không lọt vào tốp học sinh giỏi, về nhà sợ cha mẹ rầy la. Lớn lên chừng mười tám tuổi sợ không đỗ đại học, sợ nổi mụn ở mặt, sợ chẳng có ai yêu mình và sợ mình không yêu được ai. Lập gia đình, sợ ở nhà trọ, sợ không mua được nhà, sợ không hạnh phúc, sợ sinh con không nuôi nổi nó. Nói chung nỗi sợ luôn đồng hành trên bước đường đời phía trước.
Nhưng nỗi sợ ấy không lớn bằng nỗi sợ không sống như mình muốn, mình yêu. Tôi gọi là “nỗi sợ xã hội”. Những năm sau ngày 30 tháng 4, nỗi sợ xã hội rõ ràng nhất. Những người của chế độ cũ sợ hãi về số phận của mình, của gia đình mình. Những người “cách mạng” cũng sợ mình có những thân nhân là “ngụy quân ngụy quyền”.
Một vị cán bộ lớn cấp tỉnh có con trai là sĩ quan cải tạo trong tù. Ông thăm nó (bạn tôi) một lần duy nhất cho đến khi nó ra trại 4 năm sau đó. Hai bố con trở thành hai “kẻ thù” trong một gia đình có một bà mẹ, một dạ nuôi con khi chồng đi tập kết. Bạn tôi đau xót kể lại chuyện gia đình khi anh sống cùng cha. Anh đang ở Mỹ và luôn đau đớn khi nhớ lại, lúc ra tù anh phát hiện mình không phải là đứa con lẽ ra được cha yêu mến khi ba người được “sum họp” một nhà sau tao loạn chiến tranh.
“Quan điểm chính trị đã chia rẽ cha con”, bạn tôi kể. Cha anh luôn lấy những hình ảnh lãnh tụ của mình ra để “giáo dục” anh nhưng anh lại cực lực phản bác, thậm chí “đả kích” vị lãnh tụ thần thánh đối với cha anh, một hành vi báng bổ trong suy nghĩ của một cán bộ kiên trinh gương mẫu.
Khi cha mất đi nhiều năm, đã qua tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận”, anh mới nghiệm ra cha anh là con người rất tốt. Ông, không như những người khác sau năm Mậu Thân ác liệt, được khuyên nên lập gia đình ở Bắc, vẫn mong ngày gặp lại vợ và anh, giọt máu duy nhất của mình. Có cuộc sống cán bộ cấp tỉnh nhưng ông không coi trọng của cải vật chất; khi được cấp nhà, ông không nhận và nhường lại một người bạn chưa có nhà, vì ông đã có nhà mẹ anh tần tảo với đôi quang gánh trên vai, mua được trong những năm tháng chiến tranh.
“Đảng và Bác đối với ông là tình yêu thiêng liêng, vô hạn”, bạn tôi nói, “nhưng tao là kẻ bị tù vì ở phe đối nghịch, làm sao tao yêu họ như bố tao”. Nó buồn bã kết luận: “bố rất yêu tao, nhưng bố sợ “mất quan điểm cách mạng” khi không “giáo dục” được tao, lúc ấy luôn chống báng, đả kích cái chủ nghĩa ông hy sinh cả tuổi xuân và hạnh phúc gia đình để theo đuổi trọn cả cuộc đời”.
“Nỗi sợ, nỗi sợ khi có con là “ngụy quân” đã khiến bố tao không dám thể hiện tình yêu của một người cha đối với con trong quan điểm “cách mạng”. Tao ân hận không nói được lời xin lỗi bố khi ông còn sống, là mình đã không hiểu được ông”.
“Nỗi sợ đã ám ảnh bố quá lớn, quá tàn nhẫn, nó cản trở tình yêu tự nhiên một người cha dành cho một người con”. Tôi ái ngại nghe bạn mình chấm dứt câu chuyện cũ, đôi mắt nó rơm rớm, quen nhau mấy chục năm, tôi chưa từng thấy nó khóc.