Trên tấm bia tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám năm 1442, có khắc những dòng chữ :"...Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết..." (Thân Nhân Trung).
Đoạn văn không dài nhưng cô đọng, khái quát. Hiền tài thời buổi ấy có lẽ là những người có tài văn chương, thông kinh sách thánh hiền, đỗ trạng nguyên, tiến sĩ, rồi ra giúp dân, giúp nước. Hiền tài thời ấy hẳn không đa dạng và nhiều như bây giờ nhưng người xưa cũng rất cẩn trọng khi tuyển chọn họ.
Định nghĩa thế nào là hiền tài thời nay? Những người có bằng tiến sĩ, giáo sư, viện sĩ, hoặc là nghệ sĩ nhân dân, nhà giáo nhân dân đều là…hiền tài? Như thế, đất nước này “hiền tài” còn nhiều hơn lá mùa thu…Hiện nay ai là hiền tài, rất khó có câu trả lời thích đáng.
Thiển nghĩ: hiền tài là những người tài ba, đức độ, sẵn sàng cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước. Hiền tài VN trọng dụng như thế nào gần một thế kỷ nay? Một đặc điểm dễ nhận biết là hiền tài không được trọng dụng, không phải vì họ không có cơ hội, nhưng cơ hội không phải là của họ.
Những hiền tài được đào tạo thời Pháp thuộc sau này đã buộc ngã theo hai phe vì lịch sử: phe Việt Minh và phe không Việt Minh. Nếu không có phe nào, chỉ có một “phe” là tổ quốc, khối hiền tài ấy đóng góp hiệu quả biết bao cho dân tộc.
Sau 1945, một số hiền tài bị phe bên kia tiêu diệt, số may mắn còn sống sót thì cũng trốn khỏi nước để cứu lấy thân, tha phương chờ thời. Hiền tài còn lại nếu lượng định được, chỉ “non” phân nửa. Hiền tài ấy phải cầm súng đánh Tây, đuổi Tàu, số người chết đi không ít.
Năm 1954, hiền tài lần nữa lại chia rẽ về hai ngả: Sài Gòn và Hà Nội. Hà Nội tiến hành cải cách ruộng đất, đấu tranh chống Nhân văn giai phẩm, xét lại. Số hiền tài nằm trong những người mất mạng hay bị đọa đày chắc cũng có, không nhiều thì ít. Số hiền tài ở chế độ VNCH cũng có số phận tương tự, dù rất ít. Nguyễn Tường Tam, Hồ Hữu Tường…là một trong số rất ít đó.
Rồi “cách mạng 1.11.1963” đã loại bỏ một hiền tài của nền đệ nhất cộng hòa. Đám tướng lĩnh “hiền tài” nghe lời Mỹ, giết chết con người mà sau này chính họ và người Mỹ than thở, trong đám “hiền tài mang lon tướng tá”, không tìm ra ai bằng cái người họ cho thuộc hạ nổ súng vào đầu lúc tay chân bị trói.
Cuộc chiến tranh khốc liệt hơn 3 triệu người chết 2 bên, trong đó không có hiền tài? Số hiền tài miền Nam và trong gần 1 triệu người di cư vào Nam cũng không thoát khỏi số phận đắng cay sau 30/4/1975.
Chạy trời không khỏi nắng. Trong núi rừng âm u hàng trăm trại cải tạo, những người bị giam giữ không xét xử, có người bỏ mạng vì bệnh tật, hay những người vượt biên trên biển mất xác, không có hiền tài trong những nhóm người ấy hay sao?
Số người may mắn khác trước đó được người Mỹ di tản ra khỏi nước, sống những năm tháng nhớ quê buồn tủi nơi đất khách quê người, không có ai là hiền tài ?
Hiền tài do lịch sử chiến tranh bị phân tán và mai một mỗi ngày. Đất nước thống nhất liền một dải nhưng hiền tài của 2 phe do lịch sử có thống nhất một lòng, anh em Nam Bắc một nhà?
Hay vẫn còn nhức nhối những câu như “bọn thế lực thù địch” , “bọn cộng sản Hà Nội” trong tâm trí của một bộ phận người VN.
Đã gần nửa thế kỷ, vết thương dân tộc vẫn chưa liền da, muối vẫn xát, xát thật đau mỗi khi tưng bừng mừng “đại thắng”.
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” vẫn chỉ là ước muốn khi người Việt Nam chưa thật sự bắt tay nhau, chân tình từ trái tim, chứ không phải bởi đầu môi chót lưỡi.
Chưa kể, cách tuyển chọn “hiền tài” cho đất nước hiện nay thật bất cập, chỉ giới hạn trong số một nhóm người gần 4 phần trăm dân số cả nước. Rồi những “hiền tài” bị tước thẻ đảng, ra đảng, hay đang ở trong tù (chúng ta “giàu” hiền tài thế ư?).
VN sẽ cất cánh thật sự nếu “hiền tài là nguyên khí quốc gia” không phải là câu khẩu hiệu, và không còn đầu óc phân biệt hiền tài bên “ta” hay hiền tài bên “địch”.