Sunday, January 21, 2024

CÔNG PHƯỢNG- cầu thủ xuất sắc của quốc gia, không thể gọi anh là “cháu”, là “em”, là “con”.

Anh là cái tên được nhắc nhiều nhất từ hôm tới giờ. Và sẽ còn được nhắc nữa. Nhiều người trách ông Park tại sao để Công Phượng đá phạt. “Anh ta hay đá hỏng lắm mà. Sai lầm, quá sai lầm, cái ông Park này”.

Tôi khuyên ông khi đưa lên đỉnh bóng đá VN thì chuồn ngay về nước, lấy rượu sâm ra nhâm nhi rồi ngâm thơ Thế Lữ “Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng”, chứ ông cứ trụ miết ở VN với bóng đá xứ sở này, sớm muộn cũng ngâm tiếp “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu/ Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thu”.

Danh thủ bóng đá quốc tế còn đá hỏng phạt đền, huống hồ chi Công Phượng. Lại còn bóng gió trách cứ ông phù thủy bóng đá VN, vài tiếng trước đó được ngợi ca như lãnh tụ. Ở đây, không đi sâu chuyện đó, tôi muốn nói cách gọi hay xưng hô với cầu thủ có đôi chân dẻo, đi bóng thần tốc như trong kiếm hiệp Kim Dung môn “Lăng ba vi bộ”. Không nên trách “em” ấy. Có vị còn bảo. Công Phượng không có sao đâu “con”.

Trong Facebook, cách gọi thân mật như thế có thể hiểu được, vì dù có công khai (public) những status vẫn là của một cá nhân (private). Nhưng trên TV, kênh thông tin đại chúng,  các phát thanh viên một tiếng “các em”, hai tiếng “các em”…Có vị bình luận bóng đá có tuổi được mời còn gọi các cầu thủ là “các cháu”, "các cháu".

Ngôi thứ, cách gọi trong tiếng Việt thật tế nhị nếu không nói là khá phức tạp. Vào trong các công sở ta sẽ nghe “thưa anh” nếu người được gọi còn trẻ, ngang tuổi, “em à” nếu trẻ hơn, “thưa chú, thưa bác” nếu lớn tuổi hơn. Nhưng nếu căn cứ vào lứa tuổi để định cách xưng hô như thế cũng có chuyện tréo ngoe.

Khi vào những địa điểm giải trí “nhạy cảm”, tuổi tác nhất là quý ông, luôn được hạ thấp, càng thấp càng tốt, thấp tuổi ở những chỗ có các cô xinh như hoa hậu, chân dài còn hơn Ngọc Trinh, đồng nghĩa với trẻ, còn sức sống, nghĩa là còn sung. Có trường hợp quý ông chuẩn bị về hưu diện 65 tuổi được các tiên nữ bắt chuyện “ anh chắc bằng tuổi…ba em ở nhà”, có trẻ ngây ngô từ quê lên tỉnh, còn thật thà nhận xét “anh tuổi bằng…ông nội em”…

Tưởng như thế, hạ tuổi sẽ được lòng các “thượng đế”, thật ra không phải lúc nào cũng đúng.

Tôi và một số ông bạn già vào một chỗ uống bia. Các tiếp viên nữ quảng cáo bia thường được tuyển rất trẻ và rất đẹp, không trẻ không đẹp, bia bán cho ai? “Anh để em mở nắp bia cho anh”, một cô cao ráo, trắng trẻo vừa cười vừa tựa sát vào vai bạn tôi đề nghị. Bạn tôi bỗng dưng trợn mắt, nhìn lườm lườm cô gái như quái vật và quát to “Ai là anh cô? Tôi nói cho mà biết, cháu nội tôi còn lớn tuổi hơn cô”.

Cô gái bẽn lẽn và chúng tôi cũng bỡ ngỡ. A, thằng này là nhà giáo được đào tạo thời VNCH, cả đời có vào chỗ uống bia “sơn thủy hữu tình này đâu”.

“Hạ” tuổi để cho quý ông được “trẻ” trong nhiều trường hợp kết quả lúc nào cũng mỹ mãn đâu.

Nếu ở Mỹ (hay ở Pháp), cháu nội nói chuyện với ông nội chắc chắn sẽ xưng là “I” (tôi) và “You”(ông, bà, cô, chú, bác, ông nội, bà nội, ông cố, bà cố…).

Có thể cách gọi phân biệt ngôi thứ, tuổi tác là nếp văn hóa, truyền thống của người Việt Nam. Không rõ người Trung Hoa có xưng hô thứ bậc hay tuổi tác như VN hay không nhưng tôi có biết có 2 từ “Ngộ” (tôi) và “Nị” (ngôi thứ 2) ví dụ như “Ngộ ái nị”.

Cách xưng hô những tên gọi khác nhau đối với người cùng gia đình, họ hàng, hay người đối diện có tuổi tác khác nhau như thế, chừng mực nào nói lên “đầu óc còn phân biệt” của người Việt chúng ta?

Bác chắc khác với chú, cô khác với dì, ông nội khác với ông ngoại…từ đó cách gọi cũng nhuốm tình cảm ở bên trong, tình cảm có thể nặng,  có thể gần, và cũng có thể nhẹ, có thể sơ. Có khi nào ta thuộc vai lớn, đẻ ra vào cái tuổi có những người lớn tuổi ngang cha mẹ ta gọi ta bằng anh và từ đó cái chức anh “cha truyền con nối” luôn luôn lớn mãi ra xã hội, vượt ra khuôn khổ thứ bậc của dòng tộc?

Tôi từng chứng kiến trong những lần chạp mả ở một số tộc họ, người “trưởng tộc” tuổi còn nhỏ, mặt còn non choẹt, lớn tiếng sai biểu những cụ ông râu tóc bạc phơ, gọi họ bằng “chú” (vai nhỏ) một cách kẻ cả, pha phần hống hách, ta là trưởng tộc mà, trưởng tộc danh giá, giàu có nữa chớ (ông này nghèo rớt mồng tơi có dám to tiếng không nhỉ).

Do ngôn ngữ và văn hóa, người Việt phải sử dụng những từ ngữ khác nhau để xác định vai vế, tuổi tác người đối diện trong các cách xưng hô nhưng cũng đừng quá câu nệ, những danh xưng tưởng lớn như bác, chú, cô, dì, hay trên nữa thực ra là ngôi thứ 2, là You, còn ta dù có cháu,con, ông nội, ông cố cũng là I, ngôi thứ nhất. Nghĩ như thế để cư xử với nhau cho phải đạo.

Đừng có chuyện hễ đẻ ra, xuất thân  từ “thứ bậc cao”, tài cán không ra gì, trình độ thì “đập dập kéo lết”, điểm thì mua, bằng thì dỏm, nhưng lúc nào cũng nhơn nhơn ta là “hồng phúc dân tộc” dựa hơi, ăn có, luôn suy nghĩ mình là phái nhất, nhánh nhất, buộc phái nhì, phái ba, phái một ngàn... phải gọi ta là “anh”, là” bác” mãn đời.

Công Phượng, ơi, Công Phượng, dù có đá hỏng quả penalty để VN vuột mất chức vô địch, tôi vẫn gọi là Anh Công Phượng, và anh cũng chẳng cần ai thương hại cảm thông, gọi anh là “em”, là “con” làm chi.

Nếu khi về nước được vinh danh, có ai ghì anh xuống để xoa đầu như xoa đầu một đứa con nít, anh hãy ngẩng cao đầu từ chối nha anh. Công Phượng. Anh là niềm hãnh diện của bóng đá Việt Nam.