Saturday, January 20, 2024

CÔ TÔI

Tôi vài năm nữa bước qua 70, nếu cô tôi còn sống bà phải ngoài một trăm hai chục tuổi. Cô là chị kế sinh trước cha tôi trong một gia đình cả thảy bảy anh chị em. Chừng 8 tuổi, cô bị bỏng nặng trong một trận cháy thiêu rụi gần phân nửa những ngôi nhà tranh, có lẽ trước cả lúc Bảo Đại về nước, ở một vùng quê xa tít tắp, sát chân dãy Trường Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Vết bỏng nặng làm biến dạng gương mặt nhưng không làm cô xấu đi nhờ còn đôi mắt hiền hòa và nụ cười đôn hậu. Ông nội gả cô về làm dâu một làng quê bên kia sông, một làng quê có cái tên nên thơ là Non Tiên. Ngôi làng xinh đẹp nhờ ở sát chân núi quanh năm xanh thẫm những tàn cây cao vút, có những căn nhà nho nhỏ xa xa nhìn như trong truyện cổ tích, nằm rải rác dọc theo bờ sông uốn cong; sông lững lờ chảy qua ngôi làng như muốn nấn ná giơ tay chào trước khi quay dòng đổ về phía hạ nguồn; nước sông trong vắt thấy cả cá con bơi lội, một làng quê thanh bình. Lúc còn nhỏ mỗi mùa hè nước cạn, tôi lội bộ qua sông thăm cô thường xuyên lý do thật trẻ con vì nhà cô có hai cây ổi ra trái quanh năm, khi chín những quả ổi tròn nho nhỏ có mùi thơm dìu dịu, ruột bên trong màu hồng tươi tắn.

Thi thoảng cô gửi cho tôi mang về cho em bà - là cha tôi - những túm cá hoặc lươn gói trong lá chuối xanh hơ lửa, bên trong có một ít nước cột bằng sợi dây tướt từ bẹ chuối rất chắc. Những dịp lễ tết, thôi theo cha qua nhà cô. Ông không quên bắt tôi bưng theo một thúng nhỏ chứa đôi ba ô (lít) nếp  cho cô nấu xôi, gia đình cô vẫn còn khó khăn, chồng cô mất sớm, cô phải tần tảo nuôi hai anh tôi.

Đó là những năm tháng yên bình nhất ở quê tôi sau khi nền cộng hòa thành lập được đôi ba năm.

Rồi chiến tranh ló mặt. Ban đầu là những anh du kích về làng ban đêm, và ban ngày là lính quận. Sự có mặt của họ như nước với lửa. Hễ có “cách mạng” thì không có "quốc gia". Không bao giờ họ muốn gặp nhau nhưng nếu gặp thì lúc đó có máu người đổ, không của bên này thì cũng của bên kia.

Tôi  theo cha mẹ gấp rút tản cư về Hội An trước khi Mỹ qua và chiến tranh bùng nổ ác liệt; lý do gia đình phải đi khỏi làng vì tôi có anh ruột là công chức "quốc gia", ở lại sẽ có nguy cơ bị khó dễ vì là gia đình “đối tượng”.

Từ đó, gia đình tôi và gia đình cô không còn liên lạc được với nhau. Hoàn cảnh chiến tranh, việc liên lạc hết sức khó khăn, quãng đường non 50 cây số từ quê tôi ra Hội An đầy hiểm nguy rình rập, đường luôn có mìn gài hoặc luôn có súng nổ bom rơi do đánh nhau.

Chiến tranh chấm dứt, tôi mới nghe được chuyện về gia đình cô tôi. Con cả của cô làm chính quyền ấp và bị “cách mạng” bắt trong một trận đánh ở một bót gác đầu làng. Cô tôi từ nhỏ vốn cam chịu, đành nuốt nước mắt vào trong phần nhớ con, phần chăm hai cháu nhỏ, chị dâu tôi thì nay ốm  mai đau. Anh tôi biền biệt từ khi bị bắt cho đến khi cô tôi phải tản cư ra Đà Nẵng, dắt theo hai đứa cháu không cha, mẹ lập gia đình khác, và một thời gian sau, bà không nuôi nổi, buộc phải gửi cháu vào cô nhi viện Hòa Khánh. Từ đó cho đến khi cô mất vài năm sau thì “giải phóng”, hai đứa cháu mồ côi cha tản lạc phương xa, đến bây giờ, sau thời gian cất công tìm kiếm, tôi mới gặp chúng ở một nơi cách làng quê cô tôi non ngàn cây số.

Cô mất do già yếu, được xóm giềng chôn ở nghĩa địa Nam Ô và thời gian đói khổ sau 1975, không thân nhân, không ai biết có lệnh di dời mộ vì nhà nước quy hoạch, thân xác cô tôi không rõ đã trôi dạt phương nào. Cái chết của cô ở tuổi già không thương cảm bằng cái chết của hai anh tôi ở tuổi thanh xuân với nhiều oan khuất.

Cái đói và sốt rét rừng những năm 1960 là nỗi ám ảnh khủng khiếp cho những người bị bắt cùng anh tôi còn sống nhớ lại. Vì quá đói, anh tôi nhiều lần mò ra nơi trồng sắn của trại, nhổ trộm vào ban đêm, lúc tù nhân không bị giam giữ chặt chẽ như ban đầu. Chuyện có lẽ sẽ êm nếu anh không chia sẻ những củ sắn nướng khi đi lao động bên ngoài với vài người bạn cũng đang rất đói. Một anh giấu sắn nướng đem về trại để khuya ăn thêm cho đỡ đói và bị bắt quả tang. Tên anh tôi bị khai ra. Người ta nhốt riêng anh ra khỏi bạn tù một thời gian, cách ly bí mật. Không rõ ăn uống thế nào hay có bị tra khảo gì không nhưng khi được trả về trại, thân hình anh rất tiều tụy và anh lặng thinh như người câm dù tính anh rất thích chuyện trò. Các bạn tù không hiểu anh tự ý không nói hay bị người ta không cho anh nói.

Đói quá sinh liều và rủi ro thay, anh bị bắt lần nữa và cũng là lần cuối cùng. Củ sắn không quan trọng nhưng kỷ luật mới quan trọng. Các người tù đều được quản tù "quán triệt" rất kỹ không được ăn cắp dẫu có đói rã đến chết khi chưa được cấp phần ăn. Muối và sắn luộc là phần ăn thường bữa những năm Mỹ rải chất khai quang. Hồi ấy ở tù không ai biết nơi nhốt và cũng không có thăm nuôi.

Anh tôi được dẫn đi một nơi khác vào một buổi tối, biệt tăm, cho đến bây giờ đã gần 60 năm không một tin tức gì về anh, và không một ai biết anh đã sống thế nào, hay anh đã chết, gửi xác một nơi nào đó giữa rừng sâu.

Đau đớn khi nhắc tới anh nhưng tôi càng đau đớn hơn khi nghe kể cái chết của em ruột anh, tức anh Th. của tôi. Anh đi lính nghĩa quân ngoài quận một thời gian thì vứt súng lại đơn vị, bỏ trốn về nhà, không phải theo “cách mạng” mà theo lời nhắn về nhà của cô tôi lúc đó. Cô đang sốt rét và hai đứa cháu con của người anh ở tù, mẹ chúng đã đi bước khác, đang bị bệnh kiết lỵ. Anh hốt hoảng không biết phải xử lý bệnh tình của mẹ và hai đứa trẻ thế nào. Trở ra quận để xin thuốc hay mang mẹ và cháu đi ra ngoài đó cũng không được vì sợ hãi, anh đã bỏ vùng quốc gia để về vùng cộng sản. Hồi đó dân làng tản mát đi các nơi khác, số ít vô rừng theo cách mạng, số đông khác ra khu tạm cư sống lay lắt, không có ai để giúp đỡ anh trong lúc nguy khốn ấy.

Anh có một người bạn cùng làng trước có đi du kích xã nhưng đã bỏ về, vì phải ở nhà chăm sóc người vợ trẻ cũng đang bệnh sốt rét. Hai người rủ nhau đi vòng qua chỗ đóng quân của quận lỵ bằng cách băng rừng, lội qua sông suối, về một thị trấn cách đó chừng 20 cây số để mua thuốc về chữa những người đang bệnh.

Trên đường đi hay về gì đó, có lẽ là lúc về. Họ bị một số lính Nùng có vài lính Việt (lính người dân tộc Nùng, do Mỹ tuyển dụng và trả lương) bắt vì nghi là Việt Cộng hoặc tiếp tế cho Việt Cộng khi xét trong túi xách có nhiều thuốc sốt rét và kiết lỵ. Họ trói hai người và đem đến một chỗ vắng để khai thác, tra khảo. Ban đầu hai người khai thật mục đích chuyến đi nhưng những báng súng trường đánh vào lưng, những cú đạp bằng giày vào ngực, bạn anh đau quá khai có đi du kích nhưng giờ không theo nữa. Lời khai không thuyết phục đối với đội lính đã có năm bảy người bị du kích bắn chết mấy tiếng giao tranh trước đó; oán hận đã khiến họ hóa cuồng; họ không bắn chết bạn anh nhưng xúm nhau đập chết bằng báng súng.

 Anh tôi khai không phải là Việt Cộng nhưng một con dao găm giấu trong người phòng bị lúc đi đường là bản án tử đã tuyên. Anh càng kêu oan, toán lính Nùng càng hăng máu đánh, khi ngất đi, anh không nói được dù chưa chết, một trong toán người hung hãn đó đã lấy chiếc dao găm vừa tịch thu, cho vào miệng anh và kéo mạnh ra sau tận mang tai, cả hai bên. Anh chết không phải vì máu ra từ vết cắt nơi mặt nhưng chết vì những báng súng phang thẳng vào đầu.

Không lâu sau đó, cô tôi được lính chỉ chỗ để nhận xác anh về, người ta kể, cô không khóc được nữa; đôi mắt ráo hoảnh và đỏ hoe, bà ngồi xuống bên anh, một bàn tay vừa vuốt mặt con, bàn tay kia vừa đan những ngón khô đét vào mái tóc bết máu của anh. “Về đi con, mẹ nhắn con về mấy hôm rồi, sao con còn nằm đây. Về đi con, về với mẹ, con ơi”.

Thời gian tha phương cầu thực mấy chục năm xa quê nhà, sống ở miền Nam, tôi trở về cất công tìm hỏi và được một người đi trong toán lính, hay họ nghe kể lại, cái chết của anh tôi cùng bạn, và khi nghe đến chỗ cô tôi thổn thức “về đi con về với mẹ, con ơi”, tôi không cầm được nước mắt.

Gia đình cô tôi, chồng mất sớm, một người con bỏ xác nơi nào không rõ, một người con chết chính tay bà chôn, mộ đang còn đây, hai đứa cháu lưu lạc tha phương và cô tôi, bà không còn trên cõi đời này để thắp cho anh tôi một nén nhang, và tôi, tôi cũng không biết mộ cô nơi nào, để thắp cho bà một nén nhang, đau đớn. “Cô ơi”!