Tôi nhận thấy bất cứ một sự việc nào quan trọng xảy ra trên đất nước này dù nhỏ hay lớn cũng đều hình thành hai luồng quan điểm về chúng. Quan điểm khác nhau về một vấn đề là lẽ tự nhiên và thật bổ ích: nhờ phản biện, có khi đối chọi nhau, vấn đề sẽ trở nên sáng tỏ, chân lý dễ dàng được nhận ra.
Nếu như thế thì sự việc rất đơn giản. Đằng này, sự đối chọi của hai luồng quan điểm về một sự việc mang hơi hướm “chính trị” thành ra dễ dàng chia ra hai phía: "địch" và "ta" giữa những người Việt Nam với nhau; địch ta vẫn “lơ lửng” chưa biết là ai trong khi nếu có “địch” thì nó phải nằm ở biển Đông và cụ thể là đang ở bãi Tư Chính.
Hình ảnh bên dưới cho thấy những chiến sĩ Việt Nam ngồi trên một chiếc ca nô, thật nhỏ nhoi so với ở xa xa chiếc tàu cảnh hải đồ sộ của hải quân Trung Quốc. Nếu là kẻ địch thì đây là kẻ địch “đáng gờm” vì họ đã là bạn, đang là bạn, và sẽ là bạn của Việt Nam. Không ai “nguy hiểm” bằng người bạn khi họ “phản bội” mình.
Biểu tình bằng mọi cách lên án xâm phạm lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam hay xuống đường rầm rộ như hồi Hải Dương 981 năm 2014 đều chẳng tác dụng “răn đe” đối phương, nhất là đối phương hùng mạnh dưới sự dẫn dắt của Tập hạt nhân. Lại có cảnh biểu tình phản đối TQ trong nhà. Có ai lại biểu tình trong nhà trừ khi người ra đường biểu tình sẽ bị đánh bươu đầu hay bị bắt vì tội gây rối trật tự công cộng.
Biểu tình ngoài đường “trái phép” hậu quả thấy rồi, cũng không hề nhẹ. Đã có những người bị bắt, bị kêu án, khi biểu tình chống Trung Quốc dẫn đến bạo lực đốt cháy xe gây hỗn loạn một số địa phương mấy năm trước đây. Biểu tình thật ra cũng không làm cho đối phương hạ cờ kéo tàu về nước. Biểu tình chưa có luật ở Việt Nam, người tham gia biểu tình dễ bị kết tội. Nhưng không biểu tình thì thế giới làm sao biết thái độ của người dân Việt Nam đối với hành động ngang ngược của các tàu Trung Quốc đi lại nghênh ngang trên vùng biển đặc quyền của Việt Nam?
Cũng không làm TQ sợ hãi khi vào mạng lên án Trung Quốc, hay ích lợi gì khi chửi bới những thái độ được cho là quá “nhu nhược” trong ứng xử khi lãnh thổ bị xâm phạm, ví dụ, trước chỉ nói chung chung là “nước ngoài”, sau hơn nửa tháng, thế giới biết rõ, VN mới nói trắng ra Trung Quốc là nước đang xâm phạm lãnh hải ở bãi Tư Chính. Trước lên án Hoa Nam buổi sáng ở Hồng Kông là đưa tin vịt về vụ này (fake news), sau mới hiểu ra báo này đã đưa tin như thế là chính xác.
Trong khi Quảng Ngãi phát hàng ngàn lá cờ cho ngư dân ra khơi bám biển thì lại có quy định tàu dưới 15 mét không được đánh bắt xa bờ trong khi phần nhiều tàu đánh cá VN đều dưới 15 mét. Tàu nào mạnh, chắc chắn ra khơi được, người dân tự khắc hiểu cho sự an toàn của họ cần chi phải quy định chi tiết như thế. Người ta có dân quân biển, ta cũng phải có ngư dân bám biển Đông, càng nhiều càng tốt chứ. Có cái gì không ổn chỗ này không?
Sự việc một vùng lãnh thổ của đất nước bị kẻ khác xâm phạm khi thái độ của con dân trong nước đó không trên dưới một lòng đối phó thì làm sao đối phương nể sợ, xem xét cân nhắc hành động bất hợp pháp của họ? Người Trung Quốc rất giỏi “trông mặt mà bắt hình dong” khi quan sát thái độ phản ứng của người Việt Nam trước sự việc.
Cũng có những người núp dưới “triết lý” dĩ hòa vi quý. Hãy nhịn một chút để yên thân, Trung Quốc là một nước lớn sau Mỹ, quân đội hùng mạnh, gây bất hòa với họ có khi sẽ mang lại hậu quả khôn lường: chiến tranh. “Một câu nhịn chín câu lành”. Nhưng VN đã nhịn như ta thấy qua tin tức đã hơn 2 lần trong tranh chấp vùng khai thác dầu khí. Cúi đầu mà TQ bớt hung hãn ở biển Đông thì cũng nên cúi đầu.
“Sự bất quá tam”, lần “đối đầu” này trong việc khẳng định chủ quyền đất nước đã được nhà chức trách can đảm thực hiện dù rất kiềm chế, không để xảy ra xung đột nguy hiểm có thể dẫn đến chiến tranh, điều mà cả Việt Nam lẫn Trung Quốc và các nước trong vùng đều không mong muốn. Cũng có những người kêu gọi hãy ngả về Mỹ, thoát Trung để “cứu nước”. Ngả như thế nào đây cho phù hợp?
Trước, chống Mỹ cứu nước; nay, lại theo Mỹ, cũng để cứu nước, coi bộ cũng ốt dột lắm nghe. Mỹ cũng bù đầu chuyện của họ. Họ lo cho họ chưa xong thì còn lo cho ai. Hơn nữa, vị tổng thống tóc vàng, một “dị nhân” lịch sử chính trị Mỹ, có tính khí thất thường, sáng nắng chiều mưa, có khi chiều nắng sáng mưa. Hành động bất nhất của ông với Huawei là ví dụ rõ ràng nhất.
Nếu thương chiến với Trung Quốc là mục tiêu của Mỹ để “đòi công bằng” thì khi đạt những yêu cầu đưa ra, Mỹ sẽ quay lại làm ăn và bắt tay với Trung Quốc, thị trường 1,4 tỷ dân, kinh tế “khuất phục” thế giới kể cả Mỹ, Việt Nam nếu có “ngả vào lòng anh” bây giờ, sau này cũng chẳng được Mỹ quan tâm bằng TQ, và khi đó sẽ ngậm ngùi "đường em, em đi em đi , đường anh, anh đi anh đi". Quyền lợi Mỹ là trên hết. Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới Thạch) và VNCH là hai ví dụ đau xót và gần đây nhất.
Chỉ khi nào biết chắc Mỹ vì lý do địa chính trị, muốn thực sự ngăn chặn ông bành trướng Bắc Kinh vươn vòi “bạch tuộc” ra thế giới, xuất khẩu lề lối cai trị độc đoán của mình ra những nước vốn dân chủ, những nước đồng minh của Mỹ, sự chọn lựa theo Mỹ thoát Trung sẽ hợp lý và khôn ngoan, đúng cái câu “đi tắt đón đầu” hay như trong kinh thánh kitô giáo, "sự thông sáng sẽ gìn giữ ngươi".
Nhưng thưa các vị, ngay cả những học giả Mỹ, có cả trăm, gửi thư hỏi chính quyền Trump “triết lý” của Hoa Kỳ hiện nay về mọi vấn đề là gì, họ cũng mù tịt. Bản thân những bộ óc thông thái ấy chưa biết Trump muốn gì và sẽ làm gì, huống hồ chi chúng ta, ngây thơ hào hứng theo Mỹ, thoát Trung; chỉ mới cái thông cáo ngoại giao về bãi Tư Chính thôi, một số người VN sung sướng như gặp được vị cứu tinh. Trump cũng không biết ổng muốn gì và sẽ làm gì ngày mai huống chi những công dân bình thường chúng ta.
Sự bất nhất của dư luận (ở đây tôi muốn nói dư luận trên mạng, vì VN không có báo chí tư nhân) về một sự việc an nguy như vụ Tư Chính lại cứ kéo dài, đôi khi chệch qua hướng chỉ trích hay lời ong tiếng ve, có khi trút bực tức không chỉ lên đầu "phe địch" mà lên luôn đầu cả "phe ta".
Thử hỏi trong tương lai, VN sẽ đối phó và giải quyết vụ Tư Chính (và sẽ có nhiều vụ tương tự nữa, nếu với vụ này, hành động của VN kiểu “tránh voi không xấu mặt nào”) như thế nào? Khi đất nước có nguy cơ bị xâm lăng, hay đã bị xâm lăng một phần, việc trước tiên cho đất nước đó là đoàn kết dân tộc. Khi quân Mông Cổ hàng hàng lớp lớp tiến vào nước ta, nhà Trần đã gấp rút mở Hội Nghị Diên Hồng. Nếu đất nước chúng ta ngày nay cũng gặp một sự kiện tương tự, VN có đủ sức hay có dám mở một hội nghị như thế không?
Cũng không khó để có câu trả lời.
Người dân và nhà chức trách có cùng một lòng, một dạ hay chưa? Thế lực thù địch nào đó đang ở đâu, còn lẩn quất hay đã chường mặt ra? Những người trước đây thuộc bên “thua cuộc” và con cháu họ, có cùng với bên “thắng cuộc” chung tay ngăn ngừa hiểm nguy của đất nước không?
Muốn bảo vệ được mình, bản thân mình trước hết phải có sức mạnh, đó là sức mạnh của sự đoàn kết khi tiềm lực chúng ta không sánh với đối phương về mọi mặt.
Kẻ thù, nếu có, hiện nay phải xác định không phải là người Việt Nam.
Nếu tư duy như thế thì chắc chắn chúng ta không cô đơn trước bất cứ hiểm họa nào, ngay cả hiểm họa sắp bị xâm lăng.
Biển Đông sẽ là nơi mà Trung Quốc coi như yết hầu của họ (lợi ích cốt lõi) về giao thông và năng lượng. Sự phát triển hải quân là ưu tiên hàng đầu đủ thấy tham vọng độc chiếm biển Đông không bao giờ rời khỏi ý tưởng và tầm nhìn của họ.
Mỹ, hay bất kỳ một cường quốc nào ta muốn liên minh, cũng muốn chúng ta tự thân hùng mạnh để chống chọi lại thế lực bành trướng xấu xa. Nếu giúp ta, họ chỉ giúp phần nào thôi vì lợi ích của họ.
Mỹ rất thực tế. Anh có một đô tôi sẽ cho anh mượn một đô, không xu nào thì đừng hòng, không hề có “tình cho không, biếu không” và họ cũng không khác Việt Nam “có thóc mới cho mượn gạo”.
Bắt tay đoàn kết, nhà chức trách Việt Nam chính là người sẽ đưa bàn tay ra trước (ý tưởng từ lâu không phải của mỗi mình tôi) để bắt tay tất cả mọi người Việt Nam, gác qua và không phân biệt quá khứ, trong nước hay ngoài nước, cùng ý thức hệ hay khác ý thức hệ, bên thua cuộc hay thắng cuộc, không tùy tiện phân biệt “ta” “địch”, và quan trọng nhất là bắt tay bằng cách nào, qua cơ chế nào, với trình tự ra làm sao, cái đó nằm ngoài khả năng hiểu biết của người viết vì nó thuộc lãnh vực rất “nhạy cảm”, dễ bị chụp mũ (lưu ý không phải "nhạy cảm" như trong vụ “cưỡng hôn” ở thang máy đâu nghe).
Người viết ngu ngơ nhớ lại câu chuyện nghe kể hồi nhỏ, rất chán ngấy khi lặp lại: bó đũa; nếu tách từng chiếc, không có chiếc nào còn; nếu nguyên bó, đố ai bẻ được (và cũng lưu ý, đừng phân biệt chiếc này màu đỏ, chiếc kia màu vàng khi bó chung).
Và nếu có chút duy tâm thì cũng nên tin: Thượng đế chỉ giúp ai tự giúp mình (God helps those who help themselves), và cũng xin đừng nghĩ Mỹ là Thượng đế.