Wednesday, January 10, 2024

CHỐNG...PHÁ, CÒN CHỐNG NÀO THÌ XÂY?

Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang vừa bị kết án chín năm tù vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Tuyên truyền ở đây là nói hoặc viết cái gì đó chống lại chính quyền? “Nói và viết” để chống, không “âm mưu lật đổ chính quyền”, cô gái này lĩnh tù 9 năm… kể ra ngôn tự, đối với một số người, cũng "nguy hiểm" không thua – có khi còn hơn cả- vũ khí. Nếu Đoan Trang chịu khó “học tập” và “làm theo”… hẳn tuổi thanh xuân của mình sẽ phơi phới như nhà văn nữ “nhạy bén” nào đó, tả một cô bé ở vùng cao chống rét bằng cách nung ba viên gạch hồng như lúc Bác mới đến Paris những ngày đông giá buốt.

Cuộc sống luôn đi lên bằng sự mâu thuẫn nội tại. Triệt tiêu mâu thuẫn – mà cũng chẳng triệt nổi – sẽ làm chậm lại sự tiến bộ của nhân loại. Có câu nói rất hay, không rõ của ai, “nhân loại vừa cười vừa tách khỏi quá khứ”. Nếu quá khứ tốt đẹp thì chẳng ma nào muốn tách.

Mâu thuẫn thúc đẩy quá trình “tách khỏi” ấy mạnh mẽ. Một trong cách tách khỏi quá khứ là dùng “vũ khí” tư tưởng. Ngôn ngữ chuyển tải tư tưởng do đó con người mới sử dụng ngôn ngữ để nói lên tư tưởng của mình. Nói nôm na theo thiển ý, càng xuất hiện nhiều nhà tư tưởng (có cả tư tưởng triết học) thì xã hội càng tiến bộ. Nếu chỉ có mỗi ông Khổng Tử hay mỗi ông Mác thì thế giới này buồn tẻ biết bao. Đi đâu, ở đâu cũng nghe “Tử viết, Tử viết”  hay “Mác nói, Mác nói”, con người sẽ như những sinh vật vô hồn, chuyên hô khẩu hiệu Khổng Khâu muôn năm hoặc Các Mác muôn đời. Các thể chế chính trị, nói cho chí tình, đều hình thành dựa theo những triết lý soi dẫn của những nhà tư tưởng, như Khổng Tử hay Các Mác, cho mỗi triều đại, mỗi thời kỳ.

Nhưng nhà tư tưởng viết sách chống lại cái tư tưởng triều đại Nho giáo hoặc chế độ Cộng sản đang áp dụng, có bị tù đày, bị giết hại không? Có: xã hội sẽ trì trệ. Không: xã hội sẽ tiến bộ. Tôi suy nghĩ như thế.

Phản biện - thật sự là chống nhau trên tư tưởng – có mắc tội không? Trong xã hội ngày nay, có ai phản biện mà không phập phồng lo sợ, vì có lúc, một một quan chức nói “không có phản biện – chỉ có phản động”? Hai chữ sau nghe thôi cũng nổi da gà.

Nhưng xã hội sẽ thụt lùi nếu không có mâu thuẫn – nghĩa là xã hội thiếu tiếng nói phản biện. Nhà đương cuộc nào sẵn sàng nghe phản biện, nhà đương cuộc ấy sẽ tiến bộ. Nhìn sinh hoạt chính trị của Mỹ hay của các nước tiên tiến, quý vị sẽ tin tôi nói đúng.

Nhưng phản biện rất khó. Người phản biện vừa phải trí tuệ vừa phải có tâm và nhất là phải can đảm. Vì sao số người phản biện trí tuệ và tâm huyết VN đếm trên đầu ngón tay? Không phải không có những vị như vậy. VN không thiếu. Phản biện ngay trong lòng giới cầm quyền dường như không bao giờ xảy ra. Nếu có thì lác đác ở một số vị “hạ cánh an toàn” nghĩa là chỉ “mạnh miệng” khi không còn nắm chức vụ nào đó trong guồng máy. Số còn lại – như tôi nói, không phải thiếu – nhưng đều sống cầu an, thủ khẩu như bình, “ai sao tôi vậy”; phản biện léo nhéo không chừng “chưa tới mạ mà má đã sưng”. Họ có đáng trách không? Không. Trách là trách cho nền giáo dục với lý tưởng “con ngoan trò giỏi” “thuật nhi bất tác” (trên bảo dưới phải nghe). Có học sinh nào dám cãi lại thầy không? Chắc chắn là hiếm nếu có sẽ dễ bị quy là học sinh cá biệt.

Có hai môn học ảnh hưởng nhiều đến nhân cách học sinh: văn và sử. Nếu học văn, học sinh muốn có điểm cao thì phải giỏi văn mẫu – những bài văn “kinh điển” của những nhà văn “kinh điển” (ông nào sau ưa “phản biện”, bài văn sẽ rút ra khỏi sách giáo khoa như trường hợp Nguyên Ngọc). Khi thi các em sẽ dễ đậu nếu trả lời đúng những yêu cầu theo một thang điểm nhất định. Có mấy học sinh tham dự những đề văn đòi hỏi tự luận không theo “văn mẫu”? Có tổ chức thi đâu mà biết. Chưa kể tự luận mà “phạm húy” hay “phạm chính trị” thì lộn cổ xuống ao là cái chắc. Có học sinh nào dám phản biện, trẻ Việt tập nói không thể như trẻ Nga:  “Vui biết mấy khi con tập nói. Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin”? Nếu trong học đường, người ta mang “các cây đa, cây đề” ra để cho học sinh tự do tìm kiếm những “nhánh khô, lá héo” chen lẫn (và có khi “đầy rẫy”) trên “cây cao bóng cả” ấy thì sự phản biện xã hội (cho tốt đẹp hơn) sẽ chẳng còn là nỗi sợ hãi “tai bay vạ gió” hay “ách giữa đàng, mang vào cổ.

Có học sinh nào dám thắc mắc, trận đánh Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, bắt sống mười mấy ngàn quân địch có cả một tướng lĩnh, nghĩa là rất thành công, nếu không có sự trợ giúp vũ khí và các cố vấn Trung Quốc? Đánh cho bọn Pháp thất điên bát đảo, tại sao quân ta không kéo luôn về giải phóng Hà Nội, chạy tuốt vô Sài Gòn, bắt trọn bọn đầu não thực dân, đuổi chúng về nước, thu giang sơn về một mối, có hơn hẳn phải cùng chúng đặt bút ký phân đôi đất nước, để rồi tạo cớ cho “giặc Mỹ cọp beo” nhảy vào cùng với bom B52, thuốc khai quang, và súng M16 tàn phá đất nước VN?

Nếu thắc mắc – hay cả gan phản biện lịch sử trong sách giáo khoa -  thầy và trò nếu may mắn sẽ bị đuổi dạy, đuổi học, và nếu không may, họ sẽ dính vào cái tội “bôi nhọ lịch sử”, “phủ nhận quá khứ”, án tù không phải là không có.

Cho nên, trong thời buổi người ta dự định đưa vệ tinh phát sóng wifi lên không gian; phóng tàu thăm dò sao Hỏa; trí thông minh nhân tạo sắp điều khiển cuộc sống  thì VN chúng ta còn loay hoay với lắp ráp (dù có cả xe hơi Vinfast), gia công, xuất khẩu lao động, nông hải sản thô sơ, trông chờ kiều hối…thì tôi nghĩ rằng, đó là vì tiếng nói phản biện trí tuệ và tâm huyết của người Việt Nam còn quá le lói như đèn dầu trước gió, chưa tạo ra sức mạnh thức tỉnh, để người dân lẫn nhà đương cuộc hiểu ra: chỉ có bao dung và dân chủ– nghĩa là chấp nhận đối nghịch tư tưởng, chấp nhận khác biệt mới đem lại một môi trường lành mạnh cho những ý tưởng xây dựng đất nước thật xuất sắc. Ví dụ mới đây là ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đề xuất, tạo điều kiện cho các nhà tỷ phú trong nước đầu tư vào công nghệ cao thay vì người ngoại quốc, một lĩnh vực người Việt không thiếu chuyên gia tài năng, thay vì để họ chi hàng tỷ đô la vào đầu tư bất động sản.

Nếu cho phản biện hay phản biện tự do, VN đã không “đánh tư bản”, “đánh tư sản” te tua sau 1954, 1975, không cho chúng ngóc đầu dậy, để rồi chừng 10 năm sau phải công nhận “kinh tế thị trường” là quy luật phát triển kinh tế chứ không phải “kinh tế tập trung”. Xây dựng kinh tế tư bản trên thân thể đầy thương tích như thế nên việc mở cửa đất nước buộc phải thuận lợi cho FDI vào đầu tư, điều đã xảy ra để đến giờ chưa có một sản phẩm nào cho ra hồn được họ “chuyển giao công nghệ”.

Cô Phạm Đoan Trang vướng tù tội có lẽ vì cuốn sách thứ chín của mình “Chính trị bình dân”, một tiếng nói phản biện, xuất phát từ tấm lòng yêu nước của một cô gái trẻ, hy sinh cuộc sống cá nhân của mình vì lý tưởng cô đang theo đuổi: một nước VN bao dung và dân chủ.

Ảnh: Phạm Đoan Trang.