Saturday, January 20, 2024

CHẲNG CÓ CÁCH NÀO THẮNG CUỘC THƯƠNG CHIẾN VỚI TRUNG QUỐC.

Lời người dịch: Báo chí Mỹ rất ghét Trump. Họ đã từng hùa nhau tấn công ông ta trước bầu cử Mỹ với dự báo Trump thất bại. Họ đã sai. Lần này không biết họ có đúng không. Một nước Mỹ cái gì cũng không giấu được dân, khác hẳn ở Trung Quốc, “trên dưới một lòng”, mọi lời nói của lãnh đạo cả tỷ người vâng dạ vang trời, được phóng to bởi loa tuyên giáo với những điệp khúc hùng hồn.

Đâu có như Trump, “bốn bề thọ địch” nhưng ông ta vẫn chiến thắng. Qua kết quả bầu cử đầy kịch tính ở Mỹ, chúng ta mới thấy một lãnh đạo cần phải tài năng xuất chúng mức nào, chứ không phải chỉ qua vài cuộc họp như hội kín, nhờ “cơ cấu” là nắm ngay quyền lãnh đạo như ở TQ và các nước độc tài.

(This is No Way to Win a Trade War with China)

Chẳng cần tranh cãi chuyện TQ đang có những hành vi xâm nhập và không công bằng nhằm bảo vệ và phát triển các ngành công nghiệp nước họ.

Tuy nhiên, nếu phân tích của chính quyền Trump về quan hệ kinh tế Hoa Kỳ - Trung Quốc là đúng, biện pháp để khắc phục đã bị bỏ lỡ.

Hầu hết các nhà quan sát tin rằng sử dụng thuế quan đơn phương của HK sẽ thất bại, không đạt được những mục đích đề ra và sẽ gây thiệt hại nền kinh tế cả Hoa Kỳ lẫn TQ.

Hơn nữa, sự việc này có thể tác động xấu lâu dài cho việc củng cố niềm tin của TQ rằng họ sẽ thắng trong tương lai với các thử thách thuộc về ý chí.    

Trong những buổi thảo luận công khai về quan hệ thương mại Hoa Kỳ và TQ, tổng thống Donald Trump đã chú trọng vào thặng dư khổng lồ trong thương mại song phương – 419 tỷ đô la năm 2108 – như là chứng cớ người Trung Quốc đã “lừa” và “cưỡng bức” (cheating and raping) nền kinh tế Mỹ.

Nhiều nhà kinh tế chỉ trích Trump quá sức đơn giản nếu không nói là sai lầm: việc xác định cân bằng mậu dịch mới là vấn đề trụ cột trong quan hệ kinh tế song phương.

Nhiều cố vấn cao cấp của Trump, như đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, ngược lại, nhấn mạnh mục tiêu lớn hơn khi bắt TQ phải giải quyết những vấn đề thuộc cấu trúc như: bảo hộ mậu dịch, chống các ngành dịch vụ nước ngoài, bao cấp hầu hết trong nền kinh tế, do thám công nghệ được nhà nước bảo trợ, ăn cắp sở hữu trí tuệ, chuyển giao kỹ thuật bắt buộc, như là cái giá người nước ngoài phải trả để làm ăn tại TQ.

Cách tiếp cận này được các doanh nghiệp Mỹ và các nơi khác nhất tâm ủng hộ khi muốn xâm nhập vào thị trường TQ.

Để đối phó với cán cân chênh lệch giao thương, HK năm 2108 đã áp đặt thuế quan lần lượt trên ba “nhóm” hàng xuất từ TQ, ban đầu 34 tỷ đô la hàng nhập hằng năm, sau là 16 tỷ, cuối cùng thêm 200 tỷ.

Khi tranh cãi kéo dài, thuế suất HK tăng lên, và hiện nay Trump đe dọa trừng phạt hầu hết hàng nhập khẩu từ TQ.

Bắc Kinh đáp trả bằng các trừng phạt của mình, và họ nói sẽ tăng thuế quan từ 10 % lên 20 -25 % trong khoảng 60 tỷ đô la hàng xuất khẩu từ Mỹ đến TQ đã đánh thuế.

Tổng thống Trump phát biểu ông tin tưởng chiến tranh mậu dịch “là tốt và dễ thắng”.

Thật sự thì tất cả các chuyên gia đều không đồng ý.

Quỹ tiền tệ quốc tế kết luận người tiêu dùng Hoa Kỳ và Trung Quốc “dứt khoát là những kẻ thua” trong một chiến tranh mậu dịch.

Viện kinh tế quốc tế Peterson ước tính thuế quan hiện nay áp lên hàng nhập của TQ gây tổn thất cho gia đình Mỹ 550 đô la, số này sẽ tăng lên 2200 nếu chính phủ tăng thuế quan lên 25 % đánh vào 500 tỷ hàng TQ nhập khẩu như đã đe dọa.

Một nghiên cứu khác ước tính mất mát thật sự trên 2.2 triệu việc làm nếu tất cả thuế quan cứ tiếp diễn và gây ra giảm sút doanh thu.

Một chỉ dấu cho tác động ở Mỹ là chính quyền Trump đã trả 8,5 tỷ đô cho các nông dân, bù lỗ do hậu quả chiến tranh thương mại và hứa sẽ trả nhiều tỷ những đợt trợ cấp khác.

Goldman Sachs (ngân hàng đầu tư toàn cầu – ND) tiên đoán chiến tranh thương mại đang xảy ra sẽ giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ 0,4 %, và nhiều hơn nếu nó tác động lên thị trường chứng khoán.

Văn phòng Thương mại Hoa Kỳ dự báo sẽ mất 1000 tỷ đô la nếu cuộc chiến tranh này kéo dài một thập kỷ.

Trung Quốc đương nhiên cũng phải thiệt hại.

Giá thực phẩm tăng vọt trên diện rộng từ khi chiến tranh mậu dịch khởi đầu.

Có nhiều bằng chứng cho thấy công nhân đang bị sa thải và sức tiêu thụ giảm thấp.

Theo mô phỏng của Viện Phát triển Kinh tế Nhật Bản, trong một cuộc chiến thương mại kéo dài 3 năm gồm 25 % thuế quan tăng thêm lên tất cả hàng hóa nhập khẩu đánh vào nhau, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị tác động giảm 0,4 %; Trung Quốc bị nặng hơn ở mức 0,6 %.

Trái với những tuyên bố của tổng thống Trump, thật chẳng dễ gì khiến TQ dỡ bỏ tất cả thương mại không công bằng và những chủ trương đầu tư vì sự áp đặt của thuế quan, thật sự sẽ cực kỳ khó.

Đáp ứng những đòi hỏi của Mỹ về thay đổi cấu trúc sẽ phải thỏa hiệp một số đòn bẫy chủ yếu nhờ đó đảng Cộng sản Trung Quốc mới độc quyền sức mạnh chính trị tại nước họ.

Duy trì kiểm soát của đảng lên xã hội là lĩnh vực các nhà lãnh đạo TQ không thể thỏa hiệp, như thế giới đã thấy quá rõ từ 30 năm trước.

Tập Cận Bình buộc phải lo lắng duy trì hình ảnh của ông ta trong nước như là người bảo vệ lợi ích và danh dự của người Trung Quốc trong cuộc đấu, và hầu hết dân chúng họ tin rằng đòi hỏi của Mỹ là bất công, đơn giản phản ánh ý của  Mỹ không muốn chấp nhận thành công của TQ.

Tập có lẽ chịu gánh nặng kỳ vọng quá cao trong quần chúng rằng ông ta phải thắng cuộc đấu với Mỹ hơn các vị tiền nhiệm của mình.

Ông chủ trì một thời đại Trung Hoa “quyết đoán” sau Đặng, dân chúng ngày càng tin sẽ thắng một khi bị ngoại bang thách thức.

Sự sùng bái cá nhân ông ta từng ấp ủ khi lên nắm quyền sứt mẻ trong những trận chiến chính sách đối ngoại đang hiển hiện.

Hậu quả, chính quyền TQ đang phát động sức đối kháng mạnh mẽ.

Trong khi phản ứng chính thức chính quyền TQ là làm nhẹ đi tác động của cuộc chiến mậu dịch – điển hình là nhận định của Wang Zhijun, thứ trưởng bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, nhấn mạnh tác động do thuế quan Hoa Kỳ sẽ “có thể xử lý” – những hành động khác của chính quyền lại tỏ ra ngược lại.

Ngân hàng Trung ương (TQ) tiếp tục cắt giảm những yêu cầu dự trữ để bảo đảm cho người vay có được tiền nếu nền kinh tế đi xuống.

Bắc Kinh đã thành lập lực lượng đặc nhiệm, Nhóm Lãnh đạo Công tác Việc làm Hội đồng Quốc gia, theo dõi mất việc làm gây ra bởi chiến tranh thương mại.  

Bộ Thương mại loan báo họ đang phát triển “danh sách đen gây hồ nghi (“unreliable entity list”) về những tổ chức và cá nhân được coi là gây hại cho các công ty TQ hay có thể đe dọa an ninh quốc gia.

Hăm dọa cắt bỏ xuất khẩu đất hiếm, cho đến nay được đưa ra truyền thông trên Nhân dân Nhật báo, là dấu hiệu rõ ràng của tình hình nghiêm trọng.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ ở TQ báo cáo họ đang chịu quấy nhiễu hành chính – một trò thường thấy của giới quan chức TQ – như là hậu quả của chiến tranh quan thuế.  

Ngược với những bảo đảm sai lệch của Trump với quần chúng Mỹ, chính quyền TQ đang chuẩn bị cho dân chúng họ sẵn sàng với gian khó và giải thích sự cần thiết của cuộc chiến đấu chống Mỹ lâu dài trong cả nước.

Tuyên bố cao giọng của thứ trưởng ngoại giao Zhang Hanhui đã thẳng thừng khi ông ta gọi hành động của Mỹ  là “khủng bố kinh tế lộ liễu, chủ nghĩa nước lớn kinh tế, và bắt nạt kinh tế”. Điều đó đáp ứng lời kêu gọi của chủ tịch Tập Cận Bình về một “Tân Trường chinh” trong một xuất hiện gần đây – tại nhà máy chế biến đất hiếm, không khác chi – hiệu triệu toàn nước chống lại sự bắt nạt của ngoại bang.

Và nếu như thế còn quá tế nhị thì truyền hình quốc gia đang cho chiếu những bộ phim về chiến tranh Triều Tiên, khi TQ cuối cùng đã “đánh bại’ quân xâm lược Mỹ.

Xã luận của Tân Hoa Xã nhắc nhở độc giả “Nhân dân Trung Quốc tất cả đều có tinh thần chiến đấu ngoan cường. Lịch sử đã chứng minh gian khó chỉ làm cứng rắn quyết tâm của nhân dân Trung Quốc chiến đấu và nuôi dưỡng năng lực chiến thắng…Hãy nhận thức rõ, không thế lực bên ngoài nào có thể ngăn cản TQ vươn tới Giấc Mơ Trung Hoa của 1 quốc gia tái hồi sinh”.

Những khoa trương lòng yêu nước của truyền thông TQ nêu bật lợi thế chiến tranh tâm lý Bắc Kinh ưa thích với tư thế một quốc gia độc tài với một nền báo chí bị kiểm soát nhằm phục vụ cho ý đồ của chính quyền.

Truyền thông Mỹ thì tự do tường thuật thuế quan tai hại thế nào cho dân Mỹ trong lúc không có gì đối chứng từ phía TQ. Một xã luận của Nhân Dân nhật báo giải thích “Bước nhảy bất cẩn của Washington vào bóng tối đã đổ xuống cùng với sự chống đối và lên án dữ dội từ trong nước”.

Hiệp hội Đậu nành, May mặc và Giày dép, Kỹ Thuật Tiêu dùng, Hội Bán lẻ Quốc gia và nhiều giai tầng đời sống đang hoang mang trên thị trường, gây tổn thất lợi ích người tiêu dùng, công nhân, nông dân và các công ty, phương hại nghiêm trọng nền kinh tế Hoa Kỳ.

Cuối cùng, chiến tranh quan thuế rộng khắp mỗi bên có thể cố gắng chịu thật giỏi nỗi đau cả hai đều phải hứng chịu.

Trung Quốc hầu hết đều giấu kín, trong khi Mỹ thì tự do thoải mái luận bàn như để làm suy sụp tinh thần dân tộc.

Người ta kỳ vọng TQ sử dụng mục tiêu tái đắc cử năm 2020 để dụ ông ta (Trump) đi đến một dàn xếp tương đối ít tổn thất cho Bắc Kinh.

Tìm kiếm một khủng hoảng để kết thúc với việc TQ đáp ứng yêu sách tối thiểu của Hoa Kỳ - giải quyết quan tâm chính của Trump – bằng cách hứa hẹn mua vài trăm tỷ đô la hàng xuất khẩu thặng dư của Mỹ và (giả bộ, insincerely) hứa xem xét các vấn đề cấu trúc (của nền kinh tế TQ -ND)

Điều này sẽ cho phép Trump bỏ túi (pocket) “một chiến thắng” trước bầu cử 2020, kêu gọi ngừng chiến trong chiến tranh mậu dịch, và quay trở lại làm ăn như thường.

Điều đó còn cho phép Bắc Kinh làm ngơ những yêu sách đòi hỏi tư nhân hóa nền kinh tế, dứt khoát mở cửa cho cạnh tranh nước ngoài trong những lĩnh vực hiện nay bị bảo hộ, và từ bỏ hành vi ăn cắp (stealing), cướp giật (extorting) công nghệ tiên tiến.

Chính quyền Trump đã đúng khi đối phó với sự thôn tính kinh tế có hệ thống (systematic economic predation) nhưng sách lược thực thi của mình lại ít cơ hội thành công có ý nghĩa.

Bắc Kinh có thể nổi lên nhờ kinh nghiệm này, tệ hơn nó còn chứng tỏ Hoa Kỳ không thể bảo vệ lợi ích của mình bởi sức hút không gì cưỡng nổi thị trường TQ và sự bất lực của những người Mỹ không chịu nổi ngay cả những khó khăn ngắn hạn.

Hệ quả này có thể củng cố cái nhìn của người Trung Hoa về Hoa Kỳ như là một đất nước đang suy yếu và hỗn loạn (weakening and dysfunctional).

Đồng thời, nó còn khuyến khích sự liều lĩnh của Bắc KInh thách thức Washington qua hàng loạt vấn đề.

Một hy vọng thực sự duy nhất cho thành công của Hoa Kỳ là hãy điều chỉnh chính sách, có thể dễ trong lý thuyết nhưng nan giải trong thực tế.

Washington phải bỏ qua trừng phạt đơn phương chống TQ và thay vào đó, tập trung xây đắp liên minh đa phương để đập bỏ hành vi thương mại bất hảo của TQ.

Chỉ có một mặt trận thống nhất các quốc gia thương mại tầm cỡ mới có cơ may thay đổi mãi mãi và hiệu quả hành vi của người Trung Quốc, và đó vẫn còn là một bước khá xa.

Chính quyền Trump phải cần từ bỏ những tấn công lầm lạc vào các đối tác lớn như EU, Nhật Bản, Mexico và Canada. Chính phủ phải quay về phương sách ngoại giao đa phương và cần tin tưởng ít nhiều vào các định chế quốc tế như WTO.

Mọi lời khuyên này đều đi ngược lại quán tính của chính quyền Trump, và thất bại trong kiểm soát những xung lực kể trên sẽ gây tai hại cực lớn cho nước Mỹ.

Bài đăng trên National Interest 10-6-19 của  Brad Glosserman Denny Roy, thành viên cao cấp tại East-West Center (Trung tâm Đông Tây), Honolulu.