NASA tên viết tắt của Cơ quan quản trị hàng không và không gian Hoa Kỳ. Có lần các nhà khoa học ở đây bối rối khi gặp vấn đề nan giải không thuộc khoa học, kỹ thuật: làm thế nào chế một cây viết, để khi ở trong không gian tĩnh mịch không người, những nhà phi hành vũ trụ có thể giải khuây, bằng cách ghi chép những cảm nhận của mình trước sự bao la vô cùng của vũ trụ.
Những nhà khoa học trán hói vì bù đầu nghiên cứu cũng chẳng tìm ra giải pháp, vì trong tình trạng vô trọng lực, một cây bút bi, hay bút máy đều vô tác dụng, mực sẽ không ra được khi viết. NASA phát thông báo tìm giải pháp. Thời gian đó chưa có internet như bây giờ. Gần tuần sau, có 1 bức thư cậu bé 5 tuổi gửi đến: "Sao các bác không sử dụng cây bút chì thử xem?".
A, những vị bác học trán sói bỗng sói hơn, họ bực tức giật đứt thêm tóc, vậy mà chẳng nghĩ ra. Câu chuyện được sáng chế trong những bữa nhậu hào hứng, có thể không có, nhưng tôi muốn mượn chuyện "trẻ 5 tuổi đâu có kém các khoa học gia" để nói đến chuyện giáo dục trẻ con.
Vấn đề có vẻ lớn quá. Xã hội chúng ta đang lo lắng cho giáo dục nhưng người dân vẫn chưa hài lòng, vẫn lời ong tiếng ve, thậm chí còn chửi bới...nhà chức trách. Chúng ta không cải tạo được xã hội nhưng chúng ta có thể tự "cải tạo" mình: giáo dục gia đình. Một thế giới nhỏ của chúng ta, cha mẹ, con, hay có thêm ông bà.
Những người trẻ thuộc giới trung lưu đã đầu tư nhiều cho giáo dục con cái, ngay khi mới cắp sách vào đời, những bước đi chập chững trong những sân trường mẫu giáo. Họ cho con mình học nhiều thứ, những thứ mà khi còn bé, lúc bao cấp đói ăn, họ không hề được biết: tin học, ngoại ngữ, những cách thức giáo dục tiên tiến, ở trường hay ở trên mạng, họ tìm hiểu và đem áp dụng trong việc dạy dỗ con cái mình. Những cố gắng rất cam go cho những cặp vợ chồng trẻ phải bươn chải, đầu tắt mặt tối vì việc làm, hầu cung ứng thật đầy đủ cho nhu cầu đào tạo một thế hệ mới (con mình) trong thế kỷ bùng nổ thông tin.
Nhưng tôi thấy có một cái chỉ một số cặp vợ chồng quan tâm: xây dựng sự tự tin. Đa phần trẻ em châu Á, nhất là Việt Nam,bị cái "tôn ti trật tự" chi phối gần như là chuẩn mực duy nhất trong phát triển xã hội. Người ta muốn ổn định. Người ta muốn nề nếp, đâu ra đó, trên dưới rõ ràng, trên bảo dưới phải nghe.
Một xã hội trật tự là đúng đắn nhưng cố duy trì "trật tự" đó mà kìm hãm cá nhân, mọi người đều phải răm rắp làm theo mà không dám tự do suy nghĩ, tự do đặt câu hỏi "làm theo như thế có đúng hay không". Đây là điều cần suy nghĩ.
Liệu những đứa trẻ lớn lên, hồn nhiên như cây cỏ, những làn gió mát mẻ của đầu óc tự do với giọt nước trong lành, sẽ phát triển "lộn xộn" hơn khi không được nhốt trong những lồng kín, có bao che bảo bọc?
" Im đi, mày con nít, biết gì mà nói?" đâu có phải là câu mà chúng ta ít nghe. "Trứng mà đòi khôn hơn vịt à?". "Triết lý" này không phải dạy người mà là mạt sát con người.
Rồi đầy những thần tượng, những lãnh tụ như những vì sao
trên trời rộng. Tất cả đều là cây cao, bóng cả, như đang che chở nhân quần. Không ai được mặc áo quá đầu. Trẻ con như là một "đứa con nít" chứ không phải là "người lớn của tương lai".
Chúng được nuôi dưỡng đầy đủ bằng dưỡng chất nhưng sự tự tin, một dưỡng chất tuyệt vời, ngày càng như là "suy dinh dưỡng". Trẻ con cần phải được tôn trọng, thật sự, chứ không phải trên đầu môi chót lưỡi của những kẻ mị dân, giỏi khua môi múa mép.
Nếu quý vị để ý sẽ thấy trong những phỏng vấn truyền hình nước ngoài, như Mỹ chẳng hạn, trẻ con khi được hỏi, chúng trả lời rất đĩnh đạc, rất tự tin, không phải run lập cập, hoặc cầm tờ giấy chà bá dí mắt vào đọc như một quan chức của ta khi nói chuyện với Bush.
Sự giáo dục chú trọng hình thành nhân cách, ở đây là sự tự tin, tôi cho là hàng đầu. Trẻ con thực sự phải là người lớn tương lai. Chúng không thể bị đánh đập như một tù nhân trong lớp mầm non, tuy ít, nhưng không phải không có. Trẻ con phải được dạy yêu mến tự do, tự do bày tỏ, tự do biểu đạt, tự do thể hiện, để tự tin được củng cố vững chắc mỗi ngày. Không thể mỗi cái là mỗi nghe người lớn quát tháo: Con không được làm cái này; con không được làm thế kia; con phải thế này, con phải thế kia.
Người lớn đòi hỏi quá nhiều ở trẻ con và kỳ vọng quá nhiều. Dường như trẻ con phải thực hiện những gì cha mẹ chúng khi nhỏ đã thất bại, không có khả năng làm được, hoặc phải thực hiện ước mơ theo tham vọng của mình chứ không phải ước mơ, nguyện vọng của chính con cái họ.
Sự tự tin vì thế không có chỗ đứng hay có chỗ đứng nhưng quá yếu, chưa rõ ràng, trong con mắt của người lớn.
Chúng ta thường dạy con cái phải lễ phép khi cúi đầu chào, hay khoanh tay trước người lớn khi xin cái gì đó. Điều này chấp nhận được khi chúng ta thực sự tôn trọng nhau, và trẻ em cũng sẽ học tôn trọng như thế qua cử chỉ cúi đầu, khoanh tay.
Người Nhật đã cư xử với nhau trong cung cách tương tự vì họ có tầm văn hóa, sâu và cao. Chúng ta đừng vì những ràng buộc xã hội mà bắt bẽ trẻ con với những động thái quá đáng, như mắng con trước đám đông do tức giận chúng không làm đúng ý mình muốn để thể hiện với người khác, con mình có "giáo dục"(cúi đầu, khoanh tay).
Việc này kéo dài sẽ dẫn đến tư tưởng quỵ lụy, khúm núm nẩy nở trong tâm hồn con trẻ. Đất nước chúng ta lẽ đáng phải tự hào có những con người không thua kém những con người ở các nước chung quanh.
Nhưng chúng ta ngày càng thua kém họ không phải vì nghèo hơn họ mà vì không tạo được những công dân tương lai, đầy tự tin, luôn ngẩng cao đầu trước khó khăn, trước thách thức, luôn luôn biết chiến đấu chống cái nghèo, cái dốt, cái phụ thuộc dựa dẫm, phải tự tin mình, để khi ra nước ngoài không phải buồn bã nhìn dòng chữ xót xa: "Không được ăn cắp", bằng tiếng Việt.
Nếu đất nước còn bị rẻ khinh thì chúng ta, những công dân Việt Nam, không phải là không trách nhiệm. Hãy đào tạo những đứa con trong mỗi gia đình: TỰ TIN.