Người ta hay dùng từ bảo vệ trong “bảo vệ đảng", “bảo vệ chế độ", ít ai nghĩ bảo vệ còn là một danh từ như “gọi ngay bảo vệ”; trên áo các anh ghi thêm tiếng Tây là “security guard”, không rõ đúng sai (tiếng Anh), nhưng bảo vệ là nghề khá oai, mới có chừng mấy chục năm sau ngày “giải phóng”.
Từ một cửa hàng bán vàng cho đến nơi sang cả như khách sạn cao cấp, hay chốn quyền uy như các cơ quan nhà nước đều có mặt của một lực lượng oai phong, với những bộ đồng phục, áo thắt cà vạt, vai mang phù hiệu, đầu đội nón kết bi như sĩ quan cảnh sát thời VNCH.
Sự có mặt của họ làm cho tình hình chỗ đông người trở nên an toàn hơn, người nơi đó cảm thấy an tâm hơn.
Nhờ ở trên tuổi thất thập, sống qua hai chế độ, tôi mới để ý thời VNCH không có…bảo vệ (trừ cơ quan nhà nước). Bây giờ, trong một ngôi trường mẫu giáo nho nhỏ ở thôn quê vẫn có một bảo vệ. Anh ta phải ngủ đêm tại nhà trẻ để bảo vệ “tài sản” nơi này dù đó là những tài sản chẳng có gì là giá trị cao như bàn ghế, chăn chiếu, đồ chơi trẻ con, chén bát, nồi soong, đôi ba chục ký gạo, một số thực phẩm khô…
Những trường học lớn có mấy ngàn học sinh thì tối thiểu cũng có hai ba bảo vệ, đôi khi họ lén dùng gậy cao su, roi điện vào ban đêm (dù không được phép) không như trước đây thời tôi đi học.
Trường cấp 3 duy nhất của tỉnh Quảng Nam là trường Trần Quý Cáp tôi học ở Hội An có cả hàng ngàn học sinh, chỉ có duy nhất một ông “cai trường” làm “bảo vệ”, không mặc sắc phục; đó là nhân viên phụ trách đánh trống hiệu báo vô lớp, tan trường, mở đóng cửa phòng, cổng, kiêm luôn quét dọn, pha trà, rót nước cho các thầy cô trong giờ ra chơi. Nhà trường có những “tài sản” không phải là ít. Ngoài giấy tờ các loại thuộc hồ sơ, học bạ, bảng điểm…còn có một thư viện sách cũng tương đối khá, một phòng thí nghiệm dành cho học sinh các ban A,B (nghiêng về khoa học, kỹ thuật) có cả những kính hiển vi, các dụng cụ tuy “thô sơ” nhưng cũng khó sắm sửa. Cả ngày lẫn đêm trường mấy chục năm không có chuyện mất cắp hay phá phách nào được ghi nhận.
Người dân ở thị xã này khá đông vì có cả dân tản cư các quận kéo về; họ lương thiện hay chưa biết ăn cắp, tôi không rõ, nhưng tình hình an ninh trật tự xã hội rất là tốt và có thật, dù lúc đó đất nước đang có chiến tranh.
Ngay cả các cơ quan công quyền như tòa quận, tòa tỉnh, “bảo vệ” cũng thật…sơ sài, tôi không nói ngoa, hiện những người còn sống ở Quảng Nam tầm tuổi tôi đều rõ. Bất cứ một thanh niên tuổi vào 18 đều một hai lần có việc phải vào những nơi này để làm căn cước hay giấy hoãn dịch hay các giấy tờ khác.
Tôi một lần vào tòa hành chánh tỉnh Quảng Nam đóng ở thành phố Hội An để làm một giấy hoãn dịch vì lý do gia cảnh (thẻ màu trắng) phòng khi học thi bị rớt sẽ không được có hoãn dịch vì lý do học vấn (thẻ màu vàng). Ngay cổng tòa tỉnh là một bót gác có một “quân cảnh” (hay cảnh sát gì đó không nhớ rõ). Tôi đến bót đưa ra thẻ sinh viên và nói lý do đi vào tòa hành chánh tỉnh. Cầm thẻ liếc qua, viên quân cảnh nhìn vào mặt tôi và gật đầu đưa trả lại thẻ, “vào đi”, hai tiếng ngắn, không đợi tôi năn nỉ hay giãi bày. Trong một dãy nhà dài, hai tầng rộng thênh thang, cơ mang nào phòng, rất nhiều ty sở làm việc ở đó, tôi đang lớ ngớ tìm nơi làm việc của ông chánh văn phòng tòa tỉnh thì được một nhân viên phục vụ chạy lại hỏi lý do và hướng dẫn đến nơi làm việc của ông ta.
Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy lúc ấy con người có trọng trách chốn công quyền, sự bảo vệ phải nghiêm ngặt, chứ đâu như tôi thấy…lỏng lẻo quá, an ninh của cơ quan đầu não một tỉnh lại sơ sài như thế.
Tôi tin những câu chuyện các đặc công Việt Cộng giả dạng sinh viên, thầy tu, sĩ quan, hay nhờ các em học sinh mang chất nổ vào đánh sập những nơi làm việc “đầu não” của “ngụy quân, ngụy quyền” là đúng, không phải họ kể lể thành tích để báo công.
Trong tình trạng chiến tranh, ở một xã hội có những con người tin tưởng nhau, “đối phương” có thể lợi dụng lòng tin đó để đánh phá họ, thậm chí lấy đi mạng sống của họ, một xã hội trong đó con người quá ngây thơ vì quá chân thật, cứ nghĩ ai cũng như mình.
Do đó, ta suy luận thêm, tại sao trong hàng ngũ cách mạng hay hàng ngũ lãnh đạo cách mạng, không có một đối phương (“ngụy”) nào lọt vào, hoạt động tình báo như những anh hùng Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ…đã lọt vào trong bộ máy đầu não chính quyền từ thời Ngô Đình Diệm cho đến Nguyễn Văn Thiệu của VNCH.
Tất nhiên, những người như hai ông phải là những kẻ tài ba xuất chúng, sống hai mặt như là một mặt, tuyệt đối trung thành với “quốc gia” trong khi trong lòng họ tôn thờ cộng sản. Chế độ Sài Gòn cũ không có những chính sách phân biệt khắt khe, cứng rắn, không coi trọng lý lịch, nguồn gốc xuất thân, thấy ai tài năng trung tín thì trọng dụng, không hề nghi ngờ họ là những Nguyễn Thành Trung tương lai, ăn, ngủ, học, được đào tạo như một “Mỹ con” dù cha ông là cộng sản.
Tôi nhắc lại chuyện quá khứ không có mục đích khơi dậy sự hận thù nhưng muốn qua đó nói đến lòng tin. Lòng tin chân chính có ai lợi dụng lòng tin, người bị lợi dụng không thể biết được do họ quá ngây thơ trung thực? Trung thực là một khuyết tật tinh thần?
Hiện nay, ngoài lực lượng cảnh sát hùng hậu, xã hội còn có một lực lượng bảo vệ cũng hùng hậu không kém, đi đâu ta cũng thấy: chợ, siêu thị, chung cư, trường học, khu vui chơi, thậm chí các cơ sở tín ngưỡng, nhà chùa, đền đài miếu mạo…Xã hội chúng ta đang sống tốt đẹp hơn, an ninh hơn, con người trung thực với nhau hơn, do đó lực lượng bảo vệ ngày càng phải nhiều hơn?