Friday, January 19, 2024

TRƯỜNG TÂY, TRƯỜNG TA

Trẻ lớp một chết trên một chiếc xe đưa đón học sinh gây chấn động dư luận cả nước. Một cái chết thương tâm cho cha mẹ có một con duy nhất và một trách nhiệm nặng nề cho đội ngũ quản lý nhà trường, có cái tên tây rất oai GATEWAY.

Tư nhân tham gia mở trường lớp đã giúp chính phủ bớt phần nào gánh nặng trong giáo dục toàn dân nhưng cũng đặt ra một vấn đề lớn: trách nhiệm giám sát của chính quyền tới đâu trong những cơ sở giáo dục tư nhân?

Trước đây chúng ta chứng kiến rất nhiều cảnh “tra tấn” các trẻ mẫu giáo trong các clip quay được ở các nhà trẻ và gần đây đã không thấy phát hiện nạn bạo hành trẻ ở cấp học này. Đây là nỗ lực chấn chỉnh rất lớn của ngành chức năng ( hay vì chưa có clip nào chấn động tương tự được đưa lên mạng?).

Đối với các trường có tên tây, sang cả, như tên trường có em bé chết, sự kiểm soát của các ngành chức năng có thực hiện như những cơ sở giáo dục “An Nam” không? Chắc chắn là phải có. Nhưng có lẽ, với những cơ sở hoành tráng, đội ngũ cô giáo đồng phục đẹp mắt, có những chú bảo vệ oai phong với cảnh đưa đón cháu trang trọng, trường có tên tây nữa, sự tin tưởng chắc chắn sẽ nhiều, không những bởi nhà chức trách mà cả những phụ huynh các cháu.

Đẳng cấp quốc tế mà. Các trường có cái tên hoành tráng như sau (tôi đặt ra, không rõ có trùng hợp không): Trường Mầm Non quốc tế Việt Anh, Trường Mầm Non Việt Úc, Trường quốc tế Việt Mỹ, Trường Mầm Non Việt Pháp…(có cái lạ: không thấy trường mầm non quốc tế Việt Trung hay Việt Miên).

Sính ngoại, đó là tâm lý chung, nhà trường hay lấy những cái tên tây như vậy đặt cho cơ sở giáo dục của mình, rất bắt mắt, rất thu hút, như cái tên Gateway ở trên. Trường mầm non Hoa Hồng, trường mầm non Hướng Dương…chắc hẳn không oai bằng trường có tên Tây, tên Mỹ.

Thói sính ngoại không phải bây giờ mới có. Lúc khai sinh ra nhà nước Việt Nam, cho đến hàng ngàn năm sau này, chữ Hán cũng đã được coi trọng hơn chữ Nôm và chữ quốc ngữ.

Quý vị nhìn đồng tiền bên dưới sẽ thấy ngoài chữ quốc ngữ ra còn có chua thêm chữ Hán, chứng tỏ trong suy nghĩ của người Việt Nam luôn luôn lấp ló ông một…Ngoại trong đó. VTV là cái gì? Xin thưa: Vietnam Television. Sao không nói Truyền hình Việt Nam, THVN, mà gọi VTV? Cho nó…Tây, thế thôi.

Trở lại vấn đề chất lượng giáo dục tư thục trong các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học, sắp có đại học. Chất lượng ta trong trường tây, hay chất lượng tây trong trường ta?

Tôi có một đứa cháu tuổi mẫu giáo học trong ngôi trường có tên tây (tôi không nêu ra đây). Tiền học phí gần phân nửa tiền lương của mẹ nó (tầm 11 triệu mỗi tháng, đây chưa phải là trường đẳng cấp nhất). Tôi thỉnh thoảng đưa đón cháu đi học.

Ấn tượng của tôi: trường hoành tráng. Ngôi trường này xây trên khuôn viên rất rộng gần cả hectare, hết sức bề thế. Lúc khánh thành có sự tham dự của ông bí thư thành ủy lúc đó là Đinh La Thăng. Màu sơn của trường nổi bậc hẳn lên với các cơ sở kế cận. Chỗ chơi cho trẻ khá rộng và điều đặc biệt là ít thấy các cháu ra chơi, vì số lượng đông khi cùng chơi các cô không quản lý xiết? Phụ huynh không được vào đón con em tận cửa lớp như những nơi khác tôi biết, nhân cũng đưa đón một đứa cháu khác, học ở một trường “An Nam”, nơi đây, bố mẹ được nhà trường cho vào dự lớp nếu họ muốn. Trẻ con được cho ra chơi trên một bãi cỏ, có chỗ rải cát, với những trò chơi các em tự thân vận động, có các cô đứng trông bốn góc sân, những chỗ cháu có thể ngã té, giờ chơi lâu hơn, trái với trường "Tây" kia.

Cha mẹ trường "Tây" này chỉ  được xem qua internet, sinh hoạt của các cháu ở trường, không được dự lớp dù một hai lần theo yêu cầu; do đó cha mẹ không trực tiếp được biết việc ăn ở, học tập của các cháu. Mỗi bữa ăn, qua màn hình điện thoại, bố mẹ sẽ thấy một anh bảo vệ to con, đi từ bàn ăn này đến bàn ăn khác, không rõ có phải để “nhắc nhở” các em làm biếng ăn hay không. Nói chung học trường tây này, ta không được biết trong ấy tây hay ta đang xảy ra.

Phía trước mặt tiền nguy nga có để nhiều câu “khẩu hiệu” tiếng Anh, tiếng Việt, chẳng hạn “cha mẹ cho con tiếng khóc chào đời, cô giáo cho các em đôi cánh vào đời”… ngay trên một bàn thờ ông địa có cái bụng chà bá, há hốc mồm cười, ngồi bên con cóc cũng chà bá, ngậm những đồng tiền vàng, cùng những chồng củ tỏi tàu to tướng, phía trước là một bát nhang. Ông “tây” lập trường mẫu giáo này cũng “ta” ra phết. Thờ cúng thần thổ địa, hay ông địa ngay trước mặt trường.

Kết quả giáo dục không rõ nét cho lắm nhưng thành tích giáo dục rất rõ nét. Ngày bế giảng có băng rôn ghi: Chào mừng bế giảng và lễ tốt nghiệp. Tôi không hiểu tốt nghiệp là lãnh bằng gì đối với trẻ bốn, năm tuổi nhưng phát giấy khen là có. Lớp có 24 cháu thì 14 cháu được nhận giấy khen. Cháu tôi không nằm trong số 14 người vinh dự đó, nó cũng xông lên sân khấu đứng cùng các bạn, và cô giáo phải can thiệp, dắt cháu rời khỏi "sân khấu" trong lúc nó khóc lóc, được giải thích lý do nhưng cả buổi bế giảng cháu vẫn ấm ức và mẹ nó ngồi dưới, cùng những phụ huynh không có con “lãnh thưởng”, buồn nẫu ruột gan, không tiện thắc mắc vì sao có loại học sinh có thưởng (một mảnh giấy) và loại học sinh thì không. Một lối giáo dục phi giáo dục qua câu chuyện rất nhỏ này.

Nhiều nước thậm chí học sinh khác không biết cả điểm của nhau. Chỉ có cô giáo, cha mẹ, học sinh, ba người được biết. Trẻ 4,5 tuổi chúng là những tờ giấy trắng, người lớn sao nỡ vẽ vào đó "tư tưởng thi đua” quá sớm như thế. Người lớn đã buộc đầu óc trong trắng các em làm quen với thành tích thi đua !

Tôi không nêu câu chuyện trường cháu tôi học ra để phê phán, nhưng muốn qua câu chuyện “mục sở thị”, chia sẻ với những phụ huynh trẻ: trường có tên “quốc tế” chưa hẳn là nơi mình phó thác con cái vào đấy, qua nhận xét bề ngoài, không quan tâm mục đích cuối cùng trường ấy, có mang lại giáo dục chân chính cấp mẫu giáo: trẻ tự xúc ăn được chưa, tự đi vệ sinh được chưa, tự tắm được chưa, có biết vứt rác đúng chỗ không, có biết hỏi cha mẹ những câu hỏi cha mẹ đôi khi lúng túng không, biết tỏ bày những câu xin lỗi hay cám ơn chưa, có biết san sẻ đồ chơi với em mình không, có hay bắt nạt em mình không…

Trường quốc tế không có nghĩa học sinh học ở đó lõm bõm vài câu tiếng Anh hay nghêu ngao một đôi câu hát tiếng Anh, cha mẹ chỉ nghe được chừng ấy, đã vội vui mừng con mình vinh dự được học trường “quốc tế”, với tiền học phí cũng rất quốc tế.

Những bà mẹ, những người cha trẻ, ngày nay làm việc cật lực, mong cho con mình mới "vỡ lòng" được hấp thụ một nền giáo dục tiên tiến, bằng cách đầu tư tiền bạc vào những trường đẳng cấp, có khi bằng hay gần bằng lương tháng của mình; đó là một điều hết sức đáng trân trọng.

Trong khi chờ đợi sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước về chất lượng giáo dục của các trường tư thục có tên “quốc tế” hay đẳng cấp quốc tế, khi chọn trường, phụ huynh hãy tìm hiểu trường thật kỹ, từ những phụ huynh đã có con đi học hay ngay cả con nhỏ của mình, từ những ngày đầu, hay vài tuần đầu, qua hiện tượng ta quan sát nơi trẻ, chúng tỏ vẻ sợ hãi hay bình thường, hăng hái hay không hăng hái đi học, và hãy nhận định sơ bộ chất lượng giáo dục của ngôi trường đó; không phải thấy tên trường bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, hay có tên Mỹ, tên Anh, tên Đức… là đưa con mình vào, không cần phải  tìm hiểu sâu xa.

Cũng hiếm trường nào ở VN hay trên thế giới có một em học sinh chết trên xe đưa đón, cả ngày người ta mới biết, khi trường có một cái tên rất tây Gateway, ngôi trường ai cũng tưởng mọi cái đều “năm bờ oanh” (number one) hay là OK tốt, rất tốt, ở đây.